Theo đó, Kế hoạch yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; phát huy vai trò nòng cốt của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tại địa phương nơi đặt trụ sở, vai trò tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên tại cơ sở giáo dục của Bộ Nội vụ trong việc tham gia phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Phối hợp xử lý 100% các tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên tại cơ sở giáo dục của Bộ Nội vụ.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2012 của Ban bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật”.
Đồng thời, tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW; tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW; tổng kết thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm; chủ động lựa chọn, nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác của Bộ Nội vụ trong việc: tham mưu Chính phủ ban hành quy định liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong chính sách, pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm và tội phạm.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên tại cơ sở giáo dục của Bộ Nội vụ chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm.
Tăng cường kiểm tra, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên tại cơ sở giáo dục của Bộ Nội vụ; phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn nơi có trụ sở của Bộ Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời phát hiện những vấn đề có liên quan đến vi phạm, tội phạm thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm; đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ Nội vụ có hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.
Cũng theo Kế hoạch, thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để xảy ra tình hình phức tạp về tội phạm, về những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình; kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm…
Anh Cao