BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Điện Biên Phủ: Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ

06/05/2024 10:15

Chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của ý chí vượt qua mọi gian nan, thử thách với niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi”, mà còn là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Ý chí và kiên gan

Ngày 23/9/1945, được sự hậu thuẫn của thực dân Anh, quân đội viễn chinh Pháp đã nổ súng xâm lược lại Đông Dương, Việt Nam lần thứ 2. Điều này không nằm ngoài dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong quá trình đang tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc họp trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Người đã dự đoán: “Không sớm thì muộn, thực dân Pháp cũng quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, chừng nào chúng chưa thua đau trên chiến trường Đông Dương thì chừng ấy chúng còn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta”.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn chưa bắt đầu thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có những sự chuẩn bị cho cuộc kháng chiến này. Và nó được chuẩn bị trên tinh thần “kháng chiến nhất định thắng lợi” như Người đã khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân” và “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Người đã kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Lời kêu gọi thống thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy tinh thần và nghị lực của quốc dân đồng bào và chiến sĩ cả nước vùng lên đánh giặc. Ý chí tranh đấu, kháng chiến kiên cường, niềm tin tất thắng sắt đá ấy đã giúp quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đồng lòng tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh và giành thắng lợi vẻ vang bởi chiến thắng vĩ đại trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!”.

Điện Biên là một tỉnh địa đầu của Tổ quốc, thuộc vùng Tây Bắc, có đường biên giới giáp với cả Lào và Trung Quốc. Địa hình của Điện Biên rất phức tạp. Lòng chảo Điện Biên Phủ là một thung lũng nằm lọt giữa những dãy núi cao chạy dài. Đây là cánh đồng rộng lớn nhất của tỉnh Điện Biên ngày nay, và là chiến địa của chiến trường Điện Biên Phủ xưa.

Với cả ta và Pháp thì Điện Biên Phủ đều cách rất xa hậu phương. Đường đến Điện Biên Phủ chỉ có thể đi bằng đường bộ và đường không, nhưng đối với quân và dân ta thì con đường duy nhất để tiếp cận với địa bàn chiến trường là đường bộ.

Đây là điều bất lợi của ta, bởi thực dân Pháp có lợi thế khi có cầu tiếp viện đường không cho vùng chiến địa này, từ đó tạo ra tính linh hoạt, cơ động của họ khi tiếp viện, chuyển quân.

Nhưng với ý chí, quyết tâm cao, quân và dân ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách để mở đường lên Điện Biên Phủ đối đầu với thực dân Pháp, chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với Pháp trong điều kiện khó khăn hơn họ nhiều lần về việc đảm bảo cung cấp hậu cần cho mặt trận.

Tướng H. Nava đã ra lệnh xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Về phía ta, khi chọn Điện Biên Phủ làm nơi đối đầu, tiến hành trận quyết chiến chiến lược, không phải ta không tính đến những khó khăn, thử thách mà ta sẽ phải đối mặt để đảm bảo thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã họp và nghe Tổng Quân ủy báo cáo về quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ.

Bộ Chính trị đã kết luận: Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Về ta, với chất lượng đã được nâng cao thêm một bước trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về kỹ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và nhất định đảm bảo cung cấp cho chiến dịch.

Có thể thấy, ta đã có những nhận thức tương đối toàn diện về những khó khăn, thuận lợi để quyết tâm đối đầu với thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Với quyết tâm đánh bại địch ở Điện Biên Phủ, ta đã huy động một lực lượng lớn để đảm bảo đánh thắng địch. Điều đáng nói là, tất cả những lợi thế mà ta có được này được chuẩn bị trong một thời gian không dài, nhưng với quyết tâm cao, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc.

Trí tuệ và bản lĩnh

Thực tiễn cho thấy, chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ không thể chỉ dựa hoàn toàn vào ý chí và sự anh dũng, mà chiến thắng đó còn là chiến thắng của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, được thể hiện trong trong nhiều khía cạnh của chiến dịch này.

Trước hết, trí tuệ ấy được thể hiện ở việc ta đã làm cho kế hoạch quân sự của H. Nava hoàn toàn bị phá sản. 

Thất bại ở Lai Châu vẫn chưa giúp Nava nhận thức được mối nguy cấp sẽ đến với Điện Biên Phủ. Ông ta vẫn tin tưởng sẽ nghiền nát chủ lực của ta tại đây, và quyết tâm giữ tập đoàn cứ điểm này bằng bất kỳ giá nào. Ngày 22/12/1953, đúng vào ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam thì cũng là lúc mà Nava tăng cường thêm cho Điện Biên Phủ 3 tiểu đoàn bộ binh và 1 đại đội xe tăng nhẹ, đưa lực lượng của binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) lên 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo, 1 đại đội xe tăng nhẹ, 1 đại đội vận tải với tổng quân số là 12.000 quân.

Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm ở trung tâm lòng chảo tỉnh Điện Biên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai và những bãi mìn dày đặc, bốn góc là bốn xe tăng và phía Tây là trận địa pháo bảo vệ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Như vậy, sau đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi tập trung binh lực lớn thứ hai của địch trên chiến trường Đông Dương.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: Nói đến kế hoạch chiến lược của địch và chủ trương chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953-1954 cho đến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta thấy hai điểm nổi bật.

Một là, địch có kế hoạch tập trung binh lực, tăng cường khối lực lượng cơ động chiến lược, nhằm giành lại chủ động, thực hiện một loạt kế hoạch tiến công, chuẩn bị một trận quyết chiến chiến lược trên một chiến trường do chúng lựa chọn. Ta đã sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở. Ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược, làm thất bại ý đồ chiến lược chủ yếu, phá hoại công cụ chiến lược chủ yếu của chúng, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của chúng, làm phá sản kế hoạch Nava.

Hai là, địch không có ý định điều quân chủ lực lên chiến trường rừng núi Tây Bắc. Ta đã buộc chúng phải ném chủ lực xuống cánh đồng Điện Biên Phủ. Ta đã tạo nên thời cơ và đã lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Trận Điện Biên Phủ trước đây không nằm trong kế hoạch chiến lược của tướng Nava đã trở thành trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của QĐND Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

Bằng trí tuệ và bản lĩnh, ta đã buộc địch phải bị động lựa chọn Điện Biên Phủ làm nơi quyết chiến đối đầu với ta, nơi mà địch chỉ có thể tiếp viện cho chiến trường bằng đường không vận, bởi các ngả đường bộ về Điện Biên lúc này đã hoàn toàn bị ta khống chế.

Về phía ta, ta đã nắm giữ được quyền chủ động trên chiến trường và đẩy địch vào thế bất ngờ, bị động, phải đánh theo cách đánh của ta. Đây cũng là nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông nói: “Trong sự chỉ đạo chiến lược ấy, Đảng ta luôn luôn nắm vững phương châm tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, bí mật bất ngờ. Phương châm đó đã được vận dụng và phát triển sáng tạo trong nhiều năm kháng chiến chống Pháp. Cái tinh túy nhất và cũng là nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược đó là luôn chủ động, luôn luôn tiến công, giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát triển quyền chủ động. Nắm vững quyền chủ động là biểu hiện cao nhất của tư tưởng chiến lược tiến công”.

Có thể thấy, rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ có được là nhờ trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và nhiều tướng lĩnh, nhà hoạch định chiến lược khác, nhất là sự trợ giúp, cố vấn của các chuyên gia quốc tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc quyết định bỏ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định chính xác, phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tiếp đến, trí tuệ và bản lĩnh của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ được thể hiện ở sự quyết đoán và tính toán một cách kỹ lưỡng của vị Đại tướng uyên bác Võ Nguyên Giáp. 

Bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, sau khi khảo sát thực tiễn chiến trường, ông đã đưa ra quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để đảm bảo “đánh chắc thắng”. Đây chính là nhiệm vụ nặng nề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi quyết định chọn Điện Biên Phủ là nơi quyết chiến chiến lược.

Người nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. "Tướng quân tại ngoại". Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.

Quán triệt quan điểm này, đồng thời nhớ lời căn dặn của Bác từ năm 1953 rằng: "Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn", cho nên khi tới chiến trường Điện Biên Phủ khảo sát thực tiễn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xem xét lại phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Ông quyết định: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.

Lán làm bằng tre, nứa, lá - là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Và chính quyết định mang tính chiến lược này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa đến thắng lợi cuối cùng, vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo ra “tiếng sấm chấn động địa cầu”.

Cũng cần phải biết rằng, đây không phải là lần đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra quyết định thay đổi kế hoạch, phương châm tác chiến để đảm bảo thắng lợi mà ít rủi ro, ít đổ máu, hao binh, tổn tướng. Trong cuốn hồi ức Đường đến Điện Biên Phủ, ông cho biết, trong chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950, ông cũng đã từng đưa ra quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến khi mà mọi sự chuẩn bị cho chiến dịch đã xong.

Và điều đáng nói là, việc thay đổi phương châm, kế hoạch tác chiến để đảm bảo thắng lợi trên nguyên tắc “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một bài học vô giá trong chiến tranh cách mạng.

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà cụ thể là trong cuộc tổng tiến công Xuân Hè năm 1972, Quân ủy Trung ương cũng đã quyết định thay đổi chiến trường chính từ Đông Nam Bộ chuyển về Bình Trị Thiên (ngày 11/3/1972), khi mà cuộc tổng tiến công đã cận kề ngày nổ súng. Quyết định này cũng đã đưa đến thắng lợi lớn và giòn giã của quân và dân ta trên toàn chiến trường miền Nam năm 1972, góp phần buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta, chấp nhận ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và rút quân về nước tháng 1/1973.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng của ý chí và mưu trí. Với ý chí thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quân và dân ta đã không ngại hy sinh mồ hôi, xương máu để xốc tới giải phóng Điện Biên.

Chiến thắng này là sự nỗ lực, kiên gan, bền chí, anh dũng, mưu lược của quân và dân ta, có sự kế thừa tinh hoa của cha anh, và sự học hỏi, chắt lọc từ tinh hoa của nhân loại, được cô đọng lại, đúc kết trong trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng huyền thoại của lịch sử Việt Nam cận - hiện đại.

Nguồn: vietnamnet.vn
Tìm kiếm