BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2021

31/10/2019 10:47

Sáng ngày 31/10, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2021.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương có liên quan; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Lai Châu.

 

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Thành báo cáo tại Hội nghị


Báo cáo tóm tắt Đề án, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Thành cho biết, tỉnh Lai Châu có 08 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (07 huyện và 01 thành phố); số lượng ĐVHC cấp huyện có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 01 đơn vị (thành phố Lai Châu).

Số lượng ĐVHC cấp xã là 108 đơn vị (96 xã, 07 thị trấn, 05 phường); số lượng ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 03 đơn vị, gồm 02 xã và 01 phường (xã Ma Li Chải huyện Phong Thổ; xã Sùng Phài huyện Tam Đường; phường Quyết Thắng thành phố Lai Châu).

Tỉnh Lai Châu xây dựng Đề án sắp xếp 02 ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 02 đơn vị, gồm xã Sùng Phài và xã Ma Li Chải, theo đó, sáp nhập xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) với xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) để thành lập xã mới là xã Sùng Phài; sáp nhập xã Ma Li Chải với xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) để thành lập xã mới là xã Sì Lở Lầu.

Tỉnh Lai Châu cũng đề xuất chưa tiến hành sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là thành phố Lai Châu và phường Quyết Thắng (thuộc thành phố Lai Châu).

Như vậy, sau khi sắp xếp, tỉnh Lai Châu sẽ giảm 02 ĐVHC cấp xã.

Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Thành cho biết, tỉnh sẽ hợp nhất tổ chức Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp theo quy định của luật, điều lệ và các quy định của pháp luật. 

Đại biểu HĐND của các ĐVHC cũ được hợp thành HĐND của ĐVHC mới và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ theo quy định tại Điều 134, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, tỉnh Lai Châu sẽ bố trí đảm bảo có người đảm nhiệm các chức vụ cán bộ theo quy định, số dôi dư sẽ bố trí sang cán bộ, công chức xã khác hoặc điều động về phòng, ban của huyện, thành phố. Đối với cán bộ cấp phó và công chức sẽ bố trí số lượng bằng hoặc cao hơn nếu đủ điều kiện theo quy định nhưng trong thời gian không quá 05 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, số lượng phải đảm bảo đúng quy định.

Trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án, các địa phương thuộc diện sắp xếp tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp lnhận cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.

Đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, tỉnh Lai Châu sẽ thực hiện chính sách tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển công tác, chờ hưu… theo quy định hiện hành. Trong đó, sau khi sáp nhập xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) và xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu), số cán bộ, công chức dôi dư là 20 người (09 cán bộ và 11 công chức); tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 39 người cũng được tỉnh Lai Châu bố trí, sắp xếp đảm bảo theo quy định. Sau khi sáp nhập xã Ma Li Chải và Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ), số cán bộ, công chức dôi dư là 14 người (04 cán bộ và 10 công chức); tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 41 người cũng được bố trí, sắp xếp đảm bảo theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Thành khẳng định, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2021 đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã sẽ làm tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tạo sự bền vững trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy tốt nhất những lợi thế sẵn có của địa phương để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất và phát triến kinh tế - xã hội.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho rằng, UBND tỉnh Lai Châu đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo đúng các nội dung quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn tại Văn bản số 2115/BNV-CQĐP ngày 16/5/2019 của Bộ Nội vụ.

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Lai Châu được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Tất cả các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp được lấy ý kiến cử tri đều tán thành với việc sắp xếp.

Nội dung trong hồ sơ, Đề án đã thể hiện rõ hiện trạng, phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã; phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kế hoạch, lộ trình giải quyết đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã; đánh giá tác động của việc sắp xếp và định hướng, giải pháp để phát triển đối với các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành của tỉnh để triển khai thực hiện sắp xếp.

Ông Phan Trung Tuấn đề nghị UBND tỉnh Lai Châu bổ sung giải trình thêm lý do chỉ sáp nhập xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) với xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) mà không tiến hành sắp xếp thêm các xã liền kề để đảm bảo đủ cả 02 tiêu chí theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cần khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng đánh giá các tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị của xã mới Sùng Phài sau sắp xếp.

Về phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, tỉnh đã thực hiện rà soát và có phương án bố trí, tuy nhiên, cần nêu rõ lộ trình thực hiện từng năm đối với từng xã, cụ thể từng chức danh, điều động đi nơi khác, bổ nhiệm chức danh hoặc thực hiện chế độ thôi việc… 

Quang cảnh Hội nghị
 

Phát biểu tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Lai Châu rà soát lại các số liệu trong Đề án, nhất là đối với số liệu về dân số, cần lấy số liệu mới nhất của cơ quan có thẩm quyền cung cấp; rà soát thống nhất số liệu trong các bảng biểu thống kê. Đề nghị có phương án cụ thể đối với việc quản lý và sử dụng tài sản công sau sắp xếp các ĐVHC cấp xã.
Bên cạnh đó, bổ sung các giải pháp thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ đối với cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp có liên quan. 

Đối với thành phố Lai Châu và phường Quyết Thắng chưa đạt 02 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhưng tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, đề nghị tỉnh Lai Châu giải trình, làm rõ, đảm bảo thuyết phục cao mặc dù trong Đề án đã giải trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính phát biểu tại Hội nghị


Tiếp thu, giải trình những vấn đề Hội đồng thẩm định đưa ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cho biết, ngay khi Trung ương có nghị quyết, tỉnh đã tiến hành rà soát và xây dựng phương án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã kịp thời, có tính đến các yếu tố đặc thù và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Lý giải về việc chưa thực hiện sắp xếp thành phố Lai Châu và phường Quyết Thắng, ông Giàng A Tính cho biết, thành phố Lai Châu với các huyện liền kề ngăn cách bởi các dãy núi cao, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhiều cung đường có độ dốc cao xen lẫn, nhiều khúc cua nguy hiểm và chủ yếu là đường độc đạo, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhất là mùa mưa lũ. Với những nét đặc thù, riêng biệt về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa, dân tộc, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư của thành phố Lai Châu. Nếu thực hiện sáp nhập nguyên trạng thành phố Lai Châu với một huyện liền kề sẽ đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, tuy nhiên không đảm bảo về quy mô dân số theo Nghị quyết số 37-NQ/TW và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14. Mặt khác, các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị không đạt 50% trở lên tiêu chuẩn của loại đô thị được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Do đó, rất khó khăn khi thực hiện việc sáp nhập một huyện liền kề với thành phố Lai Châu.

Đối với phường Quyết Thắng, đặc thù của phường có trên 50% là người dân tộc Giáy, so với các xã, phường giáp ranh có khác biệt về thành phần dân tộc, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán (phường Quyết Tiến chủ yếu là người dân tộc Kinh; các xã Nậm Loỏng, Nùng Nàng chủ yếu là người dân tộc Mông). Khi sáp nhập phường Quyết Thắng với các xã, phường giáp ranh sẽ tác động rất lớn đến công tác quản lý của chính quyền cơ sở, gây xáo trộn nhiều vấn đề sinh hoạt của Nhân dân. Do vậy, tỉnh đề xuất giữ nguyên hiện trạng phường Quyết Thắng.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị


Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Lai Châu tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung, giải trình theo yêu cầu. Xây dựng lộ trình cụ thể và giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn dôi dư, tránh phát sinh các tiêu cực, khiếu kiện. Tỉnh Lai Châu cũng cần xây dựng phương án cụ thể trong việc quản lý và sử dụng tài sản công đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và tránh lãng phí.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn giao Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các số liệu thể hiện trong Đề án cần được rà soát lại và sử dụng số liệu mới nhất do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, đảm bảo số liệu chính xác, tin cậy.

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Lai Châu./.

Thanh Tuấn

 

Tìm kiếm