BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chồng chất tác hại của thuốc lá điện tử lên sức khỏe người trẻ, làm thế nào để ngăn chặn?

14/11/2023 14:23

Cốc trà sữa, thỏi son, thú lego, chiếc bút máy hay cái bật lửa… tất cả đều là 'vỏ bọc' hoàn hảo cho loại thuốc lá thế hệ mới đang len lỏi và ngày càng có sức hút mãnh liệt với giới trẻ.

Cũng từ đây kéo theo hàng loạt hệ lụy về sức khoẻ, xã hội đáng lo ngại, ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai của đất nước.

Thuốc lá điện tử bủa vây giới trẻ

Mới 13 tuổi nhưng cậu học sinh tên H. đã có 2 năm sử dụng thuốc lá điện tử, và em cũng thừa nhận đã từng sử dụng cần sa. Đây là thực tế hết sức đau lòng mà ThS.BS. Vũ Văn Hoài - Phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) chứng kiến trong quá trình thăm khám, điều trị cho người bệnh. Tại cơ sở y tế này đã tiếp nhận không ít các trường hợp bị rối loạn tâm thần do sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo BS. Hoài, đa số bạn trẻ nghĩ rằng thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu thông thường khiến số lượng người sử dụng ngày càng tăng, gây nguy hại cho cộng đồng. Qua những lần nói chuyện về tác hại thuốc lá tại các trường học, bác sĩ được biết có rất nhiều trẻ đã hút thuốc lá điện tử từ 13-14 tuổi do đua đòi với bạn bè.

Trường hợp khác, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) từng tiếp nhận một bệnh nhân nam 23 tuổi nhập viện trong tình rối loạn ý thức, lơ mơ, nhịp tim chậm, co giật, kích thích vật vã nhiều, có tình trạng tiêu cơ vân, tổn thương cơ nặng. Khi kiểm tra về tâm thần, bệnh nhân có rối loạn mất trí nhớ và mất ngủ mức độ nặng. Trong máu và mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng được mang đến xét nghiệm không có các loại ma túy thông thường. Tuy nhiên có xuất hiện loại ma túy tổng hợp thế hệ mới (MDMB-Butinaca) trong mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay đang được bán và tiếp thị một cách công khai nhắm tới giới trẻ qua các nền tảng truyền thông mạng xã hội được sử dụng phổ biến trong giới trẻ như Facebook, Tiktok... Theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam thực hiện tại Hà Nội và TPHCM năm 2020, có tới 45% thanh thiếu niên 15-24 tuổi đã từng tiếp xúc với quảng cáo thuốc lá điện tử qua mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, 9,1% thanh thiếu niên nhận được mẫu thử thuốc lá điện tử miễn phí, 15,2% được giảm giá khi mua các sản phẩm thuốc lá điện tử, chẳng hạn như mua 2 tặng 1 hay khuyến mại 60%.

Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên năm 2022 của Bộ Y tế, cũng có tới 18.4% thanh thiếu niên 13-15 tuổi (16,3% nam, 20% nữ) đã nhìn thấy thông tin quảng cáo, tiếp thị thuốc lá điện tử, trong đó chủ yếu tiếp xúc qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) và Internet (website).

https:/Media_Share/BoNoiVu/PublishingImages/TinTuc/NoiDung/2023/11/14-26-59-14-11-2023-UP%2014.11.1.jpg

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, hiện nay thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. Theo Điều tra của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành đã tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5% (năm 2022.)

Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt trong giới trẻ.

Chồng chất tác hại của các sản phẩm hút thuốc điện tử lên sức khỏe người trẻ

TS.BS. Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết: Thuốc lá điện tử chủ yếu chứa nicotine và một số chất khác. Trong buồng đệm chứa dịch (glycerin, propylene, các chất dẫn), chất tạo hương vị, chất dẫn và trong một số loại có pha ma túy tổng hợp. Thuốc lá điện tử gây tác hại trực tiếp đến người dùng do hít phải hơi. Trong đó nicotine có thể gây phụ thuộc về mặt tâm thần. Glycerine có thể gây viêm phổi. Các chất dẫn khác nhau thì tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư.

Ngoài ra, có thể có các chất khác do chưa được kiểm duyệt, chưa có quy định nên thường người pha chế có thể bổ sung sai cách vào buồng đệm chứa dịch. Đây chính là nguyên nhân chính đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác: tinh dầu cần sa...

Chuyên gia cho hay, ảnh hưởng của thuốc lá điện tử không chỉ tác động lên sức khỏe tâm thần mà còn gây tổn thương các lớp lót bên trong của mạch máu, làm tích tụ các mảng bám trong lòng động mạch, gây ra các bệnh như tắc động mạch, động mạch vành và xơ vữa động mạch. Các thành phần tạo nên hỗn hợp lỏng của thuốc lá điện tử khi được nung nóng sẽ biến thành các chất độc hại, có thể thấm vào máu và làm viêm mạch máu, làm tăng tốc độ quá trình oxy hóa.

Ngoài ra, các loại hóa chất độc hại trong thuốc lá điện tử khi xâm nhập vào phổi sẽ làm cản trở quá trình lưu thông oxy, tăng viêm, làm rò rỉ mạch máu, nghiêm trọng hơn là gây tích tụ dịch ở phổi. Hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài và liên tục có thể gây ra các triệu chứng như ho đờm kéo dài, đau tức ngực, khó thở khi vận động, sốt nhẹ kéo dài, ho ra máu, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, sụt cân. Những dấu hiệu này rất có thể là biểu hiện của bệnh viêm phổi, suy hô hấp.

"Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, não chưa hoàn thiện, khó kiểm soát cảm xúc, dẫn đến vùng não tổn thương sẽ khiến người hút khó từ chối các chất gây nghiện khác. Lạm dụng hoặc nghiện thuốc lá điện tử là đường vào của các chất gây nghiện khác. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm sát sao hơn với con trẻ, tuyệt đối không nên để các bạn trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử. Nếu thấy con có biểu hiện bứt rứt, khó chịu, hành vi bất thường cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn" – TS. Hà khuyến cáo.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), ngoài hàng loạt những hóa chất thông thường có trong thuốc lá điện tử thì các hóa chất cần sa tổng hợp trong loại thuốc lá này có cấu trúc khác hẳn so với cần sa thông thường. Các ma túy tổng hợp thế hệ mới thường là dạng chất lỏng. Với năng lực xét nghiệm hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, khó có thể xét nghiệm hết được các hóa chất này do các hóa chất thay đổi liên tục và tạo mới hàng ngày. Mỗi hóa chất này đều là hóa chất mạnh, chúng tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, tim mạch và đa cơ quan. Việc sử dụng lâu dài có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Chuyên gia chống độc cảnh báo, những hóa chất có trong thuốc lá điện tử có thể gây ngộ độc cấp tính, thậm chí gây tổn thương thần kinh trung ương (nhồi máu não, xuất huyết não, phù não, hôn mê sâu co giật). Những trường hợp ngộ độc này gây tổn thương gấp nhiều lần so với đột quỵ ở người cao tuổi. Những tổn thương ngộ độc cấp tính do ma túy có thể lan rộng ở não (hai bên não, nửa não hoặc toàn bộ phần não). Bên cạnh đó có thể gây rối loạn tâm thần, mất trí nhớ. Về tim mạch có thể gây tổn thương cơ tim, nhồi máu cơ tim, tụt huyết áp…

Các loại ma túy, hóa chất trong thuốc lá điện tử có thể biến não, tim, các cơ quan của trong cơ thể của một thanh thiếu niên thành một… người già.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cảnh báo, nicotin có trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây nghiện và việc người hút thuốc lá chuyển từ thuốc lá điếu truyền thống sang sử dụng các sản phẩm này không giải quyết được bản chất gây nghiện của nicotin. Các nghiên cứu cho thấy một tỷ lệ lớn người hút thuốc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để cai thuốc lá trở thành người sử dụng kép hoặc đồng thời sử dụng các sản phẩm này cùng với thuốc lá truyền thống. Việc sử dụng kép như vậy làm suy yếu nỗ lực bỏ thuốc, làm tăng nguy cơ tái nghiện thuốc lá ở những người đã từng hút thuốc và tăng nguy cơ sức khỏe so với chỉ hút thuốc lá điếu.

https:/Media_Share/BoNoiVu/PublishingImages/TinTuc/NoiDung/2023/11/14-28-56-14-11-2023-Up%2014.1.2.JPG
Nhan nhản các loại thuốc lá điện tử với màu sắc bắt mắt thu hút giới trẻ.

Cần cấm triệt để các sản phẩm thuốc lá mới để bảo vệ thanh thiếu niên

"Thuốc lá điện tử là môi trường cho các ma túy mới tồn tại, gây thêm gánh nặng về y tế, an ninh, xã hội... Chính vì vậy nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử, do đó chúng tôi cũng đề nghị khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam" - Đây là chia sẻ của TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khi vị bác sĩ này đã trực tiếp cấp cứu rất nhiều trường hợp ngộ độc ma túy, cần sa tổng hợp tẩm trong thuốc lá điện tử sau khi sử dụng loại sản phẩm này.

Trước thực trạng ngày càng nhiều đối tượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng nhiều dạng thuốc lá mới khác, bà Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Cần sớm ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Hiện nay, đã có ít nhất hơn 40 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử, và 20 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Trong đó, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan. Việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới (gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được coi như là một biện pháp ngăn ngừa giúp bảo vệ sức khỏe của người dân trước những tác hại đã biết của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và ngăn chặn ngăn sự gia tăng trong giới trẻ.

Các quốc gia khác đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng trong việc sử dụng ở trẻ em khi cho phép lưu hành các sản phẩm hút thuốc điện tử. Điển hình như ở Mỹ, đã có sự bùng nổ về sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh trung học đã tăng vọt từ 1,5% năm 2011 lên 27,5% năm 2019. 

Ở Anh, số lượng thanh niên 16-19 tuổi hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng gấp ba lần trong ba năm qua và tỷ lệ trẻ em hiện sử dụng thuốc lá điện tử cao hơn so với tỷ lệ hút thuốc lá thông thường. 

Tại Canada, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2019.

https:/Media_Share/BoNoiVu/PublishingImages/TinTuc/NoiDung/2023/11/14-30-42-14-11-2023-Up%2014.11.3.jpg


Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm quốc tế, sớm ban hành chính sách, quy định về các sản phẩm này tại Việt Nam. Việc cho phép thêm thuốc lá điện tử lưu hành là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.

Theo bà Trần Thị Trang, Bộ Y tế, quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ.

"Cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới là phù hợp với xu hướng các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và điều kiện của Việt Nam: WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá nung nóng" - bà Trang nói.

Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) trong một báo cáo mới đây cũng đã khuyến nghị các chính phủ nên cấm các sản phẩm thuốc lá mới (gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) như một biện pháp phòng ngừa. Bởi thực tế, các sản phẩm thuốc lá mới này gây hại và gây nghiện, rủi ro, hậu quả lâu dài của các sản phẩm này vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ, và những sản phẩm này có thể đảo lộn nỗ lực kiểm soát thuốc lá trong nhiều thập kỷ bằng cách tạo ra một thế hệ người nghiện nicotin mới. Nếu cách tiếp cận này được áp dụng đối với thuốc lá trước khi được phổ biến rộng rãi, hàng triệu sinh mạng và hàng nghìn tỷ đô la đã có thể được cứu khỏi đại dịch thuốc lá.

Hữu Hồng
Tìm kiếm