Tinh giản biên chế mới đạt chỉ tiêu về số lượng
Chủ trương tinh giản biên chế đã được Bộ Chính trị xác định từ rất sớm. Qua 6 năm thực hiện (từ 2016 - 2021), Bộ Chính trị đánh giá đã đạt mục tiêu về tỷ lệ tinh giản khi biên chế công chức giảm 10,01% và biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách giảm 11,67% so với năm 2015.
Trao đổi trên TTXVN, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của các nghị quyết Trung ương là tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ. Đây là một mục tiêu dài hạn.
Trong Tờ trình dự thảo nghị định mới về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ có đề cập đến chi tiết "có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người "tinh" (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc".
Vậy phải chăng chúng ta chưa thực sự giảm được những người "chưa tinh"? Nói rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Theo báo cáo của 20 bộ, ngành và 49 địa phương, tổng số người thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2014 đến ngày 30/6/2022 là 64.869 người.
Trong đó, số tinh giản do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ là 34.194 người (chiếm 52,71%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là 10.174 người (chiếm 15,68%).
Tinh giản do cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm là 5.240 người (chiếm 8,08%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính là 10.020 người (chiếm 5,45%); do chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao là 2.811 người (chiếm 4,33%) và do sức khỏe không đảm bảo là 2.430 người (chiếm 3,75%).
Từ số liệu phân tích trên, có thể thấy, số người tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao nhất (52,71% so với số người tinh giản biên chế từ năm 2014 đến nay).
Qua đó có thể khẳng định rằng, kết quả bước đầu đạt được của chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ là đã đưa ra khỏi đội ngũ những người không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và tạo môi trường làm việc lành mạnh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Tuy nhiên, đúng như một số ý kiến, quả thật so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 mới đạt về chỉ tiêu số lượng mà chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đây cũng chính là nội dung báo cáo đánh giá của Bộ Nội vụ về thực trạng chính sách tinh giản biên chế, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị, đề xuất với Chính phủ các giải pháp chính sách khi xây dựng Nghị định về chính sách tinh giản biên chế (thay thế Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP) trong thời gian tới.
Tinh giản biên chế là "không thể đảo ngược"
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một mục tiêu dài hạn, để đạt được cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ và gắn với từng giai đoạn, bối cảnh cụ thể.
Có thể thấy rằng, tinh thần "không thể đảo ngược" của chủ trương tinh giản biên chế đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thống nhất cao cả về nhận thức và hành động.
Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (Kết luận số 63-KL/TW về một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 18- NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Kết luận số 28-KL/TW về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị; Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026,...); trong đó đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu tổng quát và cụ thể cho từng giai đoạn (giai đoạn 2015 - 2021, sau đó là 2022 - 2026…).
Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã quán triệt, tập trung thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật, trong đó có các chính sách về tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực và tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, xây dựng lộ trình, kế hoạch, đề ra biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện, trong thời gian tới chúng ta sẽ đạt được mục tiêu mà các nghị quyết, kết luận của Đảng đã đề ra.
Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu
Nói về tình trạng có trường hợp cán bộ, công chức, viên chức muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả không cao để "được" đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ nhằm thực hiện tinh giản biên chế (nêu trong tờ trình), Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thẳng thắn mà nói vẫn là "khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến" như đã được Trung ương đánh giá trong Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Tình trạng này xuất phát từ việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất nên việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức.
Điều này đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm đánh giá, xếp loại và phải giải quyết đúng người, đúng việc, như vậy mới lựa chọn được chính xác đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế để đưa ra ngoài bộ máy.
Khi đánh giá, phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm đầu ra. Nếu chúng ta đánh giá theo cảm tính hoặc những chỉ tiêu mang tính chất định tính thì việc tinh giản biên chế sẽ khó khăn hơn.
Làm gì để giữ chân công chức, viên chức ở lại khu vực công?
Về giải pháp gì để giữ chân công chức, viên chức ở lại khu vực công hoặc giải quyết thỏa đáng cho quá trình cống hiến của họ ở cơ quan nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ: Bộ Nội vụ cũng rất trăn trở với vấn đề này.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Nội vụ, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc (trong đó có sự dịch chuyển công chức, viên chức trong khu vực công sang làm việc tại khu vực tư).
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đề xuất các giải pháp (trước mắt và lâu dài), các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Bộ trưởng, đứng ở góc độ cơ quan quản lý cũng như cơ quan sử dụng, chúng ta phải rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện hữu, trực tiếp là phải có chế độ chính sách về tiền lương, cải thiện được thu nhập.
Vừa rồi Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Đấy là một phần để chúng ta góp phần cải cách tiền lương, cũng như tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho đội ngũ.
Phần nữa, chúng ta phải đẩy mạnh mức độ tự chủ về tài chính để tạo cho đơn vị sự nghiệp tăng thêm nguồn thu, từ đó có phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, ngoài vấn đề thu nhập, cơ quan quản lý, sử dụng phải tạo cho cán bộ, công chức, viên chức có một môi trường làm việc rất tốt, có cơ hội cống hiến, và khi họ cống hiến rồi, chúng ta phải có trách nhiệm ghi nhận, động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời.
Ngoài ra, cũng phải có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ sớm, từ xa để tạo nguồn lãnh đạo cho đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý trong tương lai.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng: Thời gian tới, khi Chính phủ thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW; ban hành các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công; hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức,... chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.