|
Quốc hội họp tại Hội trường
|
Năm 2012, phấn đấu tăng thu, giảm bội chi xuống dưới 4,8% GDP
Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 là 740.500 tỷ đồng, nếu tính cả 22.400 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2011 chuyển sang năm 2012 thì đạt 762.900 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước là 903.100 tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 140.200 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP; phấn đấu tăng thu để giảm bội chi xuống dưới 4,8% GDP.
Quốc hội cũng giao Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho con người; bảo đảm an sinh xã hội; điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển, nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; khuyến khích, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chặt chẽ thu, chi ngân sách; bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách cho các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thông tin, bảo vệ môi trường, y tế... theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội; giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Nghị quyết Quốc hội chấp thuận đề xuất của Chính phủ: Từ ngày 1-5-2012, thực hiện mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng/ tháng, phụ cấp công vụ 25% cho cán bộ, công chức. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; từng bước chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Quốc hội cũng giao cho Chính phủ đầu tư trở lại không quá 30% số vượt thu so với dự toán thu hàng năm, nhưng dự toán thu phải cao hơn số thực hiện năm trước đối với số thu từ thuế xuất nhập khẩu hàng hóa thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ trên địa bàn cho ngân sách các tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ. Chính phủ dự kiến phương án phân bổ và sử dụng hợp lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, nhưng không quá 200 tỷ đồng/ năm đối với một địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2012 – 2015, theo Đề án đầu tư được Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2012, cho phép phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục quan trọng; xây dựng phương án phân bố cụ thể đối với từng dự án, công trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước ngày 31-1-2012.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường các khoản chi ngân sách nhà nước, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản; vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; quản lý chặt chẽ các khoản chi thường xuyên theo đúng dự toán được phê duyệt.
Ngoài ra, trong năm 2012, chỉ cho phép chuyển nguồn để thực hiện chế độ tiền lương mới; chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính; chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học; giảm chi chuyển nguồn trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Chú trọng trong việc giao đất, giao rừng
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng.
Về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 cần phải đảm bảo diện tích đất cho người nông dân trồng lúa, không nên quy hoạch, phá đất trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp.
Theo đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng), Chính phủ cần kiểm soát lại việc giao đất. Vì thực tế cho thấy, hiện nay, diện tích đất để xây dựng các khu kinh tế thì nhiều, nhưng đất xây dựng trường học thì ít, đặc biệt là các trường học mầm non.
Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cũng cho rằng, cần có giải pháp phân bổ nguồn đất để xây dựng trường học và cần phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương trong việc sử dụng đất.
Đối với Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 -2010, nhiều đại biểu đồng tình Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, diện tích đất trống đồi trọc vẫn còn nhiều, một số nơi tình trạng phá rừng bừa bãi…
Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (đoàn Bình Định) cho rằng: Việc quy hoạch giao đất, giao rừng, còn chậm. Do đó, cần cải tiến việc cấp giấy phép trồng rừng cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để trồng rừng sản xuất.
Cùng quan điểm này, đại biểu Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai), nhấn mạnh: Thực tế ở nhiều địa phương còn bức xúc trong công tác bảo vệ rừng, nạn chặt phá rừng ngày càng nghiêm trọng. Do đó, cần phải điều tra lại hiện trạng rừng, không để tình trạng như hiện nay, là cho phép việc trồng cao su liền vùng hàng 5-7 nghìn ha không phù hợp, không đảm bảo đa dạng sinh học.
Còn theo đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang), Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã đem lại một số kết quả tích cực; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, góp phần bảo vệ sinh thái. Tuy nhiên, còn một số bất cập như: Độ che phủ rừng chưa đạt như mục tiêu đề ra; công tác bảo vệ rừng phân công, phân cấp còn chồng chéo; sử dụng đất lâm nghiệp không hiệu quả còn diễn ra ở nhiều nơi... Vì vậy, tán thành với việc Quốc hội ra nghị quyết dừng triển khai Dự án 5 triệu ha rừng; tán thành phương thức bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2020 theo chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ rừng; có cơ chế, chính sách cho các tỉnh có rừng lớn được thành lập Sở Lâm nghiệp...
Nhiều ý kiến cũng đồng quan điểm, đó là: Làm sao xây dựng phương án bảo vệ rừng chặt chẽ. Việc trồng rừng là phải chắc, trồng tới đâu chắc chắn tới đó. Đồng thời với công tác bảo vệ rừng, phải có chính sách ổn định lương thực cho khu vực miền núi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhà máy thủy điện được xây dựng ở địa phương nào làm nghĩa vụ nộp thuế ở địa phương đó...
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính./.