BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo khoa học “Cơ sở khoa học sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2008”

08/08/2019 12:25

Chiều ngày 16/01, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở khoa học sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2008”.
PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.  
 

PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo


Dự Hội thảo có đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ và đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh, qua 8 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quá trình đổi mới, từng bước đáp ứng được chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo cơ sở pháp lý cho việc phân định rõ đội ngũ cán bộ với công chức, tách viên chức ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức. Quy định phù hợp với đặc thù hoạt động và thực thi công vụ của cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã; công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức, đã có những chuyển biến rõ rệt, từng bước đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong cải cách hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao năng lực thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức…

Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.

Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai các quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành còn một số vướng mắc, cụ thể như: về phạm vi, đối tượng là cán bộ, công chức và áp dụng Luật Cán bộ, công chức; Về vị trí việc làm; Về tuyển dụng công chức; Về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức và Vấn đề kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Chính những bất cập nêu trên làm cơ sở để Bộ Nội vụ trình Chính phủ xin ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức là cần thiết.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung, như: Thực tiễn áp dụng Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức của các Bộ, ngành, địa phương; Bối cảnh, sự cần thiết và những điều kiện đảm bảo cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức; Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Cán bộ, công chức.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trao đổi, chia sẻ quan điểm, ý kiến về các nội dung cần sửa đổi trong Luật Cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Theo TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đánh giá, quá trình thực hiện Luật Cán bộ, công chức nổi bật lên 5 vấn đề bất cập cần phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn: Chế định công chức suốt đời; Chế định vị trí việc làm; Chế định đánh giá công chức; Chế định người hoạt động không chuyên trách cấp xã và Chế định bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý. Trên cơ sở đó, TS. Đinh Duy Hòa đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập nêu trên. 

PGS. TS. Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tế, như: sửa đổi, bổ sung quy định tách bạch cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng áp dụng pháp luật về cán bộ, công chức; sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức; sửa đổi, bổ sung chế độ nâng ngạch theo vị trí việc làm; bổ sung quy định về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; thực hiện yêu cầu “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo các tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị” theo Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đề ra… và bổ sung quy định kỷ luật cán bộ, công chức; sửa đổi quy định thời hiệu xử lý kỷ luật và các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật.

GS. TS. Phạm Hồng Thái, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, thực tiễn thực hiện Luật còn những bất cập, như: phạm vi, tuyển dụng, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, đánh giá công chức, xử lý kỷ luật. Tất cả những vấn đề này là cơ sở, môi trường, đồng thời cũng là những yêu cầu, đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, GS. TS. Phạm Hồng Thái cũng đề xuất một số nội dung cần sửa đổi trong Luật, cụ thể: Cần quy định rõ và tách biệt các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, nhà nước; đối tượng là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; vấn đề cán bộ, công chức cấp xã có được coi là công chức hay không cũng cần quy định rõ trong Luật sửa đổi; các nguyên tắc thi hành công vụ, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức,.. cũng cần được quy định trong Luật để làm cơ sở thực hiện.

Cũng theo PGS. TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Luật sửa đổi cũng cần quy định rõ về vị trí việc làm và các đối tượng là cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp của Nhà nước và cán bộ, công chức cấp xã.

Theo GS. TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật cần bám sát các quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời tạo thuận lợi khi triển khai trong thực tiễn và có tính liên thông, tránh chồng chéo với các quy định khác. Riêng quy định  tại Điều 84 Luật Cán bộ, công chức về Áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác cần được quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, không nên để Chính phủ quy định để tạo sự thống nhất.

Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và đại diện Sở Nội vụ một số địa phương chia sẻ những vấn đề liên quan đến cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, như: cơ cấu công chức trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; thi nâng ngạch công chức; giao biên chế công chức hàng năm cho từng Bộ, ngành, địa phương; tuyển dụng công chức,…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường ghi nhận, đánh giá cao và khẳng định sẽ tiếp thu có chọn lọc các ý kiến, tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các đại biểu. Thứ trưởng Triệu Văn Cường đề nghị bộ phận Thư ký ghi chép đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) được lãnh đạo Bộ giao chủ trì tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp ngay các ý kiến góp ý của các đại biểu và hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Toàn cảnh Hội thảo


Anh Cao 

Tìm kiếm