BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ

(Moha.gov.vn) Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; vừa qua, Bộ Nội vụ đăng tải dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, thay thế Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 06 năm 2014, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của tổ chức, cá nhân

Ảnh minh họa (Nguồn: www.moha.gov.vn)

Theo dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; tiền lương của người làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên; làm thường trực công tác cải cách hành chính nhà nước và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Về nhiệm vụ, dự thảo nghị định Gồm 28 khoản, các nội dung chính sửa đổi, bổ sung như sau:

Về chính quyền địa phương

 - Bổ sung mới nhiệm vụ, trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính và giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và của các cơ quan trung ương, định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo tiến độ thực hiện công tác bầu cử.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp về phương thức tổ chức và hoạt động, việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; hướng dẫn tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định về tiêu chí, điều kiện, quy trình thủ tục công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu; thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu.

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, thống kê số lượng, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thành viên Ủy ban nhân dân các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; số lượng và kết quả phân loại đơn vị hành chính các cấp.

Về địa gới hành chính và phân loại địa giới hành chính

- Bổ sung mới nhiệm vụ, thẩm định, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các đề án về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên và việc giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính các cấp (bao gồm cả đơn vị hành chính đô thị, đơn vị hành chính nông thôn và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt).

- Bổ sung mới nhiệm vụ, trình Thủ tướng Chính phủ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Nội vụ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên và giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính; việc phân loại đơn vị hành chính.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về hồ sơ, thủ tục và cơ sở dữ liệu về quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính các cấp.

Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế

- Bổ sung mới nhiệm vụ, thẩm tra về đối tượng tinh giản biên chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, thẩm định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự đối với các chức danh cán bộ, công chức, viên chức và các chức danh lãnh đạo, quản lý khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết iđnhj, phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Về chính sách tiền lương

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, hướng dẫn việc xếp ngạch, bậc lương đối với viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước, người làm việc trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu) khi được điều động, tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghệp công lập nhà nước.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, thẩm định các dự thảo Nghị định của Chính phủ có nội dung liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp, các khoản chi có tính chất lương; thẩm định các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị, trong đó có nội dung về chi tiền lương.

Về tổ chức hội và các tổ chức phi chính phủ

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ và hoạt động chữ thập đỏ theo quy định của pháp luật.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo về hoạt động chữ thập đỏ.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, tham gia quản lý nhà nước đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, tổng kết, sơ kết, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức phi chính phủ trong nước.

Về thi đua, khen thưởng

- Bổ sung mới nhiệm vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, sơ kết, tổng kết, tặng thưởng các hình thức khen thưởng; đánh giá hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng và áp dụng chính sách đãi ngộ đối với các tổ chức tôn giáo, cá nhân tham gia hoạt động tôn giáo.

Về công tác văn thư, lưu trữ nhà nước

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan nhà nước thực hiện các quy định về quản lý nhà nước công tác văn thư, lưu trữ, bao gồm các công việc về soạn thảo, ban hành văn bản; quản lý văn bản, văn bản điện tử và tài liệu khác hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức; quản lý và sử dụng con dấu trong công tác văn thư.

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định về quản lý nhà nước công tác lưu trữ.

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về sưu tầm, thu thập, bổ sung, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu, bảo vệ, bảo quản, bảo hiểm tài liệu lưu trữ; thực hiện giải mật, công bố, giới thiệu và tổ chức phục vụ sử dụng tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, bổ sung mới nhiệm vụ, tổ chức kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ; quản lý, phát hành phôi chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ; thống kê, tổng hợp tình hình cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ trong phạm vi cả nước.

Về cải cách hành chính nhà nước

- Bổ sung mới nhiệm vụ, chủ trì xây dựng, ban hành, hướng dẫn và triển khai việc theo dõi, đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban dân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, chủ trì xây dựng, ban hành, hướng dẫn và triển khai đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận, kế thừa và bổ sung thêm 01 nhiệm vụ về thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp, vì đây là trách nhiệm của Chính phủ được quy định tại các văn bản của Đảng: Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

- Bổ sung mới nhiệm vụ, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp.

Bổ sung mới nhiệm vụ, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung mới nhiệm vụ, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng , công tác phòng, chống tội phạm theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức

Dự thảo đề xuất, Bộ Nội vụ có 24 đơn vị, giữ nguyên không tăng so với Nghị định số 58/2014/NĐ-CP. Cụ thể:

Các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, gồm các Vụ: Tổ chức - Biên chế; Chính quyền địa phương; Công chức - Viên chức; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Tiền lương; Tổ chức phi chính phủ; Cải cách hành chính; Hợp tác quốc tế; Pháp chế; Kế hoạch - Tài chính; Tổng hợp; Công tác thanh niên; Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Tôn giáo Chính phủ.

Các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ, gồm: Học viện Hành chính Quốc gia; Viện Khoa học tổ chức nhà nước; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Tạp chí Tổ chức nhà nước; Trung tâm Thông tin và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Bỏ quy định về tổ chức phòng trong vụ: Chính quyền địa phương, Tổ chức - Biên chế, Công chức - Viên chức và Kế hoạch - Tài chính; riêng Thanh tra Bộ được tổ chức 03 phòng và Văn phòng Bộ được tổ chức 08 phòng.