BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh lần thứ V (2020 - 2025)

10/09/2020 17:57

Sáng ngày 10/9, tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh, tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V (2020 - 2025) nhằm tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ dự và chỉ đạo Đại hội.

Tham dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; đồng chí Phạm Đức Toàn, Uỷ viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; các đại biểu khách mời thuộc các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 350 đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020.

Quang cảnh Đại hội

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 – 2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 05 năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục đổi mới và sáng tạo. Các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh được triển khai với nội dung, tiêu chí đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, trong đó có những phong trào thi đua mang tính chất nổi bật.
Hình thức tổ chức phát động phong phú, đã động viên và thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tham gia thi đua phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt kết quả tích cực trên mọi các lĩnh vực. 

Công tác khen thưởng được quan tâm đúng mức, kịp thời và có tác dụng nêu gương, tỷ lệ khen người lao động trực tiếp được nâng lên; công tác khen thưởng đột xuất đã được thực hiện kịp thời, góp phần động viên, nêu gương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng được hoàn thiện; bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp được củng cố, kiện toàn. Các cụm, khối thi đua được kiện toàn và tổ chức hoạt động nề nếp, chất lượng. Việc bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến có bước chuyển tích cực, đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác và phong trào thi đua được các cấp khen thưởng. 

Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị được tăng cường. Các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt… Những tiến bộ đó đã nâng cao được chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, qua đó tạo thành động lực góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tiếp theo.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân, tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Gắn phong trào thi đua yêu nước với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó làm cho mọi người thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, phải thường xuyên quan tâm phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong các phong trào thi đua. Thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở và trong mỗi giai đoạn.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích. Chú trọng khen thưởng người lao động, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, công tác và học tập.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua khen thưởng. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới. Các cơ quan thông tin truyền thông tăng thời lượng, chuyên trang, chuyên mục về các phong trào thi đua yêu nước, tấm gương người tốt, việc tốt để biểu dương, tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu chỉ đạo Đại hội

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chúc mừng và biểu dương những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong 5 năm qua.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, công tác thi đua, khen thưởng đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua ngày càng được nâng lên và phát triển ở tất cả các lĩnh vực, các địa bàn trong toàn tỉnh, tiêu biểu là các phong trào thi đua: “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ninh thi đua thực hiện văn hóa công sở”...

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Quảng Ninh trong 5 năm qua đã góp phần huy động sức dân, tạo sự gắn bó, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, đã phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, tạo thành sức mạnh nội sinh huy động sức người, sức của; thực hiện chủ trương đầu tư của Nhà nước. Bằng sức sáng tạo thi đua trong lao động, sản xuất, sự cố gắng của các tầng lớp Nhân dân và doanh nghiệp, thu ngân sách luôn đứng trong top đầu cả nước; thu nhập bình quân của người dân cao hơn bình quân chung cả nước 2,5 lần; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) luôn đứng trong nhóm đầu và đứng thứ nhất năm 2019; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ chỗ đứng thứ 62 trên tổng số 63 địa phương năm 2016 đã vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc vào năm 2019. Chỉ số ICT Index năm 2019 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước sau 03 năm liên tiếp giữ vị trí thứ 4...

Để phong trào thi đua yêu nước tiếp tục thực sự trở thành động lực mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt một số nội dung: 

Một là, tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “Thi đua yêu nước”; các quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, nhất là Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” để phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức và trách nhiệm thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành và Nhân dân. Trước hết, cấp ủy, hệ thống chính trị và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước. Cán bộ, đảng viên phải thực sự tiên phong gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực công tác; đồng thời, tích cực vận động, tập hợp tổ chức quần chúng tham gia phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hai là, phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, khoá XII) về công tác xây dựng Đảng, tạo bước chuyển biến mới về chất trong phong trào thi đua yêu nước, bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, bền vững, sâu rộng trong các đơn vị, địa phương, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu thi đua 5 năm tới mà Đại hội đã xác định.

Phong trào thi đua phải hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trước hết là phải tập trung thi đua tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020; tập trung khắc phục có hiệu quả những mặt còn hạn chế; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu, tận tụy, hết lòng phục vụ Nhân dân.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, đó là: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”;  “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” với mục tiêu cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn của tỉnh với phương châm thực hiện mục tiêu kép “Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội”. Đẩy mạnh và duy trì các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề thực sự thiết thực và hiệu quả; chú trọng các lĩnh vực đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai…

Bốn là, chú trọng phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, trao đổi rộng rãi kinh nghiệm, cùng học tập lẫn nhau, công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được triển khai thực hiện từ cơ sở; thực hiện tốt và đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo phối hợp giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan thông tin, truyền thông để tuyên truyền, phổ biến các mô hình mới, điển hình tiên tiến có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực. Phấn đấu trong 5 năm tới, ngành nào, cấp nào của tỉnh Quảng Ninh cũng có điển hình tiên tiến, tiêu biểu, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Năm là, thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, chất lượng công tác tham mưu của cơ quan chuyên trách thi đua, khen thưởng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và thực hiện kiểm tra, giám sát, thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Kiện toàn, củng cố và đổi mới tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm khen thưởng kịp thời đối với các tập thể nhỏ, cá nhân là người trực tiếp lao động sản xuất, cán bộ, chiến sĩ, doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều thành tích trong đổi mới, sáng tạo.

Bộ trưởng tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Nhân dịp này, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Sở Nội vụ; Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Huân chương Lao động hạng Ba cho Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh; trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho 01 cá nhân, Huân chương Lao động hạng Nhì cho 03 cá nhân và Huân chương Lao động hạng Ba cho 10 cá nhân./.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao tặng Huân chương cho các tập thể


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao tặng Huân chương cho các cá nhân


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội

Thanh Tuấn - Đăng Minh

Tìm kiếm