Ảnh: Minh họa (Nguồn: www.baochinhphu.vn)
Theo dự thảo Nghị định, Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia; kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về nhiệm vụ
Dự thảo nghị định Gồm 15 khoản, các nội dung chính sửa đổi, bổ sung như sau:
- Bổ sung nhiệm vụ về giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quan hệ công tác giữa Chính phủ với các cơ quan có liên quan.
- Bổ sung mới, cụ thể hóa nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các Hội đồng, Ủy ban, Ban Chỉ đạo liên ngành do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu mà Văn phòng Chính phủ đã và đang được giao thực hiện.
- Bổ sung mới nhiệm vụ tham mưu tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo công tác, báo cáo giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nhân dân theo quy định tại Luật tổ chức Chính phủ 2015.
- Sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan đã được quy định tại Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Bổ sung mới nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, phục vụ các cuộc họp, làm việc, đi công tác địa phương, cơ sở của Thủ tướng Chính phủ.
- Bổ sung quy định quyền hạn về tham dự các cuộc họp, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan; về cung cấp tài liệu, báo cáo.
- Sửa đổi, bổ sung làm rõ quyền hạn của Văn phòng Chính phủ trong việc phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Bổ sung quy định về quyền hạn của Văn phòng Chính phủ trong xử lý các hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không đúng thẩm quyền, chưa đầy đủ hoặc không đúng trình tự, thủ tục.
- Dự thảo sửa đổi, bổ sung mới một số quy định, trong đó bổ sung quy định về nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, gồm 6 điểm, cụ thể hóa chức năng thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính. Đây là các nhiệm vụ hiện nay đang do Bộ Tư pháp (công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính) và Bộ Nội vụ (cơ chế một cửa, một cửa liên thông) chủ trì thực hiện, nay đề nghị giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì thực hiện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP đặt công tác này dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ.
- Dự thảo cũng bổ sung mới quy định về xây dựng Chính phủ điện tử; cụ thể hóa thành 3 điểm trên cơ sở các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là nhiệm vụ mới, thời gian qua Văn phòng Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Nhiệm vụ này cần được thể chế hóa vào dự thảo Nghị định để thể hiện đầy đủ và làm cơ sở để Văn phòng Chính phủ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
- Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung mới quy định về nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ công chúng và chủ động theo dõi, nắm tình hình thực tiễn để kịp thời tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý những vấn đề cấp bách, đột xuất, nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
- Bổ sung mới nhiệm vụ kiểm tra văn bản và xử lý đối với các văn bản trái pháp luật theo thẩm quyền quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ được giao cho Văn phòng Chính phủ tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, dự thảo cũng cụ thể hóa các nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ với tư cách là cơ quan ngang Bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ này Văn phòng Chính phủ đang thực hiện nhưng chưa được đưa vào Nghị định.
Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về công chức Văn phòng Chính phủ theo hướng: Văn phòng Chính phủ được đề nghị điều động, luân chuyển, biệt phái công chức ở các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương về làm việc tại Văn phòng Chính phủ và từ Văn phòng Chính phủ đến làm việc tại các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo thẩm quyền và quy định của Thủ tướng Chính phủ. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ phải là những người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, am hiểu về ngành, lĩnh vực phụ trách, do đó cần có cơ chế để Văn phòng Chính phủ xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Quy định tại dự thảo Nghị định là cơ sở để Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan xây dựng quy định về điều động, luân chuyển, biệt phái công chức giữa Văn phòng Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về cơ cấu tổ chức
Dự thảo đề xuất, Văn phòng Chính phủ sẽ có 22 đơn vị, tăng 3 đơn vị (gồm 1 Vụ và 2 Cục) so với Nghị định số 74/2012/NĐ-CP.
Cụ thể, chia tách Vụ Kinh tế ngành thành 02 Vụ là Vụ Công nghiệp và Vụ Nông nghiệp. Việc thành lập lại Vụ Nông nghiệp, là bộ phận chuyên môn sâu thuộc Văn phòng Chính phủ để giúp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ theo dõi, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề lớn đặt ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy sản, quản lý đất đai, tài nguyên nước, thủy lợi, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới…
Đồng thời, thành lập Cục Hành chính - Quản trị III để đảm nhận công tác hậu cần, kỹ thuật phục vụ hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, thành lập Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ để tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường công tác thẩm tra, tham mưu, tổng hợp của Văn phòng Chính phủ về quy định thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giao.
Đổi tên 03 Vụ để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; dễ gọi, dễ nhớ khi phối hợp công tác, cụ thể là: + Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng thành Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Vụ I); + Vụ Theo dõi phối hợp công tác giữa Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương các đoàn thể nhân dân và Chính quyền địa phương thành Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể; + Vụ Văn thư Hành chính thành Vụ Hành chính.
Giữ tổ chức cấp phòng thuộc cơ cấu tổ chức của 04 Vụ, gồm: Vụ I, Vụ Hành chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính.
Trong cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ không tổ chức các đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng như các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác. Các nhiệm vụ của Văn phòng Bộ đang giao cho các đơn vị là Vụ Văn thư Hành chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính và Cục Quản trị thực hiện (trong khi theo quy định, Văn phòng Bộ có tổ chức cấp Phòng). Nhiệm vụ Thanh tra Bộ, thi đua, khen thưởng đang giao cho Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện, không tổ chức thành Vụ riêng để giảm đầu mối, tiết kiệm biên chế. Do vậy, cần thiết phải tổ chức cấp phòng ở các đơn vị nêu trên.
Ngoài ra, Vụ I là Vụ có tính chất công việc phức tạp, sự vụ; khối lượng công việc lớn; các mảng công việc có tính độc lập tương đối nên cần tổ chức cấp phòng.