Tham gia buổi họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.
Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Trương Hải Long báo cáo tại buổi họp
Báo cáo tại buổi họp, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Trương Hải Long cho biết, sau hơn 08 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và hơn 06 năm thực hiện Luật Viên chức, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và chủ trương của Đảng tại các Quy định, Kết luận và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 và 7 khóa XII thì nhiều quy định của hai Luật trên đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi như: Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập; Việc chuyển đổi mô hình quản lý theo vị trí việc làm gặp nhiều khó khăn; Việc chấp hành các quy định về tuyển dụng công chức tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, còn xảy ra nhiều sai phạm; Chính sách thu hút nhân tài vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, chưa có đủ hành lang pháp lý trong việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm; chưa có quy định phân cấp, giao quyền và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá, phân loại. Về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là tương đối ngắn. Liên thông trong công tác cán bộ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu…
Để khắc phục những hạn chế và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thì việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là cần thiết, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Trương Hải Long cho biết thêm, dự thảo Luật sẽ theo hình thức 1 luật sửa 2 luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Dự thảo Luật gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi 13 điều, khoản; bổ sung mới 5 điều; bãi bỏ 3 khoản tại các Điều 7, 32 và 84); Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức (sửa đổi 9 điều, khoản; bổ sung mới 2 điều) và Điều 3 quy định Hiệu lực thi hành.
Phát biểu định hướng thảo luận, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tập trung thảo luận các vấn đề như: về phạm vi điều chỉnh của Luật; về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong vấn đề tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về liên thông cán bộ từ cấp xã trở lên, liên thông giữa các tổ chức chính trị - xã hội, giữa khu vực công với khu vực tư, giữa đơn vị quản lý với đơn vị sự nghiệp; nghiên cứu các chức danh tương đương khi luân chuyển hoặc liên thông ….
Thảo luận tại buổi họp, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện của Bộ Nội vụ. Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là cần thiết, để phù hợp với các văn bản của Đảng; vì đường lối, chủ trương mới của Đảng đã thay đổi và được cụ thể hóa tại các Nghị quyết nhằm đảm bảo đồng bộ trong việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Các đại biểu đề nghị, những vấn đề nổi cộm, mang tính cấp thiết đã bộc lộ hạn chế, bất cập trong thực tiễn cần phải sửa đổi, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo sự đồng thuận và đem lại hiệu quả quản lý trong thực tiễn. Các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền và thảo luận kỹ lưỡng trước khi đưa vào dự thảo Luật sửa đổi.
Các đại biểu cũng đồng tình không áp dụng chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, ở Việt Nam có nhiều loại doanh nghiệp nhà nước với nhiều hình thức sở hữu vốn nhà nước, do đó, người đứng đầu là công chức hay không là công chức cũng cần rà soát lại.
Cùng với đó, xác định rõ loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, phân biệt rõ đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công với đơn vị sự nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước.
Về đội ngũ công chức cấp xã, nếu đã xác định liên thông thì phải chuẩn hóa quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn, ngạch, bậc, tuyển dụng thì mới có thể liên thông, đảm bảo tính thống nhất.
Về thu hút người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, hiện nay mỗi Bộ, ngành, địa phương lại có một chính sách thu hút khác nhau, do đó cần phải xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn có mặt bằng chung để đảm bảo tính liên thông như dự thảo đề xuất; bên cạnh đó cần phải có những tiêu chuẩn đặc thù cho Bộ, ngành, địa phương. Cần xác định rõ sự khác nhau giữa tài năng và tài năng đặc biệt.
Đề nghị sửa đổi khái niệm vị trí việc làm vì đến năm 2021, sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, như vậy mới có thể áp dụng chế độ lương mới.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện một số địa phương và bổ sung kinh nghiệm nước ngoài trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Về Kế hoạch triển khai cần được cụ thể hơn mới đảm bảo tiến độ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2019, do đó, phải hoàn thiện hồ sơ trước ngày 20/4/2019 để trình thẩm định. Trong đó, tài liệu cần bổ sung là báo cáo đánh giá tác động của đối tượng điều chỉnh; chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp; báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính; báo cáo về bình đẳng giới; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương và Chính phủ; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ để xin ý kiến nhân dân.
Vì thời gian trình Quốc hội rất gần và trình tự thủ tục nhiều, do đó các đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, có thể thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ như vừa đăng tải xin ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, vừa xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, vừa tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản … nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm hơn nữa đến công tác thông tin, tuyên truyền nhằm định hướng dư luận trong việc sửa đổi Luật, tránh sự phân tâm của đối tượng bị tác động.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi họp
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và thiết thực của đại biểu tham dự. Thứ trưởng đề nghị, Tổ biên tập hoàn thiện kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, hoàn thành ngay trong ngày 14/01/2019.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết thêm, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung là đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng về công tác cán bộ; Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng nền công vụ phục vụ Nhân dân, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; Đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp, phân quyền trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đề cao vai trò của người đứng đầu các cấp quản lý trên cơ sở đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; Tạo cơ chế liên thông theo chiều dọc và chiều ngang trong cùng ngành, lĩnh vực, đảm bảo công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chất lượng, hiệu quả….
Thứ trưởng đề nghị, bổ sung đối tượng xin ý kiến là các ngành có số lượng công chức, viên chức nhiều, các Viện nghiên cứu, các đơn vị sự nghiệp công lập, một số chuyên gia nước ngoài … để tổng hợp được nhiều ý kiến góp ý hơn. Thay đổi cách thức họp bằng góp ý trực tiếp qua thư điện tử.
Thứ trưởng mong muốn, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập phát huy tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng để hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
Quang cảnh buổi họp
Thanh Tuấn