BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012

14/11/2011 08:47

Chiều 14/11, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012, với tỷ lệ 82,4% số phiếu tán thành.

 các đại biểu qh bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết. (ảnh minh họa)

Các đại biểu QH bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết . (Ảnh minh họa)

Nghị quyết nêu rõ: Tổng số thu cân đối ngân sách trung ương năm 2012 là 493.675 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2012 là 633.875 tỷ đồng, trong đó có 151.633 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (chưa bao gồm khoản 820 tỷ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch và 2.097 tỷ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách cho từng địa phương quy định tại khoản 4 Điều 3 của Nghị quyết này).

Cụ thể, dự toán chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển là 526.132 tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ là 100.000 tỷ đồng; chi phát triển các sự nghiệp KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính là 277.132 tỷ đồng; chi thực hiện cải cách tiền lương là 43.300 tỷ đồng và chi các khoản khác.

Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ triển khai giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách của địa phương, Ngân sách trung ương tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; trên cơ sở các tiêu chí này, Chính phủ rà soát, xây dựng phương án phân bổ 2.097 tỷ đồng vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho từng địa phương, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31/12/2011.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết thấu đáo, triệt để một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở GDĐH, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH, cơ chế, chính sách đối với các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận và vì lợi nhuận hợp lý… Nhiều đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật GDĐH chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa Luật Giáo dục hiện hành (luật chung) và Luật GDĐH (luật chuyên ngành)…

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị trong Luật GDĐH cần quy định chi tiết hơn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các trường đại học. Cần giao quyền tự chủ, nhưng phải thanh kiểm tra giám sát và có chế tài rõ ràng, cụ thể.

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) cho rằng cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo 3 loại hình là công lập, tư thục, 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng Luật chỉ tập trung ưu tiên khối các trường đại học công lập. Theo đại biểu, Ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung trợ cấp tiền cho sinh viên học giỏi ở cả hệ thống các trường công lập và ngoài công lập và cho sinh viên cử tuyển, không nên trợ cấp dàn trải cho sinh viên đại trà, mặt khác số tiền đó nên đầu tư cho phổ cập giáo dục cấp phổ thông.

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng cần phải làm rõ khái niệm “đại học” và “trường đại học”. Mặt khác, nguyên tắc giao quyền tự chủ như trong Luật rất khó thực hiện, điều đó sẽ dẫn đến cơ chế xin cho quyền tự chủ. Do vậy, đại biểu có ý kiến các trường đại học được thành lập trước năm 2000 thì nên giao luôn quyền tự chủ trước khi ra Luật, vì khi Luật GDĐH ra đời, chờ văn bản hướng dẫn thì sẽ lâu, trong khi vấn đề đổi mới đang đòi hỏi cấp bách.

Về Hội đồng trường quy định trong Luật, nhiều đại biểu tại phiên thảo luận đồng tình cần cụ thể hơn cơ cấu, thành phần, chức năng, quy chế hoạt động. Chủ tịch Hội đồng trường không thể là hiệu trưởng vì một trong những chức năng của Hội đồng trường là đánh giá hiệu trưởng trường, như vậy là không khách quan.

Sáng mai 15/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật phòng, chống rửa tiền./.

Theo http://www.dangcongsan.vn
Tìm kiếm