Bộ quần áo comple được may từ tấm vải do chị Phùng Thị Kiên, cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Hoà Vang (Đà Nẵng) tặng hơn 10 năm trước đã cũ và lỗi thời, nhưng Phó thống đốc Đào Minh Tú vẫn trân trọng dành cho nó một vị trí dễ thấy trong tủ. Để rồi thỉnh thoảng ông lại mang ra mặc như một cách để nhớ về chị. Đó là một trong những cán bộ tín dụng đã âm thầm lặng lẽ lao động, đem đồng vốn đến với từng con người, từng số phận, góp phần giúp họ thay đổi cuộc đời, tô thêm những nét hồng cho cuộc sống …
Với anh Nhẫn (thứ 3 từ phải sang), chị Kiên như người chị trong nhà
Đối với Phó thống đốc Tú, người nữ cán bộ tín dụng ấy đã gây ấn tượng với ông, không chỉ bởi chị là một trong số ít những cán bộ ngân hàng hồi bấy giờ, được lên nhận Bằng khen của Thống đốc với những giọt nước mắt xúc động lăn dài trên gò má, mà hơn thế, đó là sự cảm phục, trân trọng về nghị lực và tình yêu thương mà chị đã dành cho những “khách hàng đặc biệt”. Họ là những tù nhân với những tính cách, những thân phận cũng hết sức đặc biệt, vừa được ra trại nơi mảnh đất Quảng Nam. Thậm chí, không ít người trong số họ là những người đàn ông bặm trợn, xăm trổ đầy mình, đi tù như cơm bữa…
Thân gái mong manh, song chị Kiên đã vượt qua định kiến và nỗi e ngại khi tiếp xúc và làm việc để tìm ra phương thức giúp họ có cơ hội thoát nghèo, đổi đời, hoà nhập với cộng đồng xã hội…
Lần theo lời kể của Phó thống đốc Tú, tôi tìm về Đà Nẵng để gặp lại người nữ cán bộ tín dụng năm xưa… Những mong được yết kiến một con người mà mới chỉ nghe kể thôi đã làm cho tôi thầm thán phục, ngưỡng mộ. Quả không uổng công, khi tới Agribank Đà Nẵng, vừa nhắc đến tên chị, Phó giám đốc Đoàn Phúc đã nhiệt tình đưa chúng tôi đến nhà chị.
Ngôi nhà ở vùng ngoại ô, nằm sát dưới chân cầu vượt Hoà Cầm. Vẫn tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán như hồi còn công tác. Sau màn chào hỏi thân tình, biết ý định của chúng tôi muốn tìm lại những “khách hàng đặc biệt” mà chị từng nỗ lực giúp đỡ, chị ngần ngại một lát rồi gật đầu đồng ý. Mặc dù đã hơn 20 năm, nhưng với chị tất cả như chỉ mới đây thôi. Rất nhiều khách hàng của chị giờ đã trở thành những người bạn hữu, người anh em thân tình như người trong nhà, để rồi không chỉ có họ đến thăm chị mà thi thoảng chị lại lên xe một mình về thăm họ.
Trong câu chuyện, chị không giấu nổi vẻ tự hào, khi hầu hết khách hàng năm xưa, nay đều trở thành những người lương thiện, biết chí thú làm ăn, đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm. Nói rồi, chị chỉ đường dẫn chúng tôi đến nhà anh Bùi Đức Quý, từng là một tay anh chị có “số má” ở khu vực cánh bắc Hoà Vang. Dù đang tất bật lo cho tiệm làm tóc ở chợ Hoà Liên, nhưng nghe tin chị đến, hai vợ chồng tất tưởi bỏ dở công việc chạy ào về.
Anh Quý kể, hồi năm 1999, khi mới ra tù, đi đâu anh cũng nhận được cái nhìn đầy ngờ vực, thiếu thiện cảm. Mặc cảm, tự ti, đang định quay lại đường cũ thì chị tìm đến. Vốn tính quyết liệt, chị hỏi thẳng: Sao, bây giờ có muốn vay vốn làm người lương thiện không? Rồi chị quyết tâm giúp đỡ, làm các thủ tục, hồ sơ, cho gia đình anh vay 10 triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ đối với hoàn cảnh của anh Quý lúc bấy giờ.
Từ những đồng vốn quý báu ban đầu ấy, anh Quý đã đầu tư đào ao, nuôi cá… cuộc sống gia đình dần được vực dậy. Anh Quý đoạn tuyệt hẳn với con đường cũ, chí thú làm ăn. Năm 2009, gia đình anh xây cất được một ngôi nhà ở gần trung tâm xã, thuận tiện hơn cho công việc làm ăn buôn bán, anh chuyển sang nghề làm tóc như hiện nay. Từ sự giúp đỡ của chị Kiên, anh Quý đã trở thành tấm gương sáng, nghị lực vươn lên, làm lại cuộc đời cho những người từng sa chân, lạc bước… Chia tay chị, người đàn ông trông rất góc cạnh ấy rơm rớm nước mắt. Tôi hiểu, đó là tình cảm chất chứa từ đáy lòng anh mà chị thắp sáng từ sự thương yêu của chính mình.
Rời nhà anh Bùi Đức Quý, ngược lên theo hướng Bà Nà, chị tiếp tục đưa chúng tôi đến trang trại của gia đình anh Đỗ Văn Nhẫn ở xã Hoà Ninh. Anh kể: Năm 2000, từ dưới TP. Đà Nẵng chân ướt, chân ráo lên Hoà Ninh làm trang trại, lập nghiệp, gặp quá nhiều khó khăn tưởng chừng như có lúc anh Nhẫn đã mất hết hy vọng. Đúng lúc, chị Kiên đã tìm đến động viên kịp thời và đưa ra những phương án kinh doanh khả thi khi nhìn thấy những tiềm năng để phát triển trang trại ở nơi đây. Sau đó, Agribank Hoà Vang đã rót vốn để anh Nhẫn đầu tư trồng cây ăn quả như xoài, chôm chôm...
Trời không phụ lòng người, với sự hỗ trợ từ ngân hàng, động viên khích lệ thường xuyên của chị cùng với những quyết tâm của gia đình, anh Nhẫn đã dần vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển trang trại một cách bền vững. Khi đã có của ăn, của để từ những tiền đề có sẵn, anh tiếp tục vay vốn của Agribank để đầu tư trồng cây cọ Mỹ, cùng nhiều loại cây cảnh cao cấp khác, cho thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chị Kiên ngắm lại thành quả của mình ngày nào
Đó chỉ là một trong hàng trăm hộ dân thoát khỏi đói nghèo khi chị làm trưởng chi nhánh ngân hàng Liên xã Hoà Sơn, Ninh Bắc trong 3 năm từ 2001-2004. Nỗi khổ cực của những người dân vùng bán sơn địa ngày ấy không chỉ là nghèo đói mà còn có nhiều người không biết chữ. Thấm cảnh thương tâm ấy, nhiều đêm chị vắt tay lên trán tìm cách giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đặc biệt, với 2 làng dân tộc ở thôn Hoà Bắc, nhiều hộ dân không biết sử dụng đồng vốn thế nào cho hiệu quả, nên ngoài việc tạo điều kiện cho họ vay vốn, chị và đồng nghiệp phải đến từng nhà động viên và bày cho họ cách làm ăn. Sau 3 năm, con số hộ nghèo của xã đã giảm từ 1.002 hộ xuống 345 hộ và không còn hộ đói.
Tiếp quản tín dụng với quá hạn cao 56 triệu đồng/1.456 triệu đồng dư nợ cho vay khiến chị tự hỏi vì sao người nông dân vốn rất sòng phẳng lại nợ nhiều đến vậy. Để rồi khi xuống gần dân, hiểu từng hoàn cảnh, chị dồn sức tìm ra phương thức tháo gỡ.
Với những hộ không có tiền trả nợ vay chị vận động những hộ khá hơn cho mượn để trả nợ ngân hàng sau đó cho vay mới tái sản xuất. Những hộ gặp rủi ro chị đề nghị Ban lãnh đạo vận dụng quy chế ưu đãi để tháo gỡ khó khăn. Thấm cảnh nông dân dù có bám vào củ khoai, cây lúa trên đồng cũng khó thoát khỏi nghèo đói, trong khi nơi đây từng có nghề truyền thống nổi tiếng một thời như: dệt chiếu, đan nát, mộc, chị tìm hiểu và biết tâm tư họ cũng muốn khôi phục làng nghề nhưng thiếu vốn đầu tư.
Chị đã mạnh dạnh đem vấn đề này đề xuất với lãnh đạo địa phương và ngân hàng và được các cấp nhất trí ủng hộ xây dựng làng nghề. Chị gợi ý cho người dân thành lập các tổ vay vốn và lập dự án trình ngân hàng. Làng nghề được khôi phục trở thành nghề sản xuất chính đẩy đói nghèo lùi vào quá khứ. Cuối năm 2000 chị chia tay với địa bàn công tác Hoà Tiến đúng thời điểm xã đón nhận Huân chương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Về lại Đà Nẵng khi phố đã lên đèn. Chị cười mãn nguyện kể lại câu chuyện được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Năm 1964, lúc mới 10 tuổi, vừa từ Quảng Nam - Đà Nẵng ra Hà Nội chuẩn bị theo học ở Trường học sinh miền Nam thì chị cùng với 42 học sinh khác, nhận được thông báo sẽ được gặp Bác Hồ. Ký ức những giây phút được gặp Bác khiến chị không bao giờ quên. Đó là hình ảnh vị Lãnh tụ kính yêu vô cùng ân cần, nhã nhặn. Bác đã quan tâm đến từng chi tiết như hỏi thăm sức khoẻ, việc ăn ở của các học sinh miền Nam mới tập kết ra Bắc. 4 năm sau, khi cả trường sơ tán sang Quế Lâm (Trung Quốc) chị và bạn bè của mình vẫn còn được Người quan tâm gửi quà sang động viên…
Đến bây giờ, chị vẫn luôn nhớ lời Bác dặn: “cháu phải cố gắng ăn thật nhiều để có sức khoẻ, học tập tốt sau này phục vụ nhân dân…”. Lời dặn ấy cứ canh cánh trong lòng chị trong suốt cuộc đời, lao động và cống hiến của chị.
Cho dù giờ đây đã nghỉ hưu, song ngọn lửa nhiệt huyết của chị vẫn tiếp tục được thắp sáng, khi cô con gái đầu lòng đã không ngừng nối nghiệp mẹ xưa, trở thành cán bộ tín dụng năng động, bí thư chi đoàn của Agribank chi nhánh Cẩm Lệ.
Còn với Phó thống đốc Đào Minh Tú, dù bộ quần áo ấy đã nhuốm thêm lớp màu của thời gian, song ông vẫn luôn giữ gìn và trân trọng nó không chỉ để nhớ về chị Kiên, mà còn là một sự tri ân đến lớp lớp các thế hệ cán bộ tín dụng ngành Ngân hàng đã và đang ngày đêm âm thầm lặng lẽ cống hiến không mệt mỏi cho đời.
Tôi chợt nhớ đến câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”…
Bài và ảnh Nghi Lộc