Sáng 5/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ.
Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa đạt được mục tiêu
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua chưa đạt mục tiêu đề ra, khi tỷ lệ đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư mới chỉ đạt 6,6%. Đồng thời, đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để thực hiện hiệu quả vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thể hiện xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ, và được thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết của Đảng, mới đây nhất là trong tinh thần Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong thời gian qua, việc thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được những kết quả đáng kể về thay đổi tư duy, nhận thức cũng như về hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để thúc đẩy tự chủ, đặc biệt tự chủ các đơn vị sự nghiệp kinh tế, y tế, giáo dục đại học.
Theo đó, có nhiều lĩnh vực ghi nhận kết quả đáng khích lệ. Số liệu sơ kết 5 năm thực hiện tự chủ giáo dục đại học của Chính phủ cho thấy, có 108/232 đơn vị đại học đã bảo đảm tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư, chiếm trên 46%. Số đơn vị tự chủ một phần cũng đạt tỷ lệ lớn, chỉ còn 8/232 đơn vị đại học vẫn đang phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Qua thực hiện tự chủ, các đơn vị đại học đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, tập trung cho một lực lượng chủ yếu đó là đội ngũ giảng viên, lực lượng hỗ trợ giảm thiểu lớn; cơ cấu lại phòng ban có nơi đã giảm tới 20% đầu mối bên trong của một đơn vị sự nghiệp đại học. Ngoài ra, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục đại học đã giảm…
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận một số mục tiêu trong thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa đạt được. Tự chủ về tài chính, chi đầu tư và chi thường xuyên cả nước chỉ đạt khoảng 6,6%; tự chủ toàn phần đạt 18,7% (trong tổng số 47 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập)…
Nguyên nhân là do hệ thống thể chế, pháp luật về tự chủ chưa được hoàn thiện một cách đồng bộ, đầy đủ, liên thông, nhất quán; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng trong tháo gỡ khó khăn cho tự chủ chưa thực sự quyết liệt…
Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về tự chủ
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị đánh giá một cách căn cơ, toàn diện sau 5 năm thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo cụ thể cho các bộ, ngành chức năng để tháo gỡ toàn bộ điểm nghẽn, rào cản, khơi thông cho việc thực hiện tự chủ.
Đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một cách đồng bộ, liên thông, nhất quán toàn bộ hệ thống thể chế, chính sách liên quan.
Cùng với nỗ lực từ phía Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ. Trong đó, các tỉnh thuộc địa bàn miền núi hay Tây Nguyên tùy điều kiện có thể thực hiện tự chủ một phần đối với một số lĩnh vực như giáo dục mầm non…
“Nếu thực sự quyết tâm, nỗ lực và có đầy đủ cơ chế thì có thể thực hiện tự chủ thành công” – Bộ trưởng khẳng định.
Tham gia giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP trong đó xác định tự chủ một phần hoặc là tự chủ toàn diện.
Việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp là nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao và hoàn thiện các danh mục tự chủ để từ đó xác định được các nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ và chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Theo Bộ trưởng, về nguyên tắc, đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm về mặt kinh phí. Đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Đối với dịch vụ đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia.
Cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cũng cần tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách về đất đai hay về đấu thầu.
Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ, hiện nay việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn, cho nên là các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Tức là các đơn vị sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới..thì ngân sách nhà nước phải bảo đảm.
Bộ trưởng cho rằng điều này là hợp lý, điều quan trọng vẫn là bảo đảm phục vụ người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới tự chủ toàn bộ khi có nguồn thu ổn định và phát triển.