Bình đẳng giới qua số liệu thống kê

17/05/2018 09:39
  • Print
  • Lượt xem: 51698

Bình đẳng giới xét theo nghĩa rộng là vấn đề quyền con người, cụ thể hơn nữa là quyền con người của phụ nữ. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới thời kỳ 2011 - 2020 đã đề ra 7 mục tiêu nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội.

Bình đẳng giới được biểu hiện ở nhiều chỉ tiêu.

Tổng quát nhất là qua 3 chỉ số: Chỉ số phát triển liên quan đến giới (GDI), có so sánh với chỉ số phát triển con người (HDI); chỉ số vai trò của phụ nữ (GEM); chỉ số bất bình đẳng giới (GII). Các chỉ số HDI, GDI, GEM càng sát 1 càng tốt, càng sát 0 càng kém; riêng chỉ số GII càng sát 0 càng tốt, càng sát 1 càng kém.

HDI, GDI, GEM, GII của Việt Nam và thứ bậc trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới theo xếp hạng của UNDP như sau.

HDI, GDI, GEM, GII VÀ THỨ BẬC 

Chỉ tiêu

Chỉ số

Thứ bậc

Khu vực

Thế giới

1. HDI (2012)

0.617

7/11

117/187

2. GDI

 

 

 

Năm 1995

0.537

7/10

72/130

Năm 2009

0.73

5/8

94/182

3.GEM (2007)

0.554

2/7

62/138

4. GII

 

 

 

Năm 2008

0.53

3/8

58/138

Năm 2012

0.299

3/9

48/131

Nguồn: UNDP- Thứ bậc xét trong các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh


Từ các chỉ số trên, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Thứ nhất, thứ bậc về GDP, GEM cao hơn thứ bậc về HDI, chứng tỏ cùng với việc quan tâm đến phát triển con người nói chung, Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến phát triển liên quan đến giới, đến vai trò của phụ nữ so với nhiều nước.

Thứ hai, chỉ số và thứ bậc của Việt Nam về GDI, GEM có xu hướng cao lên qua các năm, thể hiện sự tiến bộ của Việt Nam về phát triển giới và vai trò của phụ nữ.

Thứ ba, chỉ số và thứ bậc của Việt Nam về GII giảm xuống qua các năm, chứng tỏ bất bình đẳng giới của Việt Nam đã được cải thiện nhanh, được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua.

Đóng góp vào sự cải thiện các chỉ số tổng quát trên là sự cải thiện trong những lĩnh vực cụ thể.

Về mặt chính trị, ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Trong Bộ Chính trị hiện có 2 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Trong Ban Bí thư có 2 thành viên nữ. Trong Ban Chấp hành Trung ương hiện có 9 Ủy viên là nữ. Nhiều khóa, Việt Nam có Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ, 1 Trưởng Ban công tác Đại biểu Quốc hội là nữ. Trong Chính phủ hiện có 2 nữ Bộ trưởng.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 1997-2002 là 26,2%, nhiệm kỳ 2002-2007 là 27,3%, nhiệm kỳ 2007-2011 là 25,8% (cao thứ 31 trên thế giới), nhiệm kỳ 2011-2016 là 24,4% (cao thứ 2 trong khu vực và thứ 43 trên thế giới). Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,2%, cấp huyện là 24,6%, cấp xã là 21,7%.

Về dân số, lao động và kinh tế,nữ giới cũng chiếm tỷ lệ cao và có vai trò rất quan trọng về kinh tế.

Trong tổng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, nữ giới chiếm 48,5%. Trong tổng số lao động làm việc ở các doanh nghiệp (DN) của cả nước, nữ giới chiếm 42,1% (DN Nhà nước 32,1%, DN ngoài Nhà nước 36,3%, DN FDI 66,8%). Tỷ lệ nữ làm việc trong một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, như dệt may trên 70%, nông, lâm nghiệp-thủy sản 53,7%, thương mại… Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, điều hành DN là hơn 20%, khá cao so với khu vực và thế giới; những DN do phụ nữ làm chủ thường có sự phát triển toàn diện, bền vững hơn và tham gia tốt hơn trong công tác xã hội… Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng của hộ gia đình do nữ làm chủ  hộ cao hơn 22,4% so với con số tương ứng của hộ do nam giới làm chủ hội.

Về giáo dục, đào tạo, nữ giới có nhiều đóng góp to lớn. Giáo viên, một chủ thể quan trọng của lĩnh vực này thì nữ giới chiếm tỷ lệ khá cao: Chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối ở hệ mẫu giáo; chiếm 70,9% bậc phổ thông (tiểu  học 77,4%, trung học cơ sở 67,9%, trung học phổ thông 61,2%); chiếm 48,9% giảng viên đại học, cao đẳng, 41,2% giảng viên trung cấp chuyên nghiệp.

Tỷ lệ nữ học sinh phổ thông đạt 49,4% (tiểu học 48,6%, trung học cơ sở 48,5%, trung học phổ thông 53,2%); nữ sinh viên đại học, cao đẳng đạt 49,9%; trung cấp chuyên nghiệp đạt 53,7%.

Về y tế và chăm sóc, bình đẳng giớicũng đạt được những kết quả tích cực. Tuổi thọ bình quân của nữ giới Việt Nam đạt 76 tuổi, cao hơn của nam giới (70 tuổi), cao hơn của nữ giới trong khu vực (73 tuổi), nữ giới ở châu Á (72 tuổi), và nữ giới trên thế giới (72 tuổi).

Phụ nữ đã đóng góp quan trọng vào việc giảm tỷ lệ sinh (từ 1,9% năm 2002 xuống 1,66% năm 2011) và giảm tỷ lệ tăng tự nhiên (từ 1,32% năm 2002 xuống 0,97% năm 2011); giảm tổng tỷ suất sinh (từ 2,28 con/phụ nữ năm 2002 xuống còn 1,99 năm 2011)…

Đạt được kết quả trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước sớm xác định nam nữ bình quyền từ khi Đảng ra đời, từ Hiến pháp 1946, từ năm 1982 khi Việt Nam phê chuẩn Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, từ năm 2006 thông qua Luật Bình đẳng giới, năm 2007 thông qua Luật Ngăn chặn và chống bạo lực gia đình, cùng các Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020… Có nguyên nhân từ sự cố gắng của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội và của người dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực, về bình đẳng giới vẫn còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Bao trùm nhất là tư tưởng định kiến trọng nam khinh nữ. Việc thực hiện trong thực tế còn có khoảng cách với quy định pháp luật. Định kiến giới còn khá phổ biến trong mọi đối tượng, trên nhiều mặt. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh (số bé trai/100 bé gái) đã tăng lên nhanh (từ 105,6 năm 2005 lên 111,2 năm 2010, lên 111,9 năm 2011; ở khu vực thành thị, ở một số vùng còn cao hơn) gây ra nguy cơ mất cân bằng giới tính. Bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy chồng người nước ngoài diễn biến phức tạp. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp. Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, phụ nữ còn bị ràng buộc bởi phong tục tập quán lạc hậu, tỷ lệ phụ nữ nghèo, phụ nữ mù chữ còn cao.

Đây cũng là những vấn đề chúng ta cần giải quyết trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

 

Chinhphu.v