BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016

19/04/2011 12:56

Sáng ngày 18/4/11, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 qua 8 điểm cầu tại: Trụ sở Bộ Nội vụ (số 8 phố Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội), TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk, Nghệ An, Yên Bái, Thái Nguyên. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị (Điểm cầu Hà Nội tại trụ sở Bộ Nội vụ)

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo của Bộ Nội vụ về tình hình tính hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 của các cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền địa phương từ sau Hội nghị giao ban của Bộ Nội vụ về công tác bầu cử khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam đến thời điểm tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần 3 của các cơ quan Trung ương và địa phương (Báo cáo).

Theo Báo cáo, trong phạm vi thẩm quyền, Bộ Nội vụ đã tổ chức 3 hội nghị giao ban công tác bầu cử ngành Nội vụ với sự tham gia của các cơ quan Trung ương để đánh giá tình hình triển khai các bước thực hiện công tác bầu cử;  hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện công tác bầu cử. Bộ Nội vụ đã lập kế hoạch, phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn công tác bầu cử đối với các thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử trong cả nước theo địa bàn và khu vực từ ngày 21/4 đến ngày 28/4. Bộ Nội vụ cũng đã hoàn thành việc soạn thảo, in ấn và phát hành đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cuốn sách “Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016” để phục vụ công tác thực hiện bầu cử ở các địa phương và các tổ chức phụ trách bầu cử.     
Các Bộ, ngành Trung ương khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng đã triển khai thực hiện các công tác bầu cử theo sát tiến độ theo thẩm quyền được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Chỉ thị số 192/CT-TTg.
Về thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội: tính đến ngày 17/4, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập tại mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử. Theo tổng hợp sơ bộ, cả nước dự kiến thành lập khoảng 93.800 Tổ bầu cử, trong đó có trên một nửa số khu vực bỏ phiếu có thành viên Ban bầu cử kiêm nhiệm vụ Tổ bầu cử. Sau khi hoàn thành tổ chức 4 bước của quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, từ ngày 13/4 đến ngày 17/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện bước năm của quy trình hiệp thương, tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.         
Về thực hiện công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trình Chính phủ phê chuẩn danh sách 1.045 đơn vị bầu cử và 3.832 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong đó, có 7 đơn vị bầu 1 đại biểu, 30 đơn vị bầu 2 đại biểu, còn lại 1.014 đơn vị bầu từ 3 - 5 đại biểu. Các cấp chính quyền địa phương đã ấn định số lượng đại biểu HĐND của từng đơn vị hành chính, số lượng các đơn vị và số đại biểu được bầu của từng đơn vị bầu cử theo quy định của Luật. Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố đã ấn định 21.090 đại biểu HĐND cấp huyện; 275.905 đại biểu HĐND cấp xã.
Về thực hiện các công tác khác chuẩn bị cho bầu cử: các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức. Công tác chuẩn bị kinh phí, điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ cuộc bầu cử cũng được các địa phương chú trọng thực hiện. Ủy ban bầu cử các cấp đã chỉ đạo thực hiện cụ thể việc chuẩn bị kinh phí, hòm phiếu, khắc dấu cho các tổ chức phụ trách bầu cử, thẻ cử tri, biểu mẫu, in ấn các tài liệu, tập huấn.Tiểu ban an ninh của Ủy ban bầu cử ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, các lực lượng vũ trang ở địa phương đã chuẩn bị và có kế hoạch cụ thể bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử; chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các điểm nóng về an ninh chính trị trên địa bàn.           
Hội nghị đã tập trung thảo luận, đi sâu vào các vấn đề thực tiễn tổ chức bầu cử. Ngoài báo cáo những kết quả đạt được, các đại biểu ở các điểm cầu cũng đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bầu cử ở địa phương và nêu một số đề xuất, kiến nghị với cơ quan Trung ương tập trung vào các nội dung:  tuyên truyền phục vụ bầu cử; tập huấn bầu cử cho cấp huyện, xã; lập danh sách cử tri; đảm bảo an ninh, an toàn cho bầu cử; tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi và hướng dẫn trang trí phòng bỏ phiếu để có sự thống nhất trong cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định: Hội nghị giao ban trực tuyến về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Các đại biểu tại 8 điểm cầu đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, giải quyết được các vấn đề vướng mắc, phát sinh từ thực tiễn chuẩn bị cuộc bầu cử. Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đề nghị: Đây là giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho cuộc bầu cử, thời gian tổ chức ngày bầu cử chỉ còn hơn một tháng và là lần đầu tiên tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cùng một ngày, do vậy, thời điểm này các địa phương cần tập trung rà soát các nhiệm vụ đã đề ra, phân công các đồng chí lãnh đạo trong cấp ủy chỉ đạo theo địa bàn, nhất là các đơn vị bầu cử chỉ bầu 1 hoặc 2 đại biểu; tiếp tục phối hợp đi kiểm tra, giám sát chặt chẽ; giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đảm bảo ổn định tình hình, không để xảy ra các điểm nóng để hoàn thành tốt các khâu chuẩn bị cuối cùng cho tổ chức ngày bầu cử; đẩy mạnh công tác truyên truyền, chuẩn bị kỹ các phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương, đảm bảo an sinh xã hội để ngày bầu cử diễn ra an toàn tuyệt đối; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên, bảo đảm dân chủ, an toàn, tiết kiệm; xây dựng các phương án dự phòng trong xử lý các vấn đề đột xuất xảy ra như thiên tai, dịch bệnh trong thời gian tổ chức cuộc bầu cử; các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử như in ấn danh sách và tiểu sử người ứng cử sau khi lập danh sách và công bố chính thức người ứng cử; in ấn thẻ cử tri; phiếu bầu cử; khắc dấu tổ bầu cử; chuẩn bị hòm phiếu,.../.  
 
 

 

Tin, ảnh: Quang Trường
Tìm kiếm