Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các quốc gia đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá (PCTH thuốc lá), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Tại Việt Nam, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5 hàng năm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Nicotine chứa trong thuốc lá có khả năng gây nghiện cao và việc sử dụng thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, hơn 20 loại hoặc phân nhóm ung thư khác nhau và nhiều tình trạng sức khỏe suy nhược khác. Hàng năm, hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, thường là mục tiêu của sự can thiệp và tiếp thị chuyên sâu của ngành công nghiệp thuốc lá. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID- 19, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.
Tất cả các tổ chức, các chuyên gia đều khẳng định không có ngưỡng an toàn của hút thuốc lá, hút thuốc lá dù một, hai điếu một ngày vẫn gây hại đến sức khỏe như thường. Nguy cơ ung thư chẳng hạn liên quan nhiều đến thời gian hút thuốc lá hơn là số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày. Khi thời gian hút thuốc lá tăng gấp đôi thì nguy cơ ung thư do hút thuốc lá không phải tăng gấp đôi mà tăng gấp từ 16 – 32 lần.
Thuốc lá cũng có thể gây chết người đối với những người không hút thuốc. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng dẫn đến những hậu quả xấu về sức khỏe, gây ra 1,2 triệu ca tử vong hàng năm. Gần một nửa số trẻ em hít thở không khí bị ô nhiễm bởi khói thuốc và 65.000 trẻ em tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến khói thuốc. Hút thuốc khi mang thai có thể dẫn đến một số tình trạng sức khỏe kéo dài suốt đời cho trẻ sơ sinh.
Các sản phẩm thuốc lá đun nóng (HTPs) có chứa thuốc lá và khiến người dùng tiếp xúc với khí thải độc hại, nhiều chất gây ung thư và có hại cho sức khỏe. Hệ thống phân phối nicotine điện tử (ENDS) và hệ thống phân phối không nicotine điện tử (ENNDS), thường được gọi là thuốc lá điện tử, không chứa thuốc lá và có thể có hoặc không chứa nicotine, nhưng có hại cho sức khỏe và chắc chắn không an toàn. Tuy nhiên, còn quá sớm để đưa ra câu trả lời rõ ràng về tác động lâu dài của việc sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá đun nóng.
Một số các chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá được tổ chức triển khai tại Việt Nam từ năm 2014 đến nay: • Chủ đề ngày Thế giới Không thuốc lá 31/5/2014: “Tăng thuế thuốc lá” • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2015 là: "Chấm dứt buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá". • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2016 là: Hãy sẵn sàng thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn”. • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2017 là: “Thuốc lá – mỗi đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia” • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2018 là: "Thuốc lá và bệnh tim mạch" • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019 là: “Thuốc lá và các bệnh về phổi” • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020 là: “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá” • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2021 là: “Cam kết bỏ thuốc lá” • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2022 là: “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường". • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2023 là: “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”. • Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là: "Bảo vệ trẻ em khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá".