Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, ngành Trung ương có liên quan; đại diện thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng tỉ lệ đô thị hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình chia, tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua có một số bất cập như: bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, tăng chi ngân sách; gây khó khăn trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội; làm xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục…
Tính đến nay, cả nước có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số; có 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH.
Mục tiêu của Đề án từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định. Từ năm 2022 đến năm 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Cùng với đó, Đề án cũng nêu rõ quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc, lộ trình sắp xếp; các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; phân công thực hiện…
Thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến đại diện của Bộ, ngành Trung ương và địa phương đều thống nhất đề nghị 03 vấn đề khi thực hiện sắp xếp: 1) Thực hiện sắp xếp phải tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước; 2) Xây dựng chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư để thực hiện một cách thống nhất trên toàn quốc, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu; 3) Có chính sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở và thực hiện các chế độ, chính sách khác sau sắp xếp.
Ông Lê Đình Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, trong Đề án cần có sự đánh giá khách quan về những bất cập khi thực hiện sắp xếp; chỉ ra những giải pháp cụ thể để thực hiện đồng bộ, thống nhất. Các địa phương cần phải xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng, điều chỉnh lại các khu dân cư đảm bảo đồng bộ với kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội và Đề án này phải được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với mục tiêu là đến 2021 phải thực hiện xong, tuy nhiên, nên tập trung vào các đơn vị hành chính chưa đạt cả 2 tiêu chí và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nếu những xã có 1 trong 2 tiêu chí chưa đạt cũng có thể tiến hành sắp xếp ngay.
Bên cạnh đó, thời gian để sắp xếp đến năm 2021 là tương đối ngắn và trình tự, thủ tục sắp xếp cũng nhiều bước nên cấp có thẩm quyền cần có sự rút gọn, đơn giản hóa các thủ tục thực hiện.
Ông Trần Văn Tư, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai cũng thống nhất với dự thảo Đề án nhưng về yếu tố đặc thù của địa phương, ông đề nghị, những vấn đề có thể định lượng được thì đưa vào Đề án đề bàn thảo, những vấn đề mang tính định tính thì cần cân nhắc.
Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị phạm vi của Đề án cần xác định thêm vì hiện nay, Đề án chỉ xác định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, chưa tính đến cấp thôn, tổ dân phố để tránh gây lãng phí nguồn lực khi thực hiện.
Bên cạnh đó, cần có đánh giá tổng kết Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, nếu có bất cập thì tính toán sửa đổi. Về thủ tục sáp nhập, chia tách, nếu các xã, huyện bị sáp nhập thì các đơn vị đó đều phải xây dựng đề án và xin ý kiến phê duyệt rất tốn kém thời gian, công sức và kinh phí, do đó cần có đề án tổng thể với các quy trình rút gọn để có thể áp dụng rộng rãi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mục tiêu của Đề án nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, do đó xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với việc phải việc lấy ý kiến Nhân dân và tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Nếu Nhân dân đồng thuận thì tiến hành thực hiện ngay, nếu chưa đồng thuận thì cần cân nhắc và có những bước đi hợp lý, không nên áp đặt ý chí quyền lực để tiến hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện Đề án và gửi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các ý kiến đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng về Đề án của Bộ Nội vụ. Đề án đã xác định được đầy đủ mục tiêu, yêu cầu, chỉ ra được kết quả đạt được, những bất cập và đưa ra nguyên tắc, lộ trình, giải pháp thực hiện.
Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, đây là Đề án quan trọng nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tại Hội nghị, có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm, đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Để bổ sung, làm rõ thêm các nội dung của Đề án và thực hiện một cách thuận lợi, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị:
Thứ nhất, về mục tiêu và số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tiến hành sắp xếp đến năm 2021, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện, 637 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn, cần phải xem xét, sắp xếp đến 2021; nếu các địa phương chủ động sắp xếp nhiều hơn nữa thì cần chủ động và được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, cần xem xét các yếu tố đặc thù khác của địa phương để sắp xếp, đảm bảo tính kế thừa và không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…, đặc biệt, phải chú ý đến các yếu tố tiềm ẩn có sự ảnh hưởng đến việc sắp xếp.
Thứ hai, việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Như vậy, khi tiến hành sắp xếp phải lấy ý kiến nhân dân và phải có trên 50% nhất trí mới trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, thể hiện sự dân chủ của Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân để tạo sự đồng thuận trong việc sắp xếp được thuận lợi.
Thứ ba, Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định các tiêu chí cho việc sắp xếp, vì vậy, nếu sửa đổi Nghị quyết này để áp dụng thì sẽ khó khăn. Do vậy, Phó Thủ tướng thống nhất với đề xuất của các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để thực hiện thuận lợi, trong đó quy định trình tự, thủ tục đơn giản, dễ hiểu trong việc trình cấp có thẩm quyền, có quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp. Chính phủ và các Bộ, ngành cần xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện, triển khai đồng bộ, đầy đủ trình tự, thủ tục, có đánh giá tác động, có bước đi vững chắc.
Quang cảnh Hội nghị
Thứ tư, để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo đảm bảo đồng bộ, thuận lợi việc sắp xếp các đơn vị hành chính, Phó Thủ tướng đề nghị:
- Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn cấp ủy đảng xây dựng tổ chức bộ máy các cấp, hướng dẫn nhân sự, hướng dẫn chuẩn bị nội dung Đại hội Đảng đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp.
- Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội nghị, cuộc họp nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính và sự đồng thuận của Nhân dân.
- Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trong tháng 8/2018. Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.
- Các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường … và các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Nội vụ đánh giá tác động đối với việc sắp xếp, đảm bảo thực hiện toàn diện, sâu sắc, đạt kết quả tốt.
- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ tạo nguồn lực để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các địa phương.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính từ nay đến 2021 và gửi Bộ Nội vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đạt kết quả cao theo quy định./.
Thanh Tuấn