BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức và định hướng sửa đổi, bổ sung

08/08/2019 15:52

Sáng ngày 07/12, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức và định hướng sửa đổi, bổ sung. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện của Ban Tổ chức Trung ương, đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội nghị


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Hội nghị là sự khởi đầu trong chuỗi các hoạt động góp ý sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 132/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, qua 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và 08 năm thực hiện Luật Viên chức cho thấy, 02 luật đã góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thực tiễn và quy định mới trong các văn bản của Đảng về công tác cán bộ thì một số quy định của 02 luật và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, các định hướng sửa đổi, bổ sung pháp luật về cán bộ, công chức bao gồm: Thứ nhất, cần tiếp tục chủ trương tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; không tiếp tục quy định đội ngũ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước), không áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Thứ hai, phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng người lao động, đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng vị trí việc làm, công tác tuyển dụng công chức, nâng ngạch công chức, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức. Thứ ba, đảm bảo liên thông trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Thứ tư, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về công tác kỷ luật cán bộ, công chức. 

Các định hướng trọng tâm sửa đổi, bổ sung pháp luật về viên chức bao gồm: Thứ nhất, hoàn thiện thể chế quy định về cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản trị và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai, chủ trương ký hợp đồng xác định thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII.


Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Nguyễn Tư Long báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và định hướng sửa đổi, bổ sung 02 luật.

Theo đó, xem xét sửa đổi Luật Cán bộ, công chức theo hướng cụ thể, chi tiết hơn, giảm bớt số văn bản quy định chi tiết; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo liên thông trong công tác cán bộ; đổi mới đánh giá công chức trên cơ sở kết quả công việc. Đổi mới phương pháp thi nâng ngạch công chức; phân cấp, phân quyền thi nâng ngạch công chức. Sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thống nhất với quy định của Đảng. Nghiên cứu, xác định lại chức danh cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với chính quyền đô thị, nông thôn và giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể cho phù hợp với từng địa phương…

Đối với Luật Viên chức, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách trong tuyển dụng, quản lý, đánh giá, bổ nhiệm viên chức. Nghiên cứu đổi mới việc tổ chức thi cạnh tranh, phương thức thi, ra đề thi, đáp án chấm thi và việc tổ chức chấm thi. Quy định rõ trường hợp các đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên được quyền tự quyết số lượng người làm việc và được quyền tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức. Quy định thống nhất về thẩm quyền xác định vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp của viên chức. Bổ sung quy định về thuyên chuyển, điều động viên chức…


Nguyên Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, nguyên Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) Trần Anh Tuấn đề nghị, về công tác tuyên truyền, phổ biến luật, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cần được thực hiện bài bản và ráo riết hơn. Về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thi hành luật cần được chỉ đạo kiên quyết, công khai, dân chủ, lắng nghe và tổng kết thực tiễn, kị thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Bên cạnh đó, cần quy định đồng bộ, thống nhất về cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, địa phương để thuận lợi cho quản lý danh mục vị trí việc làm của công chức; nghiên cứu đổi mới phương pháp xây dựng vị trí việc làm; quản lý, tuyển dụng, sắp xếp, bố trí công chức theo vị trí việc làm. Cùng với đó, cần làm rõ hơn ai là cán bộ, ai là công chức và việc chuyển đổi giữa nhóm đối tượng này. Cần có quy định chi tiết cho nhóm công chức trong quân đội, công an. Nên quy định những người lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức; nên thực hiện cơ chế biệt phái đối với cán bộ, công chức làm việc tại các Hội…

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cần đặt nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong bối cảnh quyết tâm mạnh mẽ cải cách thể chế của Đảng và Nhà nước, nhất là trong mối liên hệ chặt chẽ với việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, phải lấy việc cải cách bộ máy nhà nước, nền quản trị quốc gia, việc xác định vị trí việc làm, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay và trong thời gian tới không thể không đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quá trình nghiên cứu, sửa đổi các luật này cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các xu hướng mới, thực tiễn lập pháp tốt về cán bộ, công chức, viên chức của các nước trên thế giới…


Quang cảnh Hội nghị

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Mai Anh nêu một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đánh giá và thi hành kỷ luật tại địa phương. Cụ thể, mức độ phân loại, đánh giá công chức, viên chức hàng năm chưa thống nhất với quy định của Đảng về phân loại, đánh giá đảng viên. Chưa có sự liên thông trong sử dụng kết quả đánh giá giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá ở nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lắp, tốn kém thời gian, vật chất.

Bên cạnh đó, các văn bản hiện hành chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao của cán bộ, công chức, viên chức đến những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phản ánh không đúng thực trạng, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức viên chức.

Về kỷ luật cán bộ, công chức, chưa có quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, đặc biệt là đối tượng cán bộ cấp xã. Chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước…


Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao các góp ý của đại biểu với nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều kiến nghị mang tính hiến kế cần được nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện thể chế về cán bộ, công chức, viên chức. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị Vụ Công chức – Viên chức tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức và định hướng sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Thanh Tuấn - Thu Trang

Tìm kiếm