BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Giàng A Chống và cái lý của người Mông

15/09/2015 15:00

Với Giàng A Chống, Phó giám đốc Phòng giao dịch huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái, chuyện trở thành cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) như một “cái duyên” để rồi từ đó, anh có thể thắp sáng giấc mơ của những người dân nghèo quê anh.

Từ cơ duyên

Cho đến bây giờ  Trạm Tấu vẫn còn 2 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; đường từ xã tới các bản chủ yếu là đi bộ hoặc chỉ có thể đi được xe máy vào mùa khô. Toàn huyện còn gần một nửa số thôn, bản chưa có điện. Cũng bởi đây là huyện miền núi vùng cao-một trong 62 huyện nghèo của cả nước.

11 xã và 1 thị trấn của Trạm Tấu đều thuộc vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tỷ lệ hộ nghèo 66,3%. Huyện có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó nhiều nhất là dân tộc Mông, chiếm tỷ lệ gần 80%.

 Giàng A Chống đang tuyên truyền cho bà con các dân tộc về chính sách
tín dụng tại buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xóong Pao

Giàng A Chống vẫn không thể quên những ngày tháng khi gia đình anh cũng như các gia đình người Mông khác ở Trạm Tấu luôn trong tình trạng thiếu đói, huyện thường xuyên phải xin trợ cấp gạo cứu đói của Chính phủ. Đại bộ phận người dân ở đây chỉ làm nương, rẫy và chăn nuôi, tự cung, tự cấp, trên một địa hình đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa rét thì kéo dài, thường xuyên sạt lở đất, nhiều khi rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống tới 0°C.

Diện tích đất canh tác của huyện rất ít, chủ yếu là ruộng bậc thang, nhiều nơi chỉ cấy 1 vụ lúa do không có nước. Từ điều kiện kinh tế khó khăn và hiểu biết của người dân còn hạn chế, nên những năm trước đây, việc thất học, bỏ học sớm, hoặc chỉ học hết cấp 1 là rất phổ biến. Thanh niên lớn lên học ít, không có kiến thức rồi cũng lại lấy vợ sớm, sinh nhiều con, cái đói cái nghèo cứ thế đeo đẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thấm cái nỗi khổ đến cùng cực của người nghèo không có cái ăn, Chống hiểu rằng chỉ có kiến thức mới giúp anh, gia đình và đồng bào thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Với suy nghĩ như vậy, nên khi học xong cấp 3, đang làm hợp đồng cho Tòa án huyện, Chống quyết tâm đi học tiếp và thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội năm 1999.

Trong lúc gia đình quá nghèo, tưởng không thể tiếp tục đi học nữa thì Giàng A Chống tiếp cận được Quỹ tín dụng đào tạo. 2 năm đầu vay vốn tại VietinBank chi nhánh Đống Đa và 2 năm cuối tại NHCSXH, Chống đã có được ngày ra trường vào tháng 7/2004.

Là người dân tộc thiểu số tại địa phương, lại được đào tạo cơ bản, nên khi ra trường Chống được nhiều cơ quan của huyện nhận vào công tác và đó cũng là lúc NHCSXH ra đời và đi vào hoạt động. Từng hiểu được giá trị của những đồng vốn chính sách từ việc thụ hưởng nguồn vốn cho vay sinh viên trước đây, Chống ao ước được là cán bộ của ngân hàng này, được mang nguồn vốn giúp đồng bào mình phát triển kinh tế thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Vì vây, Chống đã nộp hồ sơ và được nhận vào làm cán bộ tín dụng tại NHCSXH huyện Trạm Tấu.

Đến ý chí người Mông

Ngày ấy Phòng giao dịch NHCSXH Trạm Tấu mới thành lập, nhận bàn giao dư nợ từ Agribank và Kho bạc Nhà nước huyện là 5,6 tỷ đồng, với số hộ có dư nợ chỉ là hơn 1.000 hộ, chiếm tỷ lệ 27% trên tổng số hộ toàn huyện. 

Cơ sở vật chất thiếu thốn, nợ xấu chiếm tỷ lệ 7,2%, lãi tồn đọng lớn, việc nộp lãi và  trả nợ của hộ vay chưa vào nề nếp, trong khi nhu cầu vay vốn của người dân là rất lớn mà chưa được đáp ứng, khiến những cán bộ ngân hàng như Chống thêm trăn trở.

Sinh ra và lớn lên ở huyện, Chống thấu hiểu những khó khăn, nghèo đói của đồng bào dân tộc, đặc biệt là người dân chưa biết tiếp cận nguồn vốn vay và làm thế nào để sử dụng cho có hiệu quả. Chính vì vậy, Chống đã cùng với cán bộ tín dụng Phòng giao dịch thường xuyên bám bản, bám dân. Lợi thế về ngôn ngữ đã giúp Chống nhanh chóng làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ cho vay của NHCSXH đến dân bản.

Việc này được thực hiện trực tiếp cả trước, trong và sau khi vay vốn, giúp người dân hiểu biết về quyền và nghĩa vụ khi vay vốn để họ quản lý tốt nguồn vốn vay và sử dụng đúng mục đích. Chống cũng không ngừng nghiên cứu, tham mưu cho Ban lãnh đạo Phòng giao dịch trong việc triển khai cho vay và đề xuất nhiều giải pháp tích cực để không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào được vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, xóa đói nghèo.

Ví như việc  phối hợp với các Hội đoàn thể làm ủy thác, UBND các xã bám sát các chương trình phát triển kinh tế của huyện để đầu tư vốn, định hướng đầu tư vốn cho đồng bào, thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay. 

Cùng với chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của huyện ủy, HĐND, UBND huyện Trạm Tấu, đến nay Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu đã có tổng dư nợ đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 17 lần so với khi mới thành lập với 4.350 hộ dư nợ, chiếm hơn 80% số hộ trên địa bàn, tăng 53% so với khi thành lập; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,2% trên tổng dư nợ, giảm 7% so với năm 2003.

Vốn tín dụng đã phủ khắp các thôn bản, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân từ 4% đến 5%/năm, số hộ phải nhận gạo cứu đói đã giảm đi rất nhiều, tỷ lệ học sinh học hết cấp 3 tiếp tục theo học chuyên nghiệp đã tăng lên rõ rệt.

Hoạt động NHCSXH được đồng bào nghèo trên quê hương Trạm Tấu đón nhận, NHCSXH đã thực sự trở thành người bạn gần gũi, đồng hành, chia sẻ với cuộc sống của đồng bào nghèo vùng cao Trạm Tấu mà nói như cái lý của người Mông là “Ưng cái bụng mình lắm rồi”. Đây cũng là đích đến mà Giàng A Chống luôn đặt ra trong mỗi hoạt động tín dụng chính sách.

Gia đình Giàng A Chống là một điển hình về hiệu quả của dòng vốn NHCSXH. Không chỉ có Chống được vay mà còn cả 3 em của Chống đều được vay vốn đi học theo chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn và đều đã trưởng thành. Hiện 1 người làm Phó giám đốc Bệnh viện huyện Trạm Tấu, 1 người là Công an huyện Trạm Tấu, 1 em đang theo học Đại học Việt Hưng.

Bài và ảnh: Nhất Thanh

Tìm kiếm