Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Phần thi kiến thức chung, tin học, ngoại ngữ sẽ được tách riêng để giao cho các trung tâm độc lập tổ chức sát hạch tập trung cho cả nước và cấp chứng chỉ cho ứng viên trước khi các cơ quan tuyển dụng thi tuyển chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại diện Chính phủ, trình bày tờ trình luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức tại kỳ họp 7 vừa qua. ẢNH: GIA HÂN
Kiểm định đầu vào trước khi tuyển dụng? “Kiểm định chất lượng đầu vào” đối với công chức là một trong những chính sách mới vừa được Chính phủ bổ sung vào luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (QH) tới đây. Trong dự thảo luật lần đầu trình ra QH tại kỳ họp 7 vừa qua, điều 39 luật Cán bộ, công chức hiện hành đã được đổi tên từ “Cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức” thành “Tuyển dụng công chức”, đồng thời bổ sung quy định: “Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện trước khi cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, tuyển dụng công chức. Chính phủ quy định chi tiết việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức”. Trình bày tờ trình tại kỳ họp 7, đại diện Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích, quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương đã được xác định tại Nghị quyết 26 Hội nghị T.Ư 7, trong đó xác định: “Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ”. Tuy nhiên, 7 trong số 19 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia thảo luận về dự thảo luật tại nghị trường đã bày tỏ băn khoăn về quy định này, nhất là nội dung “giao Chính phủ quy định chi tiết” trong khi đây là quy định rất mới. ĐBQH Trần Thị Hằng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bắc Ninh, đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Đề nghị phải có quy định về nguyên tắc kiểm định chất lượng đầu vào là kiểm định những gì, kiểm định như thế nào và giá trị kiểm định ra sao? Đầu ra của kiểm định là gì, có phải sau khi kiểm định cấp cho mỗi người một chứng chỉ và sau đó có thể giơ chứng chỉ đi các cơ quan đăng ký thi vào không?”. ĐB Huỳnh Cao Nhất, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cũng đề nghị làm rõ thế nào là “kiểm định chất lượng đầu vào” công chức và quy định chi tiết trong luật một số vấn đề nguyên tắc, hình thức tổ chức, nội dung kiểm định, cơ quan, tổ chức kiểm định; trình tự, thủ tục kiểm định... Cơ quan nào sẽ thực hiện kiểm định? Giải thích về những băn khoăn của các ĐBQH, trao đổi với Thanh Niên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải thích: Việc kiểm định đầu vào được tiến hành trước khi cơ quan tuyển dụng thi tuyển hoặc xét tuyển là “kiểm định” về những kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước; ngoại ngữ và tin học. Sau khi các ứng viên vượt qua được kỳ “kiểm định”, được cấp chứng nhận thì các cơ quan tuyển dụng sẽ tiến hành thi tuyển, xét tuyển về chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm mà các cơ quan này cần tuyển dụng. Về đơn vị được giao làm nhiệm vụ “kiểm định”, ông Tân cho hay, dự kiến sẽ hình thành một số trung tâm theo khu vực nhưng theo hướng giao cho các đơn vị sẵn có. Các chuyên gia vẫn cho rằng còn nhiều điều cần phải làm rõ đối với quy định này. Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật QH, cho biết do Chính phủ không trình dự thảo nghị định kèm theo hồ sơ dự luật nên ngay cả cơ quan thẩm tra cũng chưa biết cụ thể việc kiểm định đầu vào công chức sẽ thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, ông Xuyền cho hay, quan điểm của cơ quan thẩm tra là cần phải quy định rõ về thời điểm kiểm định, nguyên tắc cơ bản trong kiểm định, hình thức kiểm định; giao Chính phủ quy định chi tiết và phân công cơ quan tổ chức thực hiện kiểm định, quy định trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu lực của kết quả kiểm định. Bên cạnh đó, theo ông Xuyền, việc sử dụng khái niệm “kiểm định đầu vào” ở đây cũng chưa chính xác khi thực chất nó là việc sát hạch kiến thức chung và các kỹ năng ngoại ngữ, tin học như những điều kiện cần đối với công chức trước khi sát hạch kiến thức chuyên ngành. Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp QH, thì băn khoăn, nếu như việc kiểm định này được tiến hành một cách thường xuyên, không gắn với các đợt tuyển dụng công chức thì sẽ có hàng ngàn thí sinh mặc dù chưa biết sẽ thi tuyển công chức vào cơ quan nào nhưng vẫn đăng ký kiểm định chất lượng để có chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ. Ngược lại, nếu như kiểm định gắn các đợt tuyển dụng thì có thể kéo dài thời gian thi tuyển, gây tốn kém cho thí sinh vì khi đó, cơ quan có nhu cầu tuyển dụng sẽ phải thông báo việc tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ, sau đó nhờ cơ quan kiểm định kiểm định đầu vào cho số thí sinh đã đăng ký, sau khi có kết quả chấm kiểm định mới tổ chức thi sát hạch chuyên ngành. “Bộ Nội vụ cần phải thực hiện dự kiến cần bao nhiêu biên chế để thực hiện nhiệm vụ mới và nguồn biên chế này được lấy từ đâu, bởi công việc này vẫn đang được giao cho hơn 100 đầu mối, cơ quan thực hiện”, bà Thủy nêu. Nguồn: thanhnien.vn