BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019-2021

23/10/2019 10:33

Chiều ngày 22/10, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019-2021.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương có liên quan; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Quảng Bình.

 

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Nhiều báo cáo tại Hội nghị


Báo cáo tóm tắt Đề án, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Nhiều cho biết, toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (09 huyện, 02 thành phố và 01 thị xã), không có ĐVHC cấp huyện nào có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.

Đối với ĐVHC cấp xã, toàn tỉnh có 144 đơn vị (118 xã, 17 phường, 09 thị trấn), trong đó, chỉ có 01 xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.

Do đó, tỉnh Đồng Tháp xây dựng phương án sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 8,48km2 và dân số 3.233 người của xã Thường Lạc vào xã Thường Thới Hậu B để thành lập xã mới đặt tên là xã Thường Lạc. Dự kiến trụ sở làm việc đặt tại UBND xã Thường Lạc hiện tại.

Xã Thường Lạc sau khi nhập từ xã Thường Thới Hậu B đảm bảo tiêu chuẩn về dân số theo quy định; 02 xã có nhiều điểm tương đồng, giống nhau về điều kiện kinh tế - xã hội, nên sau khi sáp nhập, việc định hướng và triển khai các chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã mới tiếp tục được thuận lợi; 02 xã có phong tục, tập quán tương đồng nên sau khi sáp nhập, cộng đồng dân cư sẽ nhanh chóng hoà nhập, không có xung đột về sắc tộc, tôn giáo hay phong tục, tập quán, không gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, dễ tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân khi triển khai chủ trương sáp nhập. 

Về diện tích tự nhiên, xã Thường Lạc sau khi sáp nhập chưa đảm bảo tiêu chuấn về diện tích tự nhiên theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (xã đồng bằng diện tích từ 30 km2 trở lên). Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế và quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cân nhắc một số yếu tố đặc thù, nên không xem xét phương án nhập thêm 01 xã liền kề nữa với xã Thường Lạc và xã Thường Thới Hậu B.

Về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, ông Phan Văn Nhiều cho biết, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Huyện ủy Hồng Ngự sẽ tiến hành quyết định sáp nhập Đảng bộ của 02 xã (xã Thường Lạc và Thường Thới Hậu B) thành Đảng bộ của xã mới thành lập (xã Thường Lạc); quyết định số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ; chỉ định Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy của xã Thường Lạc (xã mới thành lập).

Hợp nhất đại biểu HĐND của xã Thường Lạc và xã Thường Thới Hậu B để hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định tại Điều 134, Điều 137 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. HĐND xã Thường Lạc (xã mới thành lập) tiến hành bầu các chức danh của HĐND và UBND. Đồng thời, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác của xã Thường Lạc và xã Thường Thới Hậu B.

Như vậy, sau khi sáp nhập, xã Thường Lạc mới sẽ dôi dư 06 cán bộ; 10 công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Tỉnh Đồng Tháp xây dựng phương án điều động cán bộ, công chức dôi dư có đủ tiêu chuẩn theo quy định và có chuyên môn phù hợp lên huyện hoặc các xã trong huyện (nếu còn chỉ tiêu biên chế). Trường hợp chưa bố trí, sắp xếp được thì thực hiện tăng số lượng cán bộ, công chức, sau đó có lộ trình sắp xếp giảm dần số lượng đến hết năm 2024 đảm bảo số lượng đúng theo quy định; hoặc thực hiện giải quyết ngay chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức đối với trường hợp tự nguyện xin nghỉ việc.

Quang cảnh Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, tỉnh Đồng Tháp chỉ có 01 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng tỉnh đã xây dựng hồ sơ, Đề án cẩn thận, chi tiết, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Đồng Tháp giải trình lý do sau sáp nhập 02 xã để hình thành xã Thường Lạc mới vẫn chưa đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định mà không tiến hành nhập thêm 01 xã liền kề nữa với xã Thường Lạc và xã Thường Thới Hậu B.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng phát biểu tại Hội nghị


Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, nếu nhập thêm xã Thường Thới Hậu A (cũng là xã biên giới) thì sẽ giảm bộ máy quản lý, giảm lực lượng làm công tác bảo vệ an ninh - quốc phòng, ảnh hưởng đến thế trận phòng thủ và công tác đảm bảo quốc phòng tại khu vực biên giới.

Nếu nhập thêm thị trấn Thường Thới Tiền (được thành lập tháng 3/2019, là đô thị loại V) thì có sự chênh lệch về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của cả khu vực sau khi sáp nhập. Hoặc nếu nhập thêm xã Long Khánh A hoặc xã Long Khánh B thì chưa đảm bảo yếu tố vị trí địa lý do cách nhau bởi sông Tiền, không thuận tiện cho việc đi lại của người dân khi đến UBND xã để giao dịch các thủ tục hành chính có liên quan.

Do đó, phương án sáp nhập xã Thường Lạc vào xã Thường Thới Hậu B là phương án tốt nhất, phù hợp với tình hình thực tế, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân và đảm bảo đúng theo nguyên tắc sắp xếp ĐVHC theo quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị


Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định. Bổ sung, giải trình làm rõ những kiến nghị của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời, xây dựng phương án, lộ trình cụ thể trong việc sắp xếp cán bộ, công chức đôi dư. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp cần giải quyết ngay chế độ, chính sách sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết.

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Đồng Tháp./.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm