TP. Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018. Chương trình đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, tấm lòng nhân ái với những cống hiến của những công dân Thủ đô. Đó là những tấm gương tiêu biểu trong “vườn hoa” người tốt việc tốt Thủ đô. Những con người sống, học tập và lao động hết mình, vì một tình yêu tha thiết với Hà Nội.
Nhân lên những tấm lòng nhân hậu
Chị Trần Phương Lan là 1 trong 10 gương mặt vừa được chọn trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2018. Chị là người khởi xướng thành lập CLB chăm sóc, giúp đỡ thuốc thang, dạy kiến thức chăm sóc trẻ bị EB (bệnh thượng bì bọng nước). CLB chỉ có 4 người nhưng đã giúp đỡ cho nhiều trẻ em, gia đình có con bị mắc căn bệnh này. Sau quá trình đi khắp đất nước giúp đỡ các em, đến năm 2014, chị đã trực tiếp nhận nuôi một bé trai bị gia đình bỏ rơi tại bệnh viện khi thấy bé bị bệnh EB nặng, tiên lượng chỉ sống được vài tháng.
|
Chị Trần Phương Lan-người khởi xướng thành lập CLB chăm sóc, giúp đỡ trẻ bị bệnh thượng bì bọng nước. Ảnh: Diệu Anh |
Trung bình, chị Trần Phương Lan chi phí bông băng, thuốc men cho bé trai này từ 3-5 triệu đồng/ngày. Chị và gia đình đã phải bán đi 2 ngôi nhà để có thể chữa trị cho bé. Dưới bàn tay chăm sóc và thuốc thang của chị, điều kỳ diệu đã xảy ra: Bé đến nay đã gần 4 tuổi và dù bệnh nặng nhưng vẫn sống trong tình yêu thương của gia đình chị.
Không chỉ vậy, chị Lan là người sẵn sàng dành thời gian, chi phí đi tới bất cứ nơi đâu để hướng dẫn các gia đình chăm sóc trẻ bị bệnh EB; hỗ trợ dụng cụ y tế, thuốc men,... Đáng ghi nhận, suốt 8 năm qua, hàng trăm trẻ bị EB nhờ sự giúp đỡ của chị Lan đã đến trường, tự tin hòa nhập cuộc sống. Hiện nay, CLB thường xuyên trợ giúp khoảng 30 bé bị bệnh EB trên khắp mọi miền đất nước.
Với những nghĩa cử cao đẹp trên, năm 2015 chị được Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương gửi thư cảm ơn vì những đóng góp của chị và Câu lạc bộ EB đối với các bệnh nhi bị EB được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2013 đến tháng 5/2015. Năm 2017, chị đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Tấm gương của ông Nguyễn Tứ Hùng (SN 1945) - công dân Cụm 13, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội cũng là một điển hình của nghĩa cử cao đẹp. Sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, ông tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương (là đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 1994-1999). Năm 2004 và năm 2009, hưởng ứng sự vận động của hai cụm dân cư 12, 13 và Ban Quản lý di tích làng Hạnh Đàn, cá nhân ông và gia đình đã tham gia đóng góp 290 triệu đồng để xây dựng đình, chùa của làng.
Từ năm 2012 đến năm 2015, hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” do huyện và xã phát động, ông cùng với gia đình và nhân dân trong làng tích cực tham gia đóng góp tiền của, ngày công xây dựng chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Tính từ năm 2004 đến nay, ông và gia đình đã tham gia ủng hộ xây dựng 4 công trình với số tiền 2 tỷ 406 triệu đồng.
“Qua hai cuộc kháng chiến tôi luôn tha thiết tình yêu với quê hương và kính trọng với những người dân, nhất là những bà, những mẹ - người nuôi dưỡng chúng tôi từng nắm cơm, từng ngụm nước. Việc tôi làm chỉ là việc nhỏ đền ơn đáp nghĩa với quê hương”, ông Hùng chia sẻ.
Với những đóng góp trên, cá nhân ông nhiều năm liền được UBND huyện Đan Phượng tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Năm 2017 ông được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng Bằng khen trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Làm giàu từ cái tâm
Là một trong 20 công ty được nhận giải thưởng “Cúp Thăng Long” năm 2018, chị Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA chia sẻ, trong chiến lược phát triển sản phẩm vì khách hàng, MISA đang là đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào các sản phẩm của mình như trí tuệ nhân tạo vào các trợ lý số, Blockchain trong phần mềm hóa đơn điện tử, robot lễ tân,... Năm 2017, với tinh thần Go Global, MISA bắt đầu cung cấp phần mềm cho thị trường nước ngoài tại hơn 10 quốc gia trên thế giới.
|
Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy, đại diện MISA vinh dự nhận giải thưởng “Cúp Thăng Long” 2018. Ảnh: Diệu Anh |
Với định hướng đúng đắn và sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể hơn 1.500 nhân sự, các sản phẩm của MISA hầu hết đang chiếm lĩnh thị trường, mang đến hiệu quả và năng suất cao, được đông đảo khách hàng tin dùng. Tính đến nay đã có hơn 179.000 khách hàng gồm các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, doanh nghiệp tư nhân và hơn 1 triệu khách hàng hộ cá thể, cá nhân, đã và đang sử dụng phần mềm MISA.
Đặc biệt, song hành với hoạt động kinh doanh, MISA cũng vun đắp những giá trị cho cộng đồng thông qua rất nhiều hoạt động chia sẻ lợi ích như: Chuyển giao hoàn toàn miễn phí phần mềm vào giảng dạy cho sinh viên hơn 600 trường ĐH, CĐ, THCN trên cả nước; tặng gần 60.000 phần mềm cho các doanh nghiệp mới thành lập, tổ chức nhiều khóa hội thảo - tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho khách hàng, hỗ trợ và tích cực trong việc tham gia và xây dựng các hội, hiệp hội.
Gần 25 năm hình thành và phát triển, MISA vẫn luôn khắc ghi sứ mệnh phụng sự xã hội, phát triển các sản phẩm và dịch vụ phần mềm nhằm thay đổi năng suất và hiệu quả không chỉ một cá nhân, tổ chức trong ngành CNTT nói riêng mà còn góp phần thúc đẩy năng suất và hiệu quả của đất nước.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển - đại diện doanh nhân thời kỳ đổi mới chia sẻ: Doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới luôn tiếp thu những kinh nghiệm của doanh nhân đi trước đồng thời học hỏi những kiến thức mới của xu hướng phát triển hiện nay.
Là người sáng lập và quản lý Tập đoàn T&T, từ năm 1993 đến nay, sau hơn 25 năm dưới sự quản trị, điều hành của ông, Tập đoàn T&T đã ngày càng lớn mạnh, trở thành tập đoàn kinh tế lớn với hơn 60 công ty thành viên. Tạo công ăn việc làm và bảo đảm các chế độ cho hơn 2.800 người lao động trong toàn tập đoàn (riêng khu vực Hà Nội là hơn 1.000 lao động). Các sản phẩm xe máy do T&T sản xuất nhiều năm được công nhận “Sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hà Nội”.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa thể thao của Thành phố, hằng năm, tập đoàn đã chi hàng trăm tỷ đồng để phát triển phong trào thể thao thành tích cao của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, ông đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, từ năm 2015 đến nay đã đóng góp 92,8 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh trên cả nước. Trong đó đối với Thủ đô đã đóng góp 42 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quang Hiển cho rằng, đã là doanh nhân thì phải luôn có tư tưởng làm giàu. Song, không phải làm giàu bằng mọi giá, mà trước hết phải “làm giàu bằng cái tâm”, sự cống hiến và phải có lòng tự tôn dân tộc. Đồng thời, doanh nghiệp cần luôn quan tâm đến đời sống của công nhân viên, chung tay góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Có như vậy mới có được sự ủng hộ của toàn xã hội.
Diệu Anh/thanglong.chinhphu.vn