Nam Định: Người phụ nữ làm giàu từ nuôi cá diêu hồng và trồng cây dược liệu

10/05/2019 09:06
  • Print
  • Lượt xem: 5280

Gia đình chị Phạm Thị Chiên, xóm 10, thôn Phú Lễ, xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là một điển hình thành công trong nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu từ nuôi cá diêu hồng và trồng cây dược liệu.

Từ vùng đất trũng trước đây trồng lúa năng suất chỉ được hơn 1tạ/sào, nay trở thành một vùng nuôi trồng thủy sản trù phú, trồng cây rau màu và dược liệu mỗi năm thu lợi về hàng trăm triệu đồng. Mô hình đã giúp gia đình chị Chiên và nhiều hộ gia đình khác trong xóm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình. 

Chị Chiên cho biết: Hiện nay gia đình tôi có diện tích 1,8 mẫu, trong đó diện tích ao nuôi cá là 1 mẫu, diện tích trồng cây đinh lăng và cây dược liệu là 8 sào. Gia đình tôi bắt đầu chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản từ năm 2004 đến nay đã được 15 năm. Mỗi năm cho thu nhập 200 tấn cá diêu hồng, kết hợp xen canh thả cá trắm, chép, cá đối mục... sản lượng cho thu hoạch 14,6 tấn/năm. Tổng thu 630 triệu đồng/năm từ thu hoạch cá và bán cây đinh lăng, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu được từ 200 – 300 triệu đồng/năm. 

Ngoài việc nuôi trồng thủy sản và trồng cây dược liệu, rau màu, gia đình chị Chiên còn kinh doanh và cung cấp các sản phẩm như cá giống và thức ăn chăn nuôi cho vùng nuôi trồng thủy sản. Chị Chiên cho biết gia đình chị là một trong 10 hộ gia đình đầu tiên của xã mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Khó khăn những ngày đầu chuyển đổi thì nhiều, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực, gia đình chị đã thành công, thu hoạch đạt hiệu quả cao. Đến nay sau 15 năm, mô hình nuôi trồng thủy sản đã thực sự hiệu quả và nhân rộng ra nhiều hộ dân trong toàn xã. 

Ông Đỗ Văn Thực, cán bộ phụ trách công tác nuôi trồng thủy sản của xã cho biết: ‘Hiện nay toàn xã đã phát triển được 455 hộ nuôi trồng thủy sản, trong có 385 hộ thả cá diêu hồng, còn lại là các hộ thả cá truyền thống và nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2018, toàn xã cho thu hoạch được 1.500 tấn cá các loại, tổng giá trị thu nhập 56 tỷ đồng. Nếu so sánh 1ha từ đất hai lúa chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và trồng màu thì giá trị thu nhập tăng từ 3-4 lần’.

Từ thành công của 10 hộ gia đình đầu tiên, trong đó có gia đình chị Chiên, nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong xóm đến học hỏi kinh nghiệm, làm theo. Đến nay toàn xóm 100% các hộ dân nuôi trồng thủy sản và hình thành được làng nghề ‘Nuôi trồng thủy sản Tùng Ba Phú Lễ’ được cấp trên công nhận vào năm 2014. Bên cạnh đó, người dân trong xóm cũng đã thành lập câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản với 31 thành viên tham gia. Câu lạc bộ trở thành nơi sinh hoạt để các gia đình thành viên cùng nhau trao đổi khoa học kĩ thuật, chia sẻ kinh nghiệm những cách làm hay, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ đầu vào như giống cá, cám cá trong nuôi trồng…. Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản còn mở các lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản để người dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng những phương pháp canh tác mới, cách chăm sóc và nuôi trồng đem lại nguồn thu nhập cao.

Hiện nay, gia đình chị Chiên đang tiếp tục chăm chỉ canh tác nuôi trồng, đầu tư có hiệu quả, bám đất, bám làng, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Chị em phụ nữ trong chi hội xóm 10 Phú Lễ học hỏi làm theo, ổn định kinh tế gia đình, tăng thu nhập, góp phần đưa thương hiệu cá diêu hồng xã Hải Châu đứng vững trên thị trường tiêu thụ. 

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn