Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật: Luật Thư viện (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020); Luật Lực lượng dự bị động viên (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020); Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020); Bộ luật Lao động (sửa đổi) (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021); Luật Chứng khoán (sửa đổi) (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021); Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021); Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021).
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao soạn thảo một số Nghị định hướng dẫn các Luật được Quốc hội thông qua, bao gồm: Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (Khoản 29 Điều 2); Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (Khoản 5, 6, 9, 10, 18 Điều 1); Nghị định thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 1 Điều 2); Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Khoản 2 Điều 2); Nghị định quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (Khoản 15 Điều 1; Khoản 11 Điều 2); Nghị định quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (Khoản 11 Điều 1 và Khoản 5 Điều 2); Nghị định quy định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Khoản 18 Điều 1); Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 97/2019/NQ-QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (điểm b, c và điểm d Khoản 2 Điều 7).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các nội dung được luật, bộ luật, nghị quyết giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định này.
Ban hành các thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết các nội dung được luật, bộ luật, nghị quyết giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung công việc, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan giải quyết hoặc kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất thêm văn bản để quy định chi tiết các luật, nghị quyết trong quá trình soạn thảo văn bản…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
Anh Cao