BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo quốc tế Chia sẻ kinh nghiệm Hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản 2019

01/09/2019 18:00

Ngày 29/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tổ chức khai mạc Hội thảo quốc tế Chia sẻ kinh nghiệm Hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản 2019.

Ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam và ông Hiroshi Sasaki - Thứ trưởng, kiêm Giám đốc Học viện Hành chính địa phương, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, cùng dự và phát biểu chào mừng Hội thảo quốc tế.
Các đại biểu chủ trì Lễ khai mạc Hội thảo quốc tế.

Tham dự Lễ khai mạc Hội thảo quốc tế có ông Yuichiro Tabuchi - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Kazunori Amari - Giám đốc điều hành Hội đồng chính quyền địa phương Nhật Bản về quan hệ quốc tế, Văn phòng tại Singapore (J.CLAIR Singapore), bà Nozomi Iwata - đại diện cấp cao Văn phòng đại diện Cơ quan Hợp tác Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), đại diện một số địa phương của Nhật Bản. Về phía Việt Nam có ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, ông Trần Lưu Trung - Q. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,  ông Trần Hữu Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ Việt Nam; đại diện lãnh đạo và công chức một số đơn vị thuộc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam - ông Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế Chia sẻ kinh nghiệm hành chính địa phương Việt Nam – Nhật Bản 2019 với chủ đề: Cơ chế bầu cử, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản - ông Hiroshi Sasaki phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thảo.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, chính quyền địa phương có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mọi mặt kinh tế, xã hội đối với mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn lãnh thổ, đảm bảo việc thi hành pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng. Trong bộ máy quản lý nhà nước của chính quyền địa phương thì đội ngũ cán bộ công chức là lực lượng quan trọng vận hành cỗ máy hành chính nhà nước, giúp guồng máy hành chính hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Các đại biểu và diễn giả tham dự Hội thảo.
 
Do đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền địa phương cũng như hoàn thiện cơ chế hình thành, tuyển dụng, sử dụng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến chất lượng của nền hành chính, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương . 

Hội thảo quốc tế lần này để tìm ra những hạt nhân hợp lý và vận dụng cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của quốc gia mình, việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các quốc gia là hết sức cần thiết.


Thông qua chia sẻ các vấn đề lý luận, thực tiễn về cơ chế hình thành, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền địa phương hai nước Việt Nam - Nhật Bản, tạo ra cơ hội trao đổi thông tin, quan điểm, phương pháp quản lý cũng như kinh nghiệm xây dựng, phát triển một đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của nền hành chính quốc gia trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Trên cơ sở đó các nhà nghiên cứu, nhà quản lý của Việt Nam có thể có một cái nhìn mới, một cách tiếp cận mới cũng như đánh giá khả năng áp dụng mô hình, kinh nghiệm của nước bạn trong việc xây dựng, phát triển một đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng cao, góp phần vận hành bộ máy hành chính địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

Các đại biểu dự Hội thảo quốc tế chụp ảnh lưu niệm sau Lễ khai mạc.

Trong hai ngày diễn ra Hội thảo quốc tế, các học giả, nhà quản lý, nhà nghiên cứu của Nhật Bản và Việt Nam đã trình bày tham luận liên quan đến các vấn đề của quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn điều hành, quản lý của mỗi nước, thống nhất quan điểm trên những khía cạnh có tính tương đồng cao của Nhật Bản và Việt Nam về mục tiêu hướng tới phục vụ và đáp ứng yêu cầu người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội song hành cùng quá trình tinh gọn bộ máy.

Ông Hiroshi Sasaki - Thứ trưởng, kiêm Giám đốc Học viện Hành chính địa phương, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, trình bày tham luận.

Tham luận "Khái quát về nền hành chính địa phương Nhật Bản" được Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, ông Hiroshi Sasaki, trình bày đã mang tới những thông tin tổng quan và hữu ích về: Hệ thống tự trị địa phương và hệ thống thành phố được chỉ định, cũng như hệ thống thành phố hạt nhân tại Nhật Bản; Phân chia quản lý hành chính giữa trung ương và địa phương; Sự khác biệt chính giữa thành phố và huyện, thị xã về điều kiện và quản lý hành chính; Các tiêu chí xác định thành phố chỉ định và thành phố hạt nhân; Các lợi thế và ưu đãi của việc chuyển đổi sang thành phố chỉ định, thành phố hạt nhân; Khái quát về hệ thống thành phố hạt nhân tại Nhật Bản.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và Thứ trưởng Hiroshi Sasaki nghe các diễn giả trình bày tham luận.

Đại diện cho các thành phố hạt nhân tại Nhật Bản, ông Takahiro Orihara - Trưởng phòng về các vấn đề chung, Trung tâm Y tế, Chính quyền thành phố Kawaguchi, trình bày tham luận "Kawaguchi - thành phố đáng sống", trong đó nhấn mạnh tới vị trí địa lý của thành phố liền kề với thủ đô Tokyo, với quy mô dân số hơn 603 nghìn người (2019) trong đó có 2% là người nước ngoài. Người Việt là cộng đồng dân cư có quy mô lớn thứ 2 tại Kawaguchi, với hơn 3.300 người (số liệu năm 2019), trong đó có 1.778 thực tập sinh. 

Ông Takahiro Orihara trình bày tham luận "Kawaguchi - thành phố đáng sống".

Kể từ tháng 4/2018, Kawaguchi được chuyển sang thành phố hạt nhân, tiếp nhận các công việc được chuyển giao từ tỉnh với tổng cộng 2.209 nghiệp vụ trên các lĩnh vực hành chính như: dân sinh (phúc lợi), y tế, vệ sinh, môi trường, quy hoạch đô thị, xây dựng, văn hóa, giáo dục. Để đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố hạt nhân, Kawaguchi đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung vào thiết lập nền tảng tài chính bền vững, thực hiện quản trị hiệu quả tài sản công, thiết lập hệ thống hành chính mạnh mẽ đáp ứng chính xác nhu cầu của công dân và thúc đẩy quản trị hành chính sử dụng trí tuệ của khu vực tư nhân. Tham luận của ông Takahiro Orihara cũng đề cập sâu tới chế độ công chức địa phương tại Nhật Bản, quy trình tuyển dụng công chức, các hình thức và đối tượng đào tạo, đánh giá công chức.


Tham luận về "Đảm bảo và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh để sáng tạo ra tỉnh Kumamoto mới", do ông Masayuki Kohara - Trưởng phòng Phòng Nhân sự, Sở Các vấn đề chung, Chính quyền Tỉnh Kumamoto, đã đưa tới những thông tin hữu ích mang tính nghiệp vụ cao, cung cấp góc nhìn toàn diện về công tác quản lý hành chính ở cấp chính quyền địa phương tại Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh tới các vấn đề, như: việc làm, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nhân viên định kỳ của chính quyền thành phố Kumamoto.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng trình bày tham luận tại Hội thảo.

Về phía Việt Nam, các chuyên gia và cơ quan quản lý đã nêu lên những vấn đề lý luận cơ bản cũng như các quy định pháp luật về cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền địa phương ở Việt Nam, với 05 tham luận do các diễn giả: ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) trình bày về "Các vấn đề cơ bản trong việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp"; bà Lê Minh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) trình bày chủ đề "Tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ công chức của chính quyền địa phương"; bà Đào Thị Hồng Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế (Bộ Nội vụ) trình bày tham luận về "Biên chế của chính quyền địa phương"; ông Lâm Hùng Tấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, với tham luận "Thực tiễn và một số giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo"; ông Trần Hữu Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, với tham luận về "Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với đội ngũ cán bộ của chính quyền địa phương".

Đại biểu Nhật Bản giơ tay đặt câu hỏi trong phiên thảo luận.

Hội thảo đã dành thời gian sau mỗi phần trình bày của từng diễn giả và dành phần lớn thời gian của ngày làm việc thứ hai để thảo luận về những vấn đề được các đại biểu tham dự quan tâm, tích cực đặt câu hỏi để các diễn giả Việt Nam và Nhật Bản trực tiếp giải đáp, cung cấp thông tin bổ sung.

Ông Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam, phát biểu bế mạc Hội thảo.

Ngày 30/8, phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam, đánh giá các tham luận tại Hội thảo đã đưa ra các vấn đề lý luận cũng như thực tiễn đa dạng, phong phú của các tỉnh, thành phố của cả hai nước; các đại biểu có tinh thần trách nhiệm cao, đã trao đổi, thảo luận và thu nhận được nhiều thông tin, kinh nghiệm bổ ích về cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực của chính quyền địa phương Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã đề cập đến nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn phong phú về cách thức tổ chức, quản trị chính quyền địa phương cũng như các biện pháp thu hút, đào tạo, quản trị nguồn nhân lực của chính quyền địa phương Nhật Bản, đó cũng là những vấn đề luôn luôn tồn tại và cần phải giải quyết ở những góc độ khác nhau tại mỗi quốc gia, tạo ra cơ hội so sánh những điểm tương đồng và khác biệt, từ đó có thể tìm ra những điểm hợp lý, tích cực để vận dụng ở quốc gia mình.

Các đại biểu Nhật Bản dự Hội thảo.

Với thành công của Hội thảo lần này, Thứ trưởng Triệu Văn Cường tin tưởng, trong tương lai Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản sẽ tiếp tục có những cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm, nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và Thứ trưởng Hiroshi Sasaki cùng các đại biểu xem Triển lãm tài liệu lưu trữ bên lề Hội thảo.

Bên lề Hội thảo quốc tế "Chia sẻ kinh nghiệm Hành chính địa phương Việt Nam - Nhật Bản 2019", Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (trực thuộc Bộ Nội vụ) đã chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức trưng bày "Triển lãm Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản qua tài liệu lưu trữ", đã giúp các đại biểu dự Hội thảo có thêm nhiều thông tin giá trị về mối quan hệ có truyền thống lâu đời và được sử sách của cả hai nước ghi chép lại với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa, thương mại từ thế kỷ thứ VIII cho đến nay.

Nam Phong








Tìm kiếm