BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2021

31/10/2019 10:50

Sáng ngày 31/10, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2021.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương có liên quan; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, UBND cấp huyện của tỉnh Quảng Trị.

 

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Hồ Ngọc An báo cáo tại Hội nghị


Báo cáo tóm tắt Đề án, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Hồ Ngọc An cho biết, tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (08 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã); số lượng ĐVHC cấp huyện có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 02 đơn vị (01 huyện đảo và 01 thị xã).

Số lượng ĐVHC cấp xã gồm 141 đơn vị (117 xã, 13 phường và 11 thị trấn); số lượng ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 32 đơn vị (29 xã, 01 phường và 02 thị trấn).

Tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án sắp xếp 24 ĐVHC cấp xã (23 xã và 01 thị trấn), trong đó, có 22 xã và 01 thị trấn có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định; 01 xã thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích.

Tại huyện Hải Lăng, sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Hải Lăng với xã Hải Thọ để thành lập thị trấn Diên Sanh; sáp nhập xã Hải Tân với xã Hải Hòa thành xã Hải Phong; sáp nhập xã Hải Xuân và xã Hải Vĩnh thành xã Hải Hưng; sáp nhập xã Hải Thiện với xã Hải Thành thành xã Hải Định.

Tại huyện Triệu Phong, sáp nhập xã Triệu Thành với xã Triệu Đông để thành lập xã Triệu Thành.

Tại huyện Cam Lộ, sáp nhập xã Cam Thanh với xã Cam An để thành lập  xã Thanh An.

Tại huyện Hướng Hóa, sáp nhập xã A Túc với xã A Xing để thành lập xã Lìa.

Tại huyện Gio Linh, sáp nhập xã Vĩnh Trường với xã Linh Thượng để thành lập xã Linh Trường; sáp nhập xã Gio Hòa với xã Gio Sơn thành xã Gio Sơn; sáp nhập xã Gio Bình với xã Gio Phong thành xã Phong Bình, huyện Gio Linh; sáp nhập các thôn Nhĩ Trung, Nhĩ Hạ thuộc xã Gio Thành với xã Gio Hải để thành lập xã Gio Hải; chuyển thôn Tân Minh thuộc xã Gio Thành vào xã Gio Mai để thành lập xã Gio Mai. 

Tại huyện Vĩnh Linh, sáp nhập xã Vĩnh Tân với thị trấn Cửa Tùng để thành lập thị trấn Cửa Tùng; sáp nhập xã Vĩnh Thạch với xã Vĩnh Kim thành xã Kim Thạch; sáp nhập xã Vĩnh Trung với xã Vĩnh Nam thành xã Trung Nam; sáp nhập xã Vĩnh Hiền với xã Vĩnh Thành để thành lập xã Hiền Thành

Tại huyện Đakrông, sáp nhập xã Hải Phúc với xã Ba Lòng để thành lập xã Ba Lòng (thuộc diện khuyến khích).

Tỉnh Quảng Trị cũng đề xuất chưa sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là huyện đảo Cồn Cỏ, thị xã Quảng Trị và 09 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện của tỉnh.

Như vậy, số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Trị giảm sau sắp xếp là 16 đơn vị (16 xã).

Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Hồ ngọc An cho biết, tỉnh sẽ sắp xếp tổ chức Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp theo quy định của luật, điều lệ và các quy định của pháp luật. 

Đại biểu HĐND của các ĐVHC cũ được hợp thành HĐND của ĐVHC mới và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ theo quy định tại Điều 134, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc bố trí, sắp xếp các chức danh cán bộ, công chức ở các xã mới hình thành sau khi sắp xếp thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ về số lượng, chức danh cán bộ, công chức cấp xã; các xã sau khi sắp xếp áp dụng số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định đối với xã loại 2, mỗi xã 10 cán bộ và 11 công chức.

Số lượng cán bộ, công chức bố trí tại 17 xã, thị trấn được hình thành sau khi sắp xếp từ 33 xã, thị trấn (giảm 16 xã) là 354 người; trong đó, 171 cán bộ, 183 công chức. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, bố trí theo quy định đối với xã loại 2 là 204 người (12 người/ xã, thị trấn).

Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Quảng Trị sẽ dôi dư 258 cán bộ, công chức (129 cán bộ và 129 công chức); người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 227 người.

Để sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, tỉnh Quảng Trị sẽ bố trí các chức danh như Bí thư Đảng ủy riêng và Chủ tịch HĐND riêng; bố trí tăng thêm cấp phó và thực hiện lộ trình giảm dần trong 05 năm. Bên cạnh đó, sẽ tiếp nhận cán bộ vào công chức để bố trí tại các xã, thị trấn mới thành lập và các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện; tuyển dụng cán bộ vào công chức cấp huyện; thực hiện tinh giản biên chế và giải quyết chế độ thôi việc theo quy định…, đảm bảo đến năm 2025 sẽ thực hiện bố trí số lượng, chức danh cán bộ, công chức cấp xã theo đúng quy định.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Hồ Ngọc An khẳng định, việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, góp phần sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của các tổ chức trong hệ thống chính trị; sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, do đó, việc triển khai thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, thận trọng và đúng quy định của pháp luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Thành phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Thành cho rằng, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo đúng các nội dung quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn tại Văn bản số 2115/BNV-CQĐP ngày 16/5/2019 của Bộ Nội vụ.

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Trị được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Tất cả các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp được lấy ý kiến cử tri đều tán thành với việc sắp xếp.

Nội dung trong hồ sơ, Đề án đã thể hiện rõ hiện trạng, phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã; phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kế hoạch, lộ trình giải quyết đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã; đánh giá tác động của việc sắp xếp và định hướng, giải pháp để phát triển đối với các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành của tỉnh để triển khai thực hiện sắp xếp.

Tuy nhiên, việc giải trình lý do chưa tiến hành sắp xếp thị xã Quảng Trị của tỉnh chưa rõ và chưa thuyết phục. Đối với 16/17 ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp nhưng vẫn chưa đạt các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trong đó, có 08 ĐVHC đạt 01 tiêu chuẩn; có 08 ĐVHC chưa đạt cả 02 tiêu chuẩn nhưng cơ bản đều đạt trên 50% trở lên; có 03 ĐVHC có 01 tiêu chuẩn chưa đạt 50%, đề nghị tỉnh Quảng Trị làm rõ.

Về tên của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp không liên quan đến tên của 02 ĐVHC cũ như thị trấn Diêm Sanh, xã Lìa… đề nghị tỉnh nêu lý do và cơ sở để lấy tên mới đó vào trong Đề án.

Quang cảnh Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị rà soát lại các số liệu trong Đề án, cần lấy số liệu mới nhất của cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị có phương án cụ thể đối với việc quản lý và sử dụng tài sản công sau sắp xếp các ĐVHC cấp xã.

Bên cạnh đó, bổ sung các giải pháp thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ đối với cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp có liên quan. 

Đối với 02 ĐVHC cấp huyện và 09 ĐVHC cấp xã chưa đạt 02 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhưng tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, đề nghị tỉnh Quảng Trị giải trình, làm rõ đảm bảo tính thuyết phục.

Về số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp, tỉnh đã thống kê số lượng cụ thể và xây dựng lộ trình giảm sau 05 năm, đề nghị tỉnh Quảng Trị có phương án cho từng năm, từng đối tượng cụ thể; đồng thời, rút ngắn lộ trình thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Hội nghị


Tiếp thu, giải trình những vấn đề Hội đồng thẩm định đưa ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, ngay khi Trung ương có nghị quyết, tỉnh đã tiến hành rà soát và xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã kịp thời, có tính đến các yếu tố đặc thù và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Lý giải về việc chưa thực hiện sắp xếp huyện đảo Cồn Cỏ, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập năm 2004 do yêu cầu bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia trên biển Đông. Huyện đảo Cồn Cỏ có vị trí địa lý cách xa đất liền, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển Đông. Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, sẽ xây dựng đảo Cồn Cỏ thành đảo lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh, làm cơ sở vững chắc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biển của Tổ quốc.

Đối với thị xã Quảng Trị là địa danh gắn liền với lịch sử truyền thống cách mạng. Di tích thành cổ Quảng Trị là điểm hẹn truyền thống của các thế hệ cựu chiến binh, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào cả nước, với hàng trăm ngàn lượt người đến tham quan hàng năm, trở thành nơi có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch tổng thể, thị xã Quảng Trị sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật phía nam của tỉnh Quảng Trị. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về các lĩnh vực văn hóa- xã hội, gắn với việc thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội; tôn tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa – lịch sử. Đồng thời, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, giữ vững quốc phòng, an ninh…

Với những đặc thù nêu trên, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị chưa tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị trong giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Trị sẽ xem xét mở rộng thêm một số xã của huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị


Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung, giải trình theo yêu cầu. Xây dựng lộ trình cụ thể và giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn dôi dư, tránh phát sinh các tiêu cực, khiếu kiện; rút ngắn lộ trình thực hiện giải quyết đối với những người dôi dư. Tỉnh Quảng Trị cũng cần xây dựng phương án cụ thể trong việc quản lý và sử dụng tài sản công đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và tránh lãng phí.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các số liệu thể hiện trong Đề án cần được rà soát lại và sử dụng số liệu mới nhất do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, đảm bảo số liệu chính xác, tin cậy.

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Quảng Trị./.

Thanh Tuấn

 

Tìm kiếm