Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Chiều ngày 04/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, các đại biểu Quốc hội tập trung vào nhóm vấn đề về đánh giá, xếp loại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý". Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã và sẽ triển khai giúp cho công tác đánh giá cán bộ được chính xác và phản ảnh thực chất trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thực chất công tác này trong những năm gần đây đã có kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên việc đánh giá còn chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm đầu ra, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thời gian tới, để công tác đánh giá cán bộ công chức, viên chức được tốt hơn thì cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm đồng bộ, liên thông, xuyên suốt; tập trung hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực để có cơ sở đánh giá; bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương cần căn cứ vào quy định chung để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức đơn vị mình.
Đối với chất vấn đề tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương của đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu), Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ công chức viên chức. Công tác này có tác động lớn, giúp tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để tạo nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Giai đoạn 2019 - 2021 đã tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng, nguồn lực này được đưa vào cải cách tiền lương.
"Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, cải thiện đời sống cho người lao động ở khu vực công", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình cơ cấu đội ngũ cán bộ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. Trước đó, nhiều năm chúng ta không đạt được con số 10%. Hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng nhưng nhìn chung, việc tinh giản biên chế bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) bày tỏ lo ngại về năng lực của một số tổ chức, cá nhân trong công tác tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, thiếu tầm nhìn và kinh nghiệm thực tiễn, công tác pháp chế còn thiếu người... đồng thời đề nghị tư lệnh ngành nội vụ có giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ công chức trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, việc đào tạo lao động trong lĩnh vực pháp luật rất được quan tâm, tuy nhiên lực lượng này vào khu vực công không nhiều. Những năm gần đây, thị trường lao động đa dạng, phong phú nên thu hút nhân lực lĩnh vực này vào cơ quan nhà nước khó khăn hơn. Từ thực trạng đó, tới đây Bộ Nội vụ sẽ cùng Bộ Tư pháp xây dựng đề án căn cơ, cụ thể để công tác thu hút, đào tạo cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng có chất lượng hơn.