Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Vừa qua tại Campuchia, Bộ Công vụ Vương quốc Campuchia tổ chức Hội thảo “Xây dựng năng lực về lãnh đạo chuyển đổi cho công chức bậc trung của các quốc gia thành viên ASEAN và Timor-Leste”.
Hội thảo diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 22 đên 24/8/2023.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ 10 nước thành viên ASEAN, Timor-Leste, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đại diện đến từ Ban Thư ký ASEAN và hơn 100 công chức bậc trung của nước chủ nhà Campuchia.
Đoàn Bộ Nội vụ Việt Nam do TS. Hà Quang Trường, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Viện Khoa học tổ chức nhà nước làm Trưởng đoàn tham dự Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức là một phần cam kết của Campuchia đối với Kế hoạch công tác của ACCSM+3 giai đoạn 2021 – 2025, nhằm chia sẻ các lý thuyết và thực hành tốt nhất về những kinh nghiệm lãnh đạo của các công chức nguồn từ các quốc gia ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) cũng như đại biểu tham dự đến từ các quốc gia thành viên ASEAN và Timor-Leste.
Tại Hội thảo, TS. Hà Quang Trường, Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Nội vụ Việt Nam trình bày bài thuyết trình với chủ đề “Tăng cường hiệu suất trong khu vực công ở Việt Nam”. Bài trình bày đã giới thiệu khái quát về khu vực công và đội ngũ nhân sự bậc trung trong khu vực công ở Việt Nam; các phương thức quản lý để đảm bảo hiệu suất trong khu vực công bao gồm trong đó có các quy định về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; các hoạt động thí điểm áp dụng phương thức quản lý theo kết quả trong khu vực công và việc sử dụng phần mền quản lý điều hành Voffice trong khu vực công ở Việt Nam, qua đó đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại Hội thảo.
Trong phần thảo luận, TS. Hà Quang Trường cùng đại diện 02 nước Thái Lan và Timor-Leste thảo luận về chủ đề “Quản lý công việc hiệu quả trong tổ chức” dưới sự điều phối của ông Woo-Je Yun, Giáo sư Viện Phát triển nguồn nhân lực quốc gia Hàn Quốc (NHI). Trong phần thảo luận này, phía Việt Nam đã trả lời các câu hỏi về việc quản lý hiệu suất trong khu vực công ở Việt Nam trong giai đoạn đại dịch COVID 19; vấn đề làm việc trực tuyến sau đại dịch; về xu hướng giới trẻ không muốn vào làm việc trong khu vực công; việc chọn người có năng lực và bổ nhiệm đúng người; về thực tế áp dụng phần mền Voffice của Việt Nam và một số câu hỏi khác...
Bên cạnh đó, ông Phạm Minh Châu, Chuyên viên chính Vụ Hợp tác quốc tế đã chia sẻ về chủ đề “cải cách hành chính, công vụ trong điều kiện chuyển đổi số”. Đây cũng là chủ đề Bộ Nội vụ Việt Nam mong muốn được lắng nghe và thảo luận ở hội thảo trong thời gian tới.
Việt Nam được nước chủ nhà và các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao về việc áp dụng hệ thống đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo 3 bước, trong có bước đánh giá của tập thể. Đặc biệt, với việc đưa vào sử dụng phần mềm Voffice dù mới đang trong giai đoạn phát triển nhưng đã có những đóng góp khá rõ ràng cho việc quản lý hiệu suất làm việc...
Tại Hội thảo, đại diện các nước đã trình bày bài thuyết trình với các chủ đề như: “Lãnh đạo chuyển đổi”, “Lãnh đạo và động viên nhóm hiệu quả trong tổ chức của bạn”, “Giao tiếp hiệu quả trong tổ chức của bạn”, “Hệ thống quản lý hiệu quả công việc của nền công vụ Hàn Quốc”, “Hệ thống đánh giá công chức trong nền công vụ quốc gia”, “Đổi mới sáng tạo cảm hứng trong cung ứng dịch vụ công”, “Các kỹ thuật đổi mới trong cung ứng dịch vụ công”,
Ngoài phần thuyết trình, đại diện các nước cũng thảo luận với các chủ đề như: “Giải quyết phức tạp/thách thức ở nơi làm việc”, “Quản lý nhân sự/giao tiếp chiến lược”, “các thách thức và vấn đề đằng sau các kỹ thuật đổi mới trong cung ứng dịch vụ công”...
Thông qua Hội thảo, nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong khu vực công ASEAN và các nước phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã được chia sẻ. Phần lớn các nước đều phân rõ các nhóm nhân sự khu vực công (có thể theo bầu cử, theo hình thức tuyển dụng với hợp đồng theo thời gian dài hạn hay ngắn hạn, theo ngạch bậc, mức lương, hay đặc trưng công việc) để có hình thức đánh giá chặt chẽ, phù hợp; đồng thời, chủ động áp dụng, vận dụng một số phương thức đánh giá từ khu vực tư để nâng cao chất lượng công tác đánh giá chất lượng, hiệu suất trong khu vực công.