|
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh : TTXVN
|
Dự thảo Báo cáo của Hội đồng bầu cử Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII (ĐBQH) và bầu cử đại biểu HĐND (ĐBHĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, do Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên trình bày đã phân tích rõ bối cảnh, đặc điểm của cuộc bầu cử, công tác chuẩn bị bầu cử, kết quả bầu cử. Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Cử tri đi bầu đạt tỷ lệ rất cao ( 99,51% ), khẳng định ý thức chính trị, trách nhiệm công dân và lòng yêu nước của nhân dân, thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của nhà nước. Sự tham gia tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân là yếu tố quan trọng để cuộc bầu cử thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Các bước triển khai công tác bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ.
Công tác chuẩn bị, triển khai cuộc bầu cử đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra. Cuộc bầu cử diễn ra trong tình hình an ninh ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, không có các tình huống bất hường xảy ra. Cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu bầu đủ 500 ĐBQH theo quy định của pháp luật, không có trường hợp phải bầu lại, bầu thêm ĐBQH. Số lượng ĐBHĐND các cấp bầu gần đủ so với số lượng đại biểu đã được phê chuẩn. Trình độ ĐBQH và ĐBHĐND các cấp được nâng lên so với các nhiệm kỳ trước, là điều kiện để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Thành phần, cơ cấu đại biểu cơ bản phù hợp với dự kiến, phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân. Tỷ lệ đại biểu tự ứng cử, tái cử ĐBQH cao hơn nhiệm kỳ trước. Thắng lợi của cuộc bầu cử là tiền đề để tiếp tục, xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kỳ mới. Kết quả đạt được khẳng định chủ trương tổ chức đồng thời bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp trong cùng một ngày là đúng đắn, phù hợp với điều kiện hiện nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, cuộc bầu cử vẫn còn có những hạn chế nhất định như: một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương chậm được ban hành. Quá trình chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội còn có những trường hợp chậm được phát hiện nên xử lý không triệt để dẫn đến điểm nóng trước ngày bầu cử. Có tỉnh hiệp thương chưa đúng dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH; một số chỉ tiêu định hướng về cơ cấu trẻ tuổi, ngoài đảng, đặc biệt là cơ cấu về nữ ở một số địa phương đã không đạt được ngay trong quá trình hiệp thương… Đây là vấn đề cần quan tâm, xem xét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử và công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ để đáp ứng chiến lược, pháp luật về bình đẳng giới.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng bầu cử đánh giá cao thắng lợi của cuộc bầu cử và phân tích kỹ những mặt được, chưa được đồng thời đưa ra những kiến nghị. Đa số các ý kiến của thành viên Hội đồng bầu cử cho rằng cùng với bối cảnh cuộc bầu cử diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa kết thúc thắng lợi, báo cáo cần nhấn mạnh tới đặc điểm nổi bật và rõ nét nhất của cuộc bầu cử lần này đó là lần đầu tiên thực hiện chủ trương của BCH Trung ương Đảng về việc tổ chức đồng thời bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử ĐBHĐND các cấp trong cùng một ngày. Thành công lớn của cuộc bầu cử chính là quyết tâm tổ chức bầu cử vào cùng một ngày. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, cần phải được thể hiện đậm nét trong báo cáo. Nhiều ý kiến của các thành viên Hội đồng bầu cử đề nghị việc sửa đổi, bổ sung các luật về bầu cử cần được tiến hành theo hướng hợp nhất hai luật bầu cử. Trên cơ sở đó quy định thống nhất về trình tự, thủ tục, thời gian và cách thức tiến hành công việc chuẩn bị bầu cử…
Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng đánh giá báo cáo tổng kết được chuẩn bị tốt, bám sát tình hình thực tế. Báo cáo đã có sự phân tích, đánh giá, nhận định có tính tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm và nêu lên những kiến nghị cụ thể.
Tán thành với những nội dung của báo cáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng đề nghị báo cáo cần làm nổi bật ý nghĩa chính trị to lớn của cuộc bầu cử. Diễn ra trong bối cảnh ngay sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng lãnh đạo đã và đang thu được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhưng cuộc bầu cử cũng diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với những biến động phức tạp khó lường của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, kinh tế trong nước gặp những khó khăn; đây là lần đầu tiên tổ chức đồng thời bầu cử ĐBQH và bầu cử ĐBHĐND các cấp trong cùng một ngày, khối lượng công việc lớn, có nhiều điểm mới… Đồng chí nhấn mạnh từ việc phân tích làm rõ hơn về những thuận lợi và thách thức, khó khăn để làm nổi bật được ý nghĩa của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Đề cập về những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, báo cáo đã chỉ rõ những hạn chế của cuộc bầu cử như một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương chậm được ban hành hay chưa chú trọng đúng mức tới công tác tập huấn bầu cử…Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng báo cáo cần đánh giá đúng mức về vai trò chủ động, sáng tạo của địa phương trong cuộc bầu cử; nhấn mạnh tới sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức cuộc bầu cử. Đồng chí khẳng định đây là chủ trương đúng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hợp lòng dân và sẽ tiếp tục được triển khai thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến của các thành viên HĐBC, báo cáo sẽ được hoàn tất để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ nhất sắp tới./.