Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Lịch sử vùng đất Quảng Nam trong thời kỳ Cận đại với bao thăng trầm. Song cũng trên miền đất lửa này đã có không ít những con người vĩ đại. Họ đã sống và cống hiến trọn đời mình cho quê hương đất nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong số những con người như thế.
Toàn bộ sự nghiệp và chặng đường hoạt động cách mạng của Huỳnh Thúc Kháng, nhất là trong phong trào Duy Tân, khi ông ra làm Viện trưởng Nhân dân đại biểu Trung kỳ, chủ bút báo Tiếng Dân, cho đến sau này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa… lúc nào ông cũng đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân và dân tộc.
1. Mong là “vị thuốc đắng của đồng bào”
Huỳnh Thúc Kháng sinh vào khoảng tháng 9 năm 1876 (Tự Đức thứ 26 - Bính Tý), tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang, thượng phủ Tam Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Với ý chí nỗ lực, tinh thần hiếu học và sự thông minh vốn có, ông đã nhanh chóng được nhiều người biết đến khi mới 13 tuổi đã biết làm văn, 16 tuổi đã đi thi Hương, 29 tuổi đỗ Tiến sỹ và nổi danh là một trong ba người hay chữ nhất ở kinh đô Huế vào thời kỳ đó.
Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, bản thân ông không phải là một nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu lý luận, có chăng ông chỉ đơn thuần là một nhà văn, nhà cách mạng, một chí sĩ yêu nước “tận trung với nước, tận hiếu với dân” dấn thân mình làm “vị thuốc đắng của nhân dân”.
Trong tư tưởng của vị Bộ trưởng này: Dân là ai ? Họ có vai trò như thế nào? ông chưa bao giờ nói rõ ràng, thế nhưng, dường như mọi công việc ông đã làm đều lấy dân làm gốc và xuất phát từ quyền lợi chính đáng của người dân. Chẳng hạn, trong Tiếng Dân, số 2 ra ngày 13 tháng 8 năm 1927, ông khẳng định: “Dân là đầu mối của nước. Nếu chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây đã bị đóng cửa”. Tiếp đến, trong bài: “Nghĩa chữ dân” trên báo Tiếng Dân số ra vào năm 1928 ông đã viết: “khắp trong thế giới chữ dân đã hiện thành một chữ rất to lớn, nét ngang sổ dọc, đá ngược vác xiên, sáng chói rõ ràng như mặt trăng giữa khoảng không gần tóm cả loài người trên mặt địa cầu thâu vào dưới bóng sáng đó”.
Như vậy, đối với Huỳnh Thúc Kháng quần chúng nhân dân là lực lượng hùng mạnh và to lớn, người làm quan phải do nhân dân bầu chọn, được nhân dân ủy thác, giao phó trách nhiệm làm những công việc chung nhằm phục vụ cho họ. Có lẽ cũng vì vậy, đối với nhân dân ông không phải là một con người huyền thoại hay một chính khách, một Bộ trưởng Bộ Nôi vụ, một Quyền Chủ tịch đứng đầu nhà nước xa rời nhân dân. Thay vào đó, ông chỉ mong mình là một vị thuốc đắng lo cho dân, cho nước.
2. Người bạn ngay của Chính phủ
Bàn về con đường làm quan của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đó là một con đường không dài, bởi lẽ như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”. Cũng vì thế, vào năm 1904, vừa đỗ phó bảng, Huỳnh Thúc Kháng đã từ bỏ quan trường theo 2 người bạn đồng chí hướng nổi tiếng của mình là Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp để cùng tuyên ngôn:
“Hỡi người trí thức kia ơi
Quẳng mũ đi, vứt bút đứng lên
Đừng cam chịu tiếng ươn hèn
Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù”
Quả thật, dù là một trí thức đất Quảng Nam, được liệt kê vào hàng “tứ hổ” của phần đất địa linh nhân kiệt, hai lần đậu thủ khoa trong các kỳ thi hương và thi hội, nhưng ông không chịu làm quan chạy theo danh lợi vì ông đã từng khẳng khái nói rằng: “Cái sở học của ta để hiểu biết và phục vụ dân tộc, chứ không phải phục vụ quan trường. Vì chốn quan trường ngày nay chỉ là phường bát nháo, làm tay sai cho giặc”.
Chỉ đến sau này, khi nước Việt Nam Dân chủ Công hoà thành lập, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm việc, lúc đó, tuy đã hơn 71 tuổi nhưng ông vẫn hăng hái nhận lời và đã làm hết mình phụng sự cho đất nước với một mong muốn là xây dựng một xã hội đại đồng “bất tề” không còn “so le”, đó là một xã hội có sự bình quyền, bình đẳng giữa mọi giai tầng trong xã hội.
Vì thế, có thể thấy, điểm nổi bật trong phong cách làm quan của người Bộ trưởng này, đó là luôn trung thành với Chính phủ, với đất nước, làm quan là vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc, và cho “dù làm bia cười cho muôn lỗ miệng, chính đích cho muôn mũi tên” nhưng ông vẫn cống hiến trọn đời mình cho đất nước./.
Nguồn Internet