Tổ chức bộ máy khoa học hơn
Phóng viên: Chủ trương tinh gọn bộ máy đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng có lẽ chưa bao giờ diễn ra với tiến độ và khí thế quyết liệt như hiện nay, thưa ông?
TS. Nguyễn Viết Chức: Việc tinh gọn bộ máy đã được đặt ra từ lâu chứ không phải bây giờ. Những lần trước, chúng ta chủ yếu tập trung vào bộ máy nhà nước, cụ thể là bộ máy hành chính. Lần này, từ chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta triển khai một cách toàn diện, tức là cả hệ thống chính trị, bao gồm 3 bộ phận là Đảng, Nhà nước và Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ “tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, có thể đảm nhiệm được những nhiệm vụ của một thời kì mới, một kỉ nguyên mới. Tức là, lần này sẽ đụng đến vấn đề khoa học trong tổ chức bộ máy, để tránh tình trạng chức năng của bộ này chồng chéo với bộ kia, khiến nhiều người cùng làm một nhiệm vụ. Khi nhiều người làm cùng một nhiệm vụ rất dễ phát sinh tình trạng mỗi người nghĩ ra một cách khác nhau, dẫn đến điều hành chồng chéo, bộ máy hoạt động không trơn tru. Tính chất đặc biệt của tinh gọn bộ máy lần này là ở đây, chúng ta không cắt giảm một cách cơ học mà sẽ tổ chức bộ máy khoa học hơn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang đặt ra rất cấp thiết. Trước hết, do bộ máy cồng kềnh nên ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, cũng như để chăm lo cho quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chúng ta không thể cải cách tiền lương được, chỉ cải cách bằng tăng mức lương cơ sở - là một cách cải cách “lười biếng nhất” của những người làm tài chính.
Cùng với đó, yêu cầu của sự phát triển mới khiến chúng ta không làm không được, không làm thì đừng nói đến thực hiện các ước mơ hay khát vọng đưa nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Nhìn lại chặng đường vừa qua đất nước đạt được nhiều thành tựu rất lớn, nhưng không thể chỉ nhìn vào những thành tích cũ. Nếu vẫn “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” sẽ khiến nước ta tụt hậu, vì thế giới đang cải tiến rất ghê, các quốc gia xung quanh đang phát triển rất nhanh và rất mạnh. Chúng ta so với chúng ta thì đã hơn rất nhiều, nhưng so với yêu cầu của sự phát triển thì còn rất thấp nên dứt khoát phải thực hiện tinh gọn bộ máy quyết liệt, làm như một cuộc cách mạng.
Phóng viên: Theo ông, để thực hiện thành công cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy lần này cần quan tâm đến những vấn đề gì?
TS. Nguyễn Viết Chức: Tôi cho rằng, để thực hiện thành công cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị lần này thì không chỉ dừng lại ở việc thu gọn đầu mối mà cần đưa các cơ quan, tổ chức về đúng vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của mình. Tất nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp phải phù hợp với yêu cầu của quản trị quốc gia trong tình hình mới, thích ứng với điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chúng ta phải kiên trì, kiên định, quyết liệt trong thực hiện tinh gọn bộ máy. Thực tế, những bài học kinh nghiệm từ bỏ tem phiếu, thực hiện khoán 10, khởi xướng công cuộc đổi mới trong giai đoạn trước đây đều đã đem lại sự thay đổi rất lớn cho đất nước, cũng như đời sống của nhân dân.
Một yêu cầu khác cần chú ý là tinh gọn bộ máy phải thực hiện đồng bộ với cải cách hành chính. Yêu cầu này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra khi nhấn mạnh việc cải cách bộ máy nhà nước và cải cách nền hành chính là trọng tâm, đồng thời với cải cách, đổi mới hệ thống chính trị.
Cùng với tinh gọn bộ máy, tôi cho rằng, cũng phải xác định cụ thể chức việc và lương cho những chức việc đó, tức là định danh rõ chức việc trong từng đơn vị, cơ quan, bộ ngành. Đặc biệt, sớm nghiên cứu để tiến hành thực hiện “khoán việc” cho từng chức danh, vị trí việc làm. Công tác này sẽ rất phức tạp, có vô cùng nhiều việc phải thực hiện, cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tập trung những cán bộ có tâm, có tầm để thực hiện.
Cần chính sách đột phá cho cán bộ sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Phóng viên: Trong tinh gọn tổ chức bộ máy thì tinh giản biên chế là vấn đề có những khó, phức tạp riêng bởi đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của con người. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã lưu ý có thể sẽ có những lực cản trong tiến trình tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo ông, cần làm gì để vượt lên những vấn đề này, nếu có?
TS. Nguyễn Viết Chức: Tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ hệ trọng trong bối cảnh hiện nay, và tất nhiên sẽ có những khó khăn, thách thức vì chúng ta sẽ phải chiến thắng chính mình. Với những cán bộ trực tiếp bị tác động bởi cuộc cách mạng này thì lợi ích kinh tế bị mất đi chỉ là một phần, nhất là những cán bộ chân chính đã phấn đấu đến các chức danh, chức vụ trong bộ máy nhà nước thì đây còn là câu chuyện danh dự, niềm tự hào của bản thân, gia đình, dòng họ, quê hương, rồi quan niệm xã hội nữa.
Do đó, tôi cho rằng, phải có chính sách đột phá để bảo đảm quyền lợi vật chất và tinh thần cho những cán bộ tự nguyện thôi giữ chức vụ hiện nay hoặc thậm chí sẵn sàng rời khỏi bộ máy của hệ thống chính trị. Các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ lưỡng vấn đề này, không chỉ dừng ở áp dụng chính sách cho nghỉ hưu trước tuổi mà có thể, cần nghiên cứu có thể giữ nguyên lương và các quyền lợi theo tiêu chuẩn, chế độ hiện hành thêm vài năm nữa cho đến khi các cán bộ này đủ tuổi nghỉ hưu.
Phóng viên: Bên cạnh những chính sách về mặt vật chất, theo ông, cần có những chính sách nào để động viên, giảm áp lực về mặt tinh thần cho những cá nhân rời khỏi bộ máy?
TS. Nguyễn Viết Chức: Đúng vậy, những người chấp nhận rời khỏi bộ máy, nhất là cán bộ rời khỏi vị trí, chức danh đang đảm nhiệm cần được ghi nhận. Nếu một cá nhân tự nhận thức được bản thân mình kém hơn người khác thì đó cũng là điểm hơn người của họ. Do đó, chúng ta phải ghi nhận và bảo đảm quyền lợi vật chất, tinh thần theo chủ trương tinh gọn bộ máy, tránh để lại tâm tư cho những cá nhân này.
Cùng với đó, chúng ta cũng cần quan tâm có chính sách phù hợp với công chức, viên chức, người lao động rời khỏi cơ quan, đơn vị. Bởi, trước đây, nói câu chuyện tinh giản biên chế là nhằm vào những người không đủ năng lực, nhưng lần này khi sáp nhập các cơ quan, thì không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là người không đủ năng lực. Vì nhập lại, sắp xếp lại, tổ chức lại nên có câu chuyện dôi dư cán bộ. Do vậy, có thể mức đãi ngộ, chính sách chưa được cao, nhưng có chính sách thì sẽ tạo được sự yên tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho những người đó.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
"Có thể thấy được tinh thần "nói đi đôi với làm" được thể hiện rất rõ qua các thông điệp, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây. Hiện các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã bắt đầu triển khai các phương án sắp xếp, sáp nhập. Tôi hình dung kết quả của đợt cải cách này là rất lớn, có thể thực hiện được mục tiêu “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Đặc biệt, qua các bài viết, bài trao đổi chuyên đề của Tổng Bí thư cho thấy, chúng ta thực hiện tinh gọn bộ máy gắn với tổ chức lại bộ máy khoa học hơn, lấy cải cách bộ máy nhà nước và cải cách nền hành chính là trọng tâm, đồng thời với cải cách, đổi mới hệ thống chính trị. Như vậy, nếu hoàn thành công cuộc này thì nước ta sẽ phát triển đến một trình độ ngang tầm với các quốc gia phát triển", Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Viết Chức nói.