Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ một số nước ASEAN; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, thế kỷ 21 đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn cho ASEAN trong hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng tới “một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”. ASEAN đang thực hiện những đổi mới, điều chỉnh, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn.
Theo đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 tổ chức tại Philippines từ ngày 28/4-29/4/2017, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã ký Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Tuyên bố nhấn mạnh vai trò của nền công vụ là “xương sống” trong việc xây dựng một bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả tại các nước ASEAN, là chất xúc tác trong việc hợp tác giữa các trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản đặt ra là phải xây dựng được nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, năng động, minh bạch, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân và các tổ chức xã hội để có thể hiện thực hóa được một Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.
Chính phủ Việt Nam, với cam kết sẽ cùng các nước quyết tâm xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác thiết thực phục vụ người dân, đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp triển khai Tuyên bố. Với nỗ lực này, ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1439/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” (Đề án 1439).
Với mục tiêu phát huy vai trò của nền công vụ trong việc thúc đẩy các chương trình cải cách toàn diện theo các định hướng của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, phù hợp với phương châm xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, một trong những giải pháp chính của Đề án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các giá trị chung của Cộng đồng ASEAN nói chung và nền công vụ các nước ASEAN nói riêng; thúc đẩy, khuyến khích học hỏi kinh nghiệm các nước ASEAN về cách thức quản lý nền công vụ hiệu quả và thu hút sự tham gia của người dân.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ Phạm Thu Hằng giới thiệu Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; Đề án 1439 và định hướng cho các địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 1439.
Đề án 1439 đặt mục tiêu cụ thể năm 2019, các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án.
Từ năm 2019 đến năm 2025, 100% công chức được tập huấn, trang bị kiến thức đầy đủ về Cộng đồng ASEAN; 80% công chức được tập huấn về kỹ năng hành chính, quản lý nhà nước đáp ứng các tiêu chuẩn và giá trị chung của nền công vụ các nước ASEAN.
Đề án sẽ thúc đẩy hợp tác trong việc phát triển và chia sẻ kinh nghiệm đối với các lĩnh vực quan trọng; tập trung đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng cộng đồng các chuyên gia trong từng lĩnh vực để thu hẹp khoảng cách và khuyến khích hợp tác giữa các nước ASEAN; bảo đảm tiếp thu những nguyên tắc quản trị hiệu quả của nền công vụ các nước ASEAN.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 1439 và các chủ đề: Chính phủ điện tử và số hóa nền hành chính trong nền công vụ; Cải tiến cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định; Xây dựng chính quyền địa phương linh hoạt, đáng tin cậy và Thực tiễn quản lý thực thi công vụ.
Hội nghị cũng được nghe đại diện các nước ASEAN trình bày tham luận như: Việc thực hiện Chính phủ điện tử và số hóa nền hành chính trong nền công vụ, đặc biệt là ở chính quyền địa phương; Cải tiến cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định hướng tới một nền công vụ lấy người dân làm trung tâm; Xây dựng chính quyền địa phương linh hoạt, đáng tin cậy và có khả năng giải quyết những thách thức phức tạp mới nảy sinh; Thực tiễn quản lý thực thi công vụ trong nền công vụ Thái Lan - Những chính sách, phương pháp tiếp cận và những thành công nhất.
Bên cạnh đó, bà Phạm Thu Hằng cũng giới thiệu, chia sẻ thông tin về các nội dung của cuốn sách “Nền công vụ: Trái tim của Cộng đồng ASEAN”.
Cuốn sách gồm 4 chương đã khái quát sự hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN; hành trình của Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ (ACCSM); Hiến chương ASEAN; quan hệ đối ngoại; tầm nhìn Cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, cuốn sách giới thiệu hệ thống công vụ các nước ASEAN và mở rộng vai trò của ASEAN, thúc đẩy phát triển, tiến lên phía trước./.
Thanh Tuấn - Thái Sơn