BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân báo cáo Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

08/08/2019 15:50

Chiều ngày 24/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo Luật gồm 3 điều, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: (01) Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong Nghị quyết; (02) sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng và (03) sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày dự án Luật tại phiên họp


Các nội dung sửa đổi để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng

Về chủ trương không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập: Sửa đổi khoản 2 Điều 4 quy định đối tượng là công chức, bãi bỏ quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 32 Luật Cán bộ, công chức (Luật CBCC) để thể chế hóa chủ trương không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị SNCL) (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước) tại Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Bỏ nội dung giao Chính phủ quy định việc áp dụng Luật CBCC đối với người lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước để thể chế hóa chủ trương tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức tại Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Về chủ trương tạo sự đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế: Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 29 và Điều 58 Luật CBCC về phân loại đánh giá cán bộ, công chức để thống nhất mức đánh giá theo quy định của Đảng. Sửa đổi Điều 37 Luật CBCC về phương thức tuyển dụng công chức để tạo sự liên thông trong công tác cán bộ. Sửa đổi Điều 56 Luật CBCC và Điều 41 Luật Viên chức, theo đó xác định rõ tiêu chí đánh giá thông qua công việc, sản phẩm cụ thể, gắn với vị trí việc làm để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá.

Sửa đổi quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 61 Luật CBCC về chức danh Trưởng công an xã, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân, tránh tạo khoảng trống pháp lý và để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp đối với đối tượng này. 

Sửa đổi, bổ sung Điều 80 Luật CBCC, Điều 53 Luật Viên chức quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật thống nhất với quy định của Đảng. Bổ sung quy định về hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức  tại khoản 5 Điều 84 áp dụng Luật CBCC đối với một số đối tượng khác trong Luật CBCC để xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Về chủ trương phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương: Sửa đổi Điều 46 Luật CBCC về tổ chức thi nâng ngạch, theo đó không quy định Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức mà giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức phù hợp với phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Về chủ trương thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức: Sửa đổi Điều 25 Luật Viên chức về các loại hợp đồng làm việc để thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới kể từ ngày Luật có hiệu lực, đồng thời quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp đã tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm áp dụng đồng bộ, khả thi.

Các nội dung sửa đổi để định hướng phát triển lâu dài theo chủ trương của Đảng

Về thu hút nhân tài: Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Luật CBCC quy định chính sách đối với người có tài năng, theo đó giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài. Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Về thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào: Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật CBCC về việc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức trước khi cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, tuyển dụng công chức và giao Chính phủ quy định chi tiết. 

Về đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập: Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Viên chức, giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí phân loại đơn vị SNCL đối với từng lĩnh vực sự nghiệp; việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, trừ đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Về cải cách tiền lương: Sửa đổi quy định tại Điều 34 và Điều 42 Luật CBCC về phân loại công chức và ngạch công chức, theo đó bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về ngạch công chức khác để bảo đảm phù hợp định hướng sửa đổi tiền lương trong thời gian tới.

Các nội dung sửa đổi để giải quyết vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện

Về nâng ngạch công chức: Bổ sung quy định về xét nâng ngạch công chức tại Điều 44 Luật CBCC, đồng thời bổ sung quy định công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch công chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và bố trí vào vị trí việc làm tương ứng.

Về bổ nhiệm lại, giải quyết nghỉ hưu đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật: Sửa đổi khoản 2 Điều 82 Luật CBCC và khoản 2, khoản 3 Điều 56 Luật Viên chức để giải quyết vướng mắc trong quá trình xem xét, bổ nhiệm lại đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật nhưng chưa đến mức bị cách chức; giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật.

Về đơn phương chấm dứt hợp đồng và chế độ đối với viên chức thôi việc trong một số trường hợp: Bổ sung quy định đơn vị SNCL được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức trong trường hợp viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự tại Điều 29 Luật Viên chức.

Sửa đổi quy định về chế độ hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết bất hợp lý trong trường hợp viên chức chấm dứt hợp đồng để chuyển từ đơn vị SNCL này sang đơn vị SNCL khác hoặc viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng tại Điều 45 Luật Viên chức. 

Nội dung xin ý kiến Quốc hội

1. Về đối tượng là công chức, dự thảo Luật không tiếp tục quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị SNCL là công chức.

2. Về không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội theo phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.

3. Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thể hiện theo phương án: Thể chế hóa chủ trương của Đảng theo hướng đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra” tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

4. Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu: Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, trên cơ sở Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Thanh Tuấn (tổng hợp); ảnh: Nguồn Quochoi.vn

Tìm kiếm