BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ

(Moha.gov.vn)-Ngày 16 tháng 7 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 29/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ.

Theo đó, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng.

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng, các quy định của pháp luật có liên quan và những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, thẩm định hồ sơ trình khen thưởng của các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở Trung ương. Thực hiện theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các đề án, dự án về thi đua, khen thưởng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, xây dựng nội dung, chương trình và thực hiện tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các phong trào thi đua và truyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Quản lý, lưu trữ hồ sơ khen thưởng theo quy định của pháp luật. Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về thi đua, khen thưởng. Chuẩn bị hiện vật, bảo quản, cấp phát hiện vật khen thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thu hồi, cấp, cấp lại, cấp đổi hiện vật khen thưởng. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có 8 đơn vị gồm: 1. Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp (Vụ I); 2. Vụ Thi đua - Khen thưởng các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Vụ II); 3. Vụ Thi đua - Khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Vụ III); 4. Vụ Tổ chức cán bộ; 5. Văn phòng; 6. Vụ Pháp chế - Thanh tra; 7. Tạp chí Thi đua, Khen thưởng; 8. Trung tâm Tin học.

Các tổ chức quy định từ (1) đến (6) nêu trên là các tổ chức hành chính giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước; các tổ chức quy định tại (7), (8) nêu trên là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có Trưởng ban và không quá 3 Phó Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân công một Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 8 năm 2018.

Xem toàn văn Quyết định số 29/2018/QĐ-TTg: Tại đây

Anh Cao