BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về việc tăng lương cơ sở

26/06/2023 14:45

Với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá việc này là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, sáng 22-10, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ; cho rằng trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây ra không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Tuy nhiên, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu đã góp ý, đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh: VPQH

Những kết quả tích cực

Góp ý tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thống nhất cho rằng, báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 rất đầy đủ, toàn diện.

Đại biểu cho rằng, năm 2022, mặc dù nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả rất phấn khởi, thể hiện ở một số điểm nhấn cơ bản.

Đó là, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19; nỗ lực kiểm soát được lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đặc biệt, khi thế giới tăng trưởng rất thấp, nhiều nơi tăng trưởng âm thì chúng ta lại có tốc độ tăng trưởng của năm 2022 ước đạt khoảng 8%.

“Đây là một chỉ số đánh giá nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn dân”, đại biểu nói.

Đáng chú ý, chúng ta cũng đã có sự quan tâm thích đáng đối với vấn đề nhân lực, chăm lo đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Do đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với nhiều khó khăn nhưng cơ bản tình hình của người dân ổn định, không có những vấn đề quá khó khăn nổi lên.

Đây cũng là một điểm nhấn rất rõ cho thấy chúng ta đã làm rất tích cực, nỗ lực trong công tác chăm lo cho an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm sự ổn định, giữ vững được mục tiêu để chúng ta thực hiện nhiệm vụ bảo đảm sự phát triển cân đối, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa và xã hội.

Nhiều khó khăn, bất lợi

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ băn khoăn khi nhắc đến nhiều khó khăn, bất lợi. Đó là, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều bất lợi cho phát triển kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn lạm phát rất rõ.

Mặt khác, một điểm nghẽn lớn cần tập trung khơi thông, theo đại biểu, đó chính là tập trung cho việc giải ngân. Cho rằng giải ngân sau 9 tháng mới đạt hơn 41,%, là con số thấp, đại biểu nhấn mạnh đây chính là điểm nghẽn cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng, cuộc sống của người dân cũng còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là đời sống người lao động ở các khu công nghiệp còn khó khăn, một số chính sách để hỗ trợ cho cuộc sống của người lao động vẫn chưa kịp thời.

Việc tăng lương cơ sở là hợp lý

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đặc biệt quan tâm đến chính sách tiền lương. Đại biểu cho rằng, đây chính là một chính sách đặc biệt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn lực và cũng là động lực để chúng ta thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Đại biểu phân tích, 3 năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chúng ta chưa điều chỉnh được mức lương cơ sở và chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương. Đại biểu cho rằng, thời điểm này chúng ta quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở là rất hợp lý - từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng. Mức điều chỉnh này tăng khoảng 20,8% cũng là đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương.

“Nếu điều kiện đất nước năm 2023 tiếp tục có những điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tốt; năm 2024, kinh tế vĩ mô của chúng ta ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững và không có những yếu tố tác động mang tính khách quan như năm 2020, 2021 cũng như trong bối cảnh của năm 2022 này, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương”, đại biểu bày tỏ quan điểm.

Anh Cao
Nguồn: qdnd.vn
Tìm kiếm