|
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp.(Ảnh: TTXVN) |
Phiên họp thứ ba làm việc về các nội dung: Cho ý kiến về Báo cáo hoạt động của Hội đồng bầu cử và các Tiểu ban từ sau phiên họp Hội đồng bầu cử lần thứ hai đến nay và Báo cáo kết quả Hiệp thương lần thứ hai bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Báo cáo Tiến độ triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 do đồng chí Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử cho biết: Theo quy định của pháp luật, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII được ấn định là 500 người. Tính đến 17 giờ ngày 18/3/2011 (là thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ ứng cử) đã có 1149 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII gửi đến Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Trung ương 183 hồ sơ; địa phương 966 hồ sơ).
Từ ngày 20-23/3/2011, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.086 (gồm 183 người ở Trung ương và 903 người ở địa phương, trong số này có 83 người tự ứng cử). Tổng số người ứng cử so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu thì tỷ lệ này là 2,17 người ứng cử trên 01 đại biểu được bầu. Một số địa phương tỷ lệ này đạt cao là Lào Cai và Vĩnh Long 03 người ứng cử trên 01 đại biểu được bầu. Một số địa phương tỷ lệ thấp là Lai Châu, Tây Ninh, Yên Bái 1,7 người ứng cử trên 01 đại biểu được bầu.
Trong số 1086 người ứng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước, về cơ cấu: Phụ nữ 338 người, tỷ lệ 31,12%; dân tộc thiểu số: 172 người, tỷ lệ 12,62%; tôn giáo: 14 người, tỷ lệ 1,28%; ngoài đảng 213 người, tỷ lệ 19,61%. Về trình độ học vấn: Trên đại học: 386 người, tỷ lệ 35,54%; Đại học: 648 người, tỷ lệ 59,66%; dưới Đại học (từ Cao đẳng trở xuống): 52 người, tỷ lệ 4,78%. Về độ tuổi: Người có tuổi cao nhất: 77 tuổi (TP Hà Nội); Người có tuổi thấp nhất: 21 tuổi ( tỉnh Điện Biên); trẻ tuổi có 282 người, tỷ lệ 25,97%.
Trong số 183 người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương, về cơ cấu: Phụ nữ: 21 người, tỷ lệ 11,5%; dân tộc thiểu số 15 người, tỷ lệ 8,2%; tôn giáo: 5 người, tỷ lệ: 2,7%; ngoài đảng: 10 người, tỷ lệ 5,5%. Về trình độ học vấn: Trên Đại học: 116 người (trong đó Tiến sỹ 72 người, Thạc sỹ 44 người), tỷ lệ 63,4%; Đại học 66 người, tỷ lệ 36,06%; Trung học cơ sở : 01 người, tỷ lệ 0,54%. Về độ tuổi: Người có tuổi cao nhất 71 tuổi (sinh năm 1940), Người có tuổi thấp nhất 37 tuổi (sinh năm 1974), trẻ tuổi 3 người, tỷ lệ 1,63%.
Trong số 903 người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương: về cơ cấu: phụ nữ: 317 người, tỷ lệ 35,11%; dân tộc thiểu số 157 người, tỷ lệ 17,39%; tôn giáo 9 người, tỷ lệ 0,33%; ngoài đảng 203 người, tỷ lệ 22,48%; tự ứng cử 83 người, tỷ lệ 7,64%. Về trình độ học vấn: Trên đại học (Tiến sỹ, thạc sỹ): 270 người, tỷ lệ 29,90%; Đại học: 582 người, tỷ lệ 64,45%; dưới đại học (từ cao đẳng trở xuống) 51 người, tỷ lệ 5,64%. Về độ tuổi: Người có tuổi cao nhất: 77 tuổi (TP Hà Nội: Nguyễn Phúc Giác Hải, 29/11/1934); Người có tuổi thấp nhất: 21 tuổi (tỉnh Điện Biên: Lò Thị Hồng, sinh ngày 10/3/1990); trẻ tuổi 279 người, tỷ lệ 30,90%
Nhìn chung, các cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện đúng tinh thần Thông báo số 412-TB/TW ngày 12/1/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; Văn bản 442/UBTVQH 12 ngày 16/02/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIII; Văn bản số 506, 507 CV/ UBTVQH 12 ngày 1/3/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi đến Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở Trung ương và địa phương đã được tổ chức bảo đảm đúng thành phần, thời gian, thủ tục theo quy định. Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình giới thiệu những người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội; bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nới cư trú đối với những người ứng cử. Đến ngày 31/3, các cơ quan Trung ương và địa phương đã lấy xong ý kiến cử tri nới cư trú đối với người cử đại biểu Quốc hội.
Về công tác nhân sự đại biểu HĐND: Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được bầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 3832 đại biểu, cấp huyện là 20.785 đại biểu (thống kê của 62/63 tỉnh, thành phố), cấp xã là 273.433 đại biểu (thống kê của 60/63 tỉnh, thành phố) . Tính đến 17 h ngày 23/3/2011, tất cả những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đã nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử nơi mình ứng cử. Các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã trình Chính phủ phê chuẩn 3832 đại biểu của 1045 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Hiện nay các địa phương đang tiến hành bước 4 của quá trình hiệp thương lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu HĐND. Thời gian hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú theo quy định của pháp luật chậm nhất là ngày 10/4/2011. Theo ước tính của 63/63 tỉnh thành phố, dự kiến thành lập khoảng 93.800 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý trong quá trình chuẩn bị cho công tác bầu cử cần lưu ý tới diễn biến thời tiết để có phướng án ứng phó phù hợp; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong phục vụ công tác bầu cử. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Hội đồng bầu cử cần hướng dẫn kỹ, chi tiết những công việc cần triển khai trong thời gian tới để địa phương thuận tiện trong triển khai thực hiện; triển khai tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trong thời gian diễn ra bầu cử.... Một số ý kiến của các đại biểu nêu lên kiến nghị của một số địa phương tập trung vào các vấn đề như: Đề nghị hướng dẫn việc trang trí điểm bỏ phiếu thống nhất, số lượng hòm phiếu, màu phiếu; đề nghị hướng dẫn Ban bầu cử kiêm nhiệm vụ của Tổ bầu cử; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân; đề nghị bổ sung kinh phí, không quy định thu lệ phí khắc dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử...
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá công tác chuẩn bị cho phiên họp của Hội đồng bầu cử được chuẩn bị tốt. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban Công tác đại biểu tổng hợp để có văn bản kết luận, đánh giá kết quả công tác chuẩn bị bầu cử từ sau phiên họp Hội đồng bầu cử lần thứ hai đến nay. Trong đó, đánh giá tình hình, kết quả của Hội đồng triển khai trong thời gian qua từ Trung ương tới địa phương; nêu rõ những mặt làm tốt, chưa tốt và cách giải quyết những vấn đề đặt ra. Đối với nội dung công việc sắp tới, cần đề cập cụ thể, rõ ràng những công việc cần làm đối với các cơ quan hữu quan, các tiểu ban, các địa phương... để xin ý kiến thành viên Hội đồng bầu cử ban hành văn bản chung trong hướng dẫn chỉ đạo, điều hành.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, trong thời gian vừa qua, các cơ quan hữu quan và các địa phương đã triển khai công việc tích cực, khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng, theo đúng quy trình, pháp luật, dân chủ, thận trọng; tới thời điểm hiện tại không xảy ra điều gì phức tạp, những thiếu sót đã kịp thời xử lý; các bước vừa tiến hành thẳng thắn, trách nhiệm, công khai... Các địa phương đã quyết liệt triển khai theo chỉ đạo của Trung ương; làm tốt công tác tuyên truyền, phản ánh đúng tình hình; công tác hiệp thương lấy ý kiến cử tri đảm bảo dân chủ, thẳng thắn...
Nhấn mạnh thời gian sắp tới là giai đoạn rất quan trọng, công việc cụ thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý các cơ quan hữu quan, địa phương không được lơ là, chủ quan; cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để thể hiện đúng tinh thần của ngày bầu cử, bầu đúng, bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát cần có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, triển khai các đoàn căn cứ vào kế hoạch tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (đợt 2)... tập trung lầm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.../.