Dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng thẩm định theo Quyết định số 484/QĐ-BNV ngày 11/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện của tỉnh Lạng Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên Báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo tóm tắt Đề án tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, tỉnh Lạng Sơn có 11 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, trong đó có 10 huyện, 01 thành phố thuộc tỉnh.
Số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Lạng Sơn có 226 đơn vị, trong đó có 207 xã, 05 phường và 14 thị trấn. Số ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 40 ĐVHC (gồm 01 thị trấn và 39 xã).
Về phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Lạng Sơn thực hiện sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã (45 xã và 06 thị trấn). Trong đó, 30 ĐVHC (gồm 29 xã và 01 thị trấn) có 02 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định và 21 ĐVHC (gồm 16 xã và 05 thị trấn) thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích và sắp xếp với các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp liền kề.
Theo Phương án sắp xếp các ĐVHC, tỉnh Lạng Sơn đề nghị chưa tiến hành sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 là 10 ĐVHC cấp xã, bao gồm: xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc; xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng; xã Tân Lập, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn; xã Khánh Khê, xã Đồng Giáp, xã Tràng Các, xã Hòa Bình huyện Văn Quan; xã Nhạc Kỳ và xã Hồng Thái huyện Văn Lãng với lý do, căn cứ Điều 2 của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 06/8/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có Báo cáo số 329/BC-UBND báo cáo giải trình Chính phủ, Bộ Nội vụ về lý do chưa thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã đối với 10 xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021.
Như vậy, số lượng ĐVHC cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp là 200 ĐVHC cấp xã, trong đó: 181 xã, 14 thị trấn và 05 phường. Số lượng ĐVHC cấp xã giảm do sắp xếp là 26 ĐVHC.
Bên cạnh phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Lạng Sơn cũng xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC của 25 xã (gồm 06 thị trấn và 19 xã), thị trấn mới hình thành sau sắp xếp; phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp; phương án sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức đôi dư; các chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã (bao gồm: tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển công tác, chờ nghỉ hưu...).
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn 2019 - 2021 đã được tiến hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Trên cơ sở Phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Lạng Sơn đã được Tỉnh ủy thông qua và ý kiến của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng Đề án, phương án chi tiết sắp xếp các ĐVHC cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn; tổ chức họp HĐND các cấp để xem xét, cho ý kiến và UBND tỉnh đã có Tờ trình kèm theo hồ sơ Đề án trình Chính phủ.
Phó Vụ trưởng Phan Trung Tuấn cũng cung cấp thêm, tỉnh đã tiến hành sắp xếp tất cả các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sau sắp xếp giảm được 26 đơn vị. Đối với đề xuất chưa sắp xếp 10 ĐVHC cấp xã, tỉnh đã có các giải trình trong Đề án. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có phương án cụ thể và lộ trình sắp xếp đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư đối với từng ĐVHC cấp xã sau khi sáp nhập…
Tuy nhiên, để hoàn thiện Đề án trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt theo quy định, ông Phan Trung Tuấn đề nghị tỉnh Lạng Sơn cần rà soát, giải trình và bổ sung thêm một số nội dung về: các yếu tố, lý do giải trình về việc chưa sắp xếp 10 ĐVHC cấp xã trong giai đoạn này cho thuyết phục hơn, chú ý tập trung vào những đặc thù riêng của từng ĐVHC chứ không chỉ tập trung vào yếu tố địa hình; bổ sung nội dung danh giới (Đông, Tây, Nam, Bắc tiếp giáp những đâu) vào trong Phương án; cân nhắc kỹ lộ trình thực hiện việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp là các cơ sở y tế, giáo dục tại các ĐVHC được sắp xếp; tên các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp cũng cần cân nhắc kỹ và có lý giải chi tiết trong Phương án lý do vì sao lấy tên xã mới như vậy để tăng tính thuyết phục; các giải pháp chuyển đổi giấy tờ cho người dân sau khi sắp xếp; phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của ĐVHC thành lập mới.
Ngoài ra, số liệu phải là số liệu mới tính đến ngày 31/12/2018, riêng số liệu về dân cư phải là số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hoặc cung cấp, về diện tích tự nhiên phải lấy số liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, cung cấp.
Thành viên Hội đồng thẩm định phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao công tác chuẩn bị và nội dung của Đề án chặt chẽ, xây dựng công phu, bám sát và thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định.
Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn làm rõ một số nội dung trong Đề án, như: cách giải trình lý do khi chưa sáp nhập các ĐVHC chưa được thuyết phục, vẫn còn chung chung, vì vậy, cần phải giải trình một cách cụ thể, chi tiết và thuyết phục hơn, đồng thời, cần có lộ trình thời gian thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo; số liệu diện tích tự nhiên của tỉnh Lạng Sơn cần phải thống nhất với số liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Đặc biệt, khi giải trình cần đưa những xã có sự tương đồng vào một nhóm để tăng tính thuyết phục.
Vấn đề nguồn kinh phí để thực hiện tinh giản biên chế, cho thôi việc sau khi sắp xếp các ĐVHC, chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức ở các ĐVHC thuộc diện sắp xếp mà dôi dư, hướng giải quyết như thế nào cũng cần thể hiện cụ thể trong Phương án.
Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải nghiên cứu kỹ để tránh ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh, học hành của người dân. Vì vậy, cần phải có lộ trình cụ thể để tránh xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn thuộc diện sắp xếp.
Bổ sung thêm đặc thù về an ninh, quốc phòng vào trong nội dung giải trình khi chưa tiến hành sắp xếp 10 ĐVHC trong giai đoạn này.
Ngoài ra, giải trình rõ lý do, nêu phương án sau khi sắp xếp lại các xã, thị trấn nhưng vẫn chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị
Tiếp thu ý kiến của Hội đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Đề án để trình Chính phủ đúng thời gian quy định.
Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành xây dựng Đề án một cách thận trọng, đảm bảo đúng quy trình và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Về sắp xếp trụ sở làm việc và sử dụng tài sản công sau sắp xếp, sáp nhập, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bàn giao cho Sở Tài chính tham mưu, xử lý đúng quy định của pháp luật và để làm sao không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu Kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng hồ sơ, Đề án của tỉnh Lạng Sơn đã thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và sự đồng tình của Nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định, phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, hoàn thiện Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng tiến độ thời gian, chất lượng theo quy định.
Toàn cảnh Hội nghị
Anh Cao