BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An: Một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước

22/12/2020 11:51

Trong 5 năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã kháng nghị phúc thẩm 128 vụ việc; ban hành 250 bản kiến nghị, trong đó 7 bản kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện về phòng ngừa vi phạm pháp luật.


Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.493,7km2, địa hình bao gồm đồng bằng, trung du và miền núi, điều kiện giao thông thuận lợi với đường bộ, đường biển, đường không, đường sắt, có đường biên giới giáp Lào. Với điều kiện địa lý như trên, cùng với sự tác động của nền kinh tế thị trường một mặt tạo tiềm lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mặt khác khiến cho tình hình vi phạm pháp luật, tranh chấp dân sự ngày càng gia tăng về số lượng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vụ án tranh chấp đất đai, tranh chấp thừa kế, yêu cầu chia tài sản chung, tranh chấp quyền sở hữu tài sản… Từ năm 2015 đến năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An thụ lý kiểm sát 26.747 vụ việc dân sự. Nội dung tranh chấp đa dạng, phức tạp có nhiều vụ án khiếu nại kéo dài, qua nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết nhưng vẫn không triệt để, làm phát sinh mâu thuẫn trong Nhân dân và phần nào ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn. Thực trạng trên đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho các cơ quan tư pháp Nghệ An nói chung và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng.

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất, chú trọng triển khai văn bản pháp luật, tăng cường công tác tập huấn, chăm lo công tác tự đào tạo nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có nhiều quy định mới theo hướng mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự. Do đó, ngay sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã yêu cầu cán bộ, kiểm sát viên chủ động cập nhật, nắm bắt các nội dung bộ luật, đặc biệt là những quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát để chủ động trong việc áp dụng pháp luật.

Cùng với Bộ luật Tố tụng dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã yêu cầu cán bộ, kiểm sát viên chủ động nghiên cứu toàn văn Bộ luật Dân sự năm 2015. Trước khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã quán triệt 100% cán bộ, kiểm sát viên tham gia Hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật mới do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức. Đồng thời, để cán bộ, kiểm sát viên nắm vững các quy định mới, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã mời các chuyên gia đầu ngành tập huấn trực tiếp cho cán bộ, kiểm sát viên. Ngoài ra, đơn vị đã triển khai kịp thời các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và gia đình…, và các văn bản hướng dẫn liên ngành cảu Tòa án nhân dân tối cao; các quy chế nghiệp vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.


Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An bàn giao nhà tình nghĩa

Bên cạnh thực hiện tốt việc triển khai văn bản pháp luật nhằm cung cấp kiến thức pháp luật mới cho cán bộ, kiểm sát viên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An còn tăng cường công tác tập huấn nhằm cung cấp kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ, kiểm sát viên. Hàng năm, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giao Phòng nghiệp vụ xây dựng chuyên đề tập huấn nghiệp vụ cho Viện Kiểm sát cấp huyện. Phòng 9 đã xây dựng 7 chuyên đề tập huấn cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện về kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xây dựng báo cáo án; xây dựng dự thảo bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa và kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định của tòa án; các chuyên đề về kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp về di sản thừa kế và tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Đặc biệt năm 2016, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã chọn một vụ án hôn nhân và gia đình, có nhiều mối quan hệ tranh chấp, bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm làm hồ sơ giả định gửi về Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, yêu cầu kiểm sát viên thực hiện các tác nghiệp như: Lập hồ sơ kiểm sát; yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ; báo cáo án; xây dựng đề cương hỏi; dự thảo bài phát biểu cảu kiểm sát viên tại phiên tòa; lập phiếu kiểm sát bản án và viết dự thảo kháng nghị (nếu phát hiện bản án có vi phạm). Sau khi tiến hành các nội dung theo yêu cầu, Viện Kiểm sát nhân dân huyện chuyển hồ sơ kiểm sát cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, phòng nghiệp vụ tổng hợp kết quả cảu các huyện; đánh giá theo các nội dung yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong đó chú trọng tập hợp những tồn tại, thiếu sót của kiểm sát viên Viện Kiểm sát cấp huyện để xây dựng chuyên đề. Các chuyên đề tập huấn xây dựng trên cơ sở những quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự; Bộ luật Dân sự, có lồng ghép những dạng vi phạm trong hồ sơ và những dạng vi phạm thường gặp của tòa án, nhằm rèn luyện cho kiểm sát viên những kỹ năng cơ bản khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự nói chung và vụ án mẫu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã gửi về Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nghiên cứu. Vì vậy, chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự của Viện Kiểm sát hai cấp được nâng lên rõ rệt, các vụ án dân sự được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật.


Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An tặng quà cho các đồng chí thương, bệnh binh

Để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống và kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ, kiểm sát viên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An còn phát động phong trào tự học, tự đào tạo trong phòng nghiệp vụ. Qua chặng đường dài của quá trình hình thành và phát triển, Phòng 9 đã trải qua nhiều thế hệ cán bộ, kiểm sát viên, thế hệ trước không ngừng dìu dắt, truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho thế hệ sau nên đã đào tạo nên lớp lớp cán bộ tận tâm, nhiệt huyết với công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần quan trọng tạo nên bề dày thành tích của đơn vị. Công tác tự học, tự đào tạo được cán bộ, kiểm sát viên thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau như tự tìm tòi, học hỏi thông qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, hệ thống Internet, tài liệu tập huấn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thông báo rút kinh nghiệm của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao…; phổ biến các dạng tranh chấp, vi phạm mới để toàn thể cán bọ, kiểm sát viên nắm bắt kịp thời; phân công cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, năng lực chuyên môn kèm cặp cán bộ mới được điều động về phòng nghiệp vụ công tác; tổ chức họp rút kinh nghiệm chung đối với những vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm hoặc các dạng tranh chấp mới; duy trì thường xuyên việc sinh hoạt chuyên đề về công tác chuyên môn…

Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, chú trọng công tác cán bộ. Đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát hai cấp trực tiếp chỉ đạo khâu công tác này; nghe báo cáo và ý kiến chỉ đạo các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, cấp ủy đưa vào diện chỉ đạo. Đồng chí Phó Viện trưởng phục trách trực tiếp nghe báo cáo tất cả các vụ án trước khi Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, những vụ án phức tạp, lãnh đạo viện trực tiếp duyệt bản phát biểu ý kiến và đề cương xét hỏi của Viện Kiểm sát.

Tăng cường cán bộ, kiểm sát viên có kinh nghiệm cho các phòng nghiệp vụ; đồng thời, giao thêm nhiệm vụ giải quyết án dân sự, hành chính cho một số Viện Kiểm sát trung cấp ở một số phòng nghiệp vụ khác. Có chính sách về thi đua, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm đối với các đơn vị, cán bộ, kiểm sát viên làm công tác này.

Thứ ba, tăng cường công tác chỉ đạo huyện. Xác định Viện Kiểm sát cấp huyện là nơi trực tiếp giải quyết lượng án chủ yếu của tỉnh, lực lượng cán bộ, kiểm sát viên đảm nhiệm khâu công tác ở đơn vị cấp huyện thường xuyên biến động, kinh nghiệm công tác chưa nhiều; chất lượng khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính còn nhiều hạn chế, yếu kém. Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ tập trung tăng cường công tác chỉ đạo cấp huyện bằng nhiều hình thức và biện pháp như phân công đồng chí lãnh đạo phòng có kinh nghiệm phụ trách chỉ đạo huyện; phân công kiểm sát viên phụ trách địa bàn các đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân huyện; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ và kịp thời giải đáp những vướng mắc khó khăn của huyện, giúp huyện hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác hàng năm. Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, thông báo rút kinh nghiệm trên nhiều mặt, trong đó chú trọng việc thông báo rút kinh nghiệm các dạng vi phạm của tòa án. Hàng quý, thông qua việc kiểm sát bản án, quyết định của tòa án cấp huyện, các phòng nghiệp nghiệp vụ đều có thông báo rút kinh nghiệm các dạng vi phạm trong bản án, quyết định của tòa án mà Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện không phát hiện được; các vụ án bị tòa án cấp phúc thẩm hủy án, qua đó nâng cao kỹ năng nghiên cứu, nhận diện các dạng vi phạm trong bản án, quyết định của tòa án cho kiểm sát viên cấp huyện. Điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo huyện là công tác hướng dẫn Viện Kiểm sát cấp huyện phát hiện vi phạm, xây dựng quyết định kháng nghị. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, các phòng nghiệp vụ đã chỉ đạo, hướng dẫn Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện ban hành kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định của tòa án. Trong 5 năm, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành 44 văn bản thông báo rút kinh nghiệm; hướng dẫn Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện kháng nghị phúc thẩm 29 vụ.

Thứ tư, tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp bản án, quyết định của tòa án bị cấp phúc thẩm hủy, sửa án có trách nhiệm của Viện Kiểm sát.

Xác định kháng nghị, kiến nghị là một trong những quyền năng quan trọng nhất của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự, trong thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An luôn chú trọng công tác nghiên cứu bản án, quyết định của tòa án 2 cấp, kịp thời phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị, kiến nghị. Kế hoạch công tác năm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp phải tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị, gắn trách nhiệm của trưởng phòng nghiệp vụ và Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp huyện trong việc kháng nghị phúc thẩm bản án, quyết định cùng cấp, trong đó xác định khâu đột phá là nâng cao số lượng, chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm; năm 2020, đề ra chỉ tiêu cụ thể mỗi đơn vị Viện Kiểm sát cấp huyện phải ban hành ít nhất 1 kháng nghị, trừ những đơn vị không có bản án, quyết định vi phạm. Thực hiện kế hoạch công tác năm, phòng nghiệp vụ và các Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện đã đôn đốc kiểm sát viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thu thập chứng cứ, kiểm sát bản án, quyết định kịp thời phát hiện vi phạm để tham mưu cho lãnh dạo Viện ban hành kháng nghị. Đối với Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện trước khi ban hành kháng nghị phải xin ý kiến của phòng nghiệp vụ nhằm đảm bảo các kháng nghị có căn cứ và đúng quy định pháp luật, được tòa án nhân dân cấp phúc thẩm chấp nhận. Trường hợp không còn thời hạn để kháng nghị phúc thẩm theo thẩm quyền của Viện Kiểm sát cấp sơ thẩm thì kịp thời báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp xem xét kháng nghị theo thẩm quyền. Hàng tuần thông qua giao ban trực tuyến, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đánh giá kết quả thực hiện công tác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp, biểu dương kịp thời những đơn vị thực hiện tốt công tác này.

Bên cạnh công tác kháng nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An còn quán triệt phòng nghiệp vụ, các Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện tăng cường công tác kiến nghị yêu cầu tòa án khắc phục, sửa chữa vi phạm. Công tác kiến nghị được thực hiện dưới hình thức tổng hợp vi phạm của nhiều bản án, quyết định của tòa án để ban hành kiến nghị chung hoặc kiến nghị vụ việc đối với những bản án, quyết định có nhiều vi phạm nhưng đã hết thời hạn kháng nghị. Ngoài ra, qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, đơn vị còn phát hiện những bất cập, vi phạm trong công tác quản lý hành chính của cơ quan có thẩm quyền (đặc biệt là công tác quản lý đất đai, việc tham gia tố tụng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đối với những vụ án có yêu cầu hủy quyết định cá biệt) nên trong những năm qua, đơn vị còn tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa đến cơ quan quản lý có thẩm quyền nhằm hạn chế, khắc phục vi phạm. Đến nay, 100% kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân được tòa án, cơ quan quản lý có thẩm quyền chấp nhận và khắc phục. Đặc biệt, để khắc phục những vi phạm được nêu trong kiến nghị phòng ngừa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã tiếp thu kiến nghị, ban hành 2 chỉ thị yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia tố tụng dân sự đầy đủ, chấp hành nghiêm việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An.

Trong 5 năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã kháng nghị phúc thẩm 128 vụ việc; ban hành 250 bản kiến nghị, trong đó 7 bản kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện về phòng ngừa vi phạm pháp luật. Các quyết định kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An có căn cứ và đúng quy định pháp luật, được tòa án và Ủy ban nhân dân các cấp chấp nhận 100%, báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên đề nghị kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm 76 vụ, việc dân sự.

 

Anh Cao (Tài liệu của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X)

Tìm kiếm