BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo tổ chức chính quyền đô thị Việt Nam

13/09/2013 15:42

Sáng 13-9, tại Hà Nội, báo Nhân Dân, Bộ Nội vụ, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo tổ chức chính quyền đô thị tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhà quản lý trong nước...

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo T.Ư xây dựng Đề án thí điểm chính quyền đô thị, thời gian qua một số địa phương đã thực hiện chuyên đề nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Đây là đề án lớn liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị là vấn đề mới ở nước ta. Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương nói chung và đô thị nói riêng đặt trong tổng thể tổ chức bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Xây dựng mô hình chính quyền đô thị bên cạnh việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo cho các vấn đề an sinh của người dân cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề như vai trò lãnh đạo của Đảng trong bộ máy chính quyền đô thị, cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền, những lợi ích mang lại khi triển khai mô hình này. Đây là những vấn đề cần giải quyết thấu đáo, phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật, hợp với ý Đảng, lòng dân.
 
Báo cáo đề dẫn hội thảo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu: Gần 70 năm qua, hệ thống các cơ quan nhà nước ở nước ta không ngừng được củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay bộ máy nhà nước ta vẫn cồng kềnh, tính thống nhất của hệ thống và hiệu quả quản lý chưa cao. Đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước đã và đang là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống.
 
Việc cải cách bộ máy nhà nước không những phải thực hiện ở các cơ quan Trung ương, mà còn phải đổi mới đồng bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương các cấp...Thực tiễn hiện nay đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phương thức hoạt động phù hợp đối với chính quyền đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn. Trong bối cảnh Hiến pháp năm 1992 đang được nghiên cứu sửa đổi, việc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị cần phải gắn với nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được hàng chục ý kiến phát biểu và tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học về tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền đô thị.
 
PGS.TS Vũ Thị Phụng (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Do các đô thị của Việt Nam hình thành từ nền tảng của một quốc gia mạnh về nông nghiệp, nên những biến động về dân số cũng như nếp sống, nếp nghĩ của cư dân và sự giằng co khó dứt với các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, thì việc tổ chức và quản lý của chính quyền đô thị ở Việt Nam cần phải có sự nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho phù hợp. Nếu xây dựng chính quyền đô thị theo mô hình một số nước phương Tây thì trình độ năng lực, tư duy của đội ngũ cán bộ hiện nay đã đáp ứng được hay chưa? Cán bộ quản lý đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của tư duy nông thôn, nông nghiệp?
 
Đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị là vấn đề mới, lần đầu đặt ra ở nước trong giai đoạn xây dựng và phát triển. Trong thực tiễn, do yêu cầu quản lý nhà nước ở đô thị loại đặc biệt cho nên nhu cầu cần một cơ chế quản lý phù hợp là yêu cầu khách quan của thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay một số nội dung dự kiến trong mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh không phù hợp với một số điều, khoản của Hiến pháp, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Ngân sách và nhiều văn bản pháp luật khác. Vì vậy, trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, kiến nghị Quốc hội cho phép thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Đề án này bằng một Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 (tháng 10 và 11 năm nay) để có thể triển khai mô hình thí điểm, có thêm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị trong Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, kiến nghị các Bộ - ngành đồng tình chia sẻ và hỗ trợ tốt nhất để thành phố có thể triển khai thực hiện tốt Đề án.
 
PGS.TS. Vũ Hồng Anh (Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH) kiến nghị: Trong điều kiện hiện nay, khi mô hình tổ chức đơn vị hành chính ở đô thị còn chưa đạt được sự thống nhất, để bảo đảm cho những quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về chính quyền địa phương không trở thành rào cản đối với việc cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thì Dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉ nên quy định về đơn vị hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, còn đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên để mở cho luật quy định.
 
Thứ hai, cần bảo đảm thống nhất nguyên tắc chung là ở cấp đơn vị hành chính nào thì cần phải có đồng thời cơ quan đại diện và cơ quan hành chính. Trong đó, cơ quan đại diện phải được thành lập bằng con đường bầu cử; khuyến khích sự đa dạng hóa phương pháp thành lập cơ quan hành chính. Người đứng đầu cơ quan hành chính có thể do người dân trực tiếp bầu, do cơ quan đại diện thành lập hoặc do bổ nhiệm.
 
Theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì Chính quyền các cấp trong nhà nước pháp quyền phải là chính quyền tự trị và phải được tổ chức theo đa dạng các mô hình.
 
Kết luận Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân khẳng định: Hội thảo đã nghe những tham luận, phát biểu của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, đó là những ý kiến tâm huyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học mà còn là sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân đối với công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy tổ chức chính quyền địa phương trong đó có chính quyền đô thị nói riêng.
 
Tại Hội thảo, nhiều ý tưởng mới, có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương, chính quyền đô thị đã được trình bày và làm sáng tỏ. Ban Tổ chức xin tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu đó và tổng hợp, kiến nghị với Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm góp phần hoàn thiện chế định Chính quyền địa phương trong Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 
Đ/c Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm trong giờ giải lao
 
PGS.TS Vũ Thị Phụng phát biểu tại Hội thảo
 
Đ/c Lê Hoàng Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
 
ĐẶNG GIANG Ảnh TRẦN HẢI
 
 

Theo: http://nhandan.com.vn
Tìm kiếm