Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị được tổ chức với sự tham dự trực tiếp của 500 đại biểu tại Hội trường ở Hà Nội và trên 1.000 đại biểu là các đồng chí đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, lãnh đạo và chuyên viên Ban tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 72 điểm cầu trong cả nước.
Đoàn chủ tịch Hội nghị (từ trái sang, các đồng chí: Mai Văn Chính - Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương,
Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Phạm Minh Chính - Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, công tác tổ chức, cán bộ, quản lý công chức, viên chức là một vấn đề khó, gắn trực tiếp với con người, với từng môi trường, thực tiễn công tác và đặc thù ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung chưa đồng bộ giữa quy định của Đảng và quy phạm pháp luật của Nhà nước.
Để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã tham mưu, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị một số nội dung quy định về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện, vẫn còn những nội dung chưa thống nhất trong cách hiểu, cách làm, cách phối hợp; dẫn đến còn nhiều địa phương, đơn vị lúng túng.
Xung quanh nội dung của Hội nghị, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã nhận được ý kiến trao đổi, kiến nghị, đề xuất của 63 địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước về những khó khăn, vướng mắc, những nội dung còn chưa thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Vì vậy, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để tiếp tục phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể của mọi cấp mọi ngành, mọi cơ quan đơn vị và toàn thể những người làm công tác tổ chức cán bộ trong toàn hệ thống chính trị cùng nhau trao đổi, giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và thống nhất thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị một cách nhất quán, tổng thể và liên thông.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Để Hội nghị đạt kết quả tốt, ngoài các nội dung kiến nghị, đề xuất đã được giải đáp, Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đại biểu thẳng thắn, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, trao đổi và thảo luận tập trung vào 03 nhóm nội dung:
- Nhóm nội dung công tác tổ chức, cán bộ tập trung các vấn đề: (1) Những bất cập về tổ chức, bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị hiện nay và đề xuất. (2) Phân cấp quản lý cán bộ, những điểm hạn chế, bất hợp lý; giữa Trung ương và địa phương, địa phương và cơ sở còn chưa tổng thể, thống nhất và liên thông; công tác quản lý cán bộ ở trên rộng mà không sâu, ở dưới thì không chủ động được và chưa rõ trách nhiệm, cần đánh giá thêm vấn đề này và đề xuất giải pháp hiệu quả. (3) Việc xây dựng, thẩm định Đề án vị trí việc làm khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội có những khó khăn, vướng mắc, giải pháp để dễ triển khai và đạt hiệu quả. (4) Nội dung sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị - thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện (5) Về công tác quy hoạch cán bộ theo Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24/02/2017 của Ban Tổ chức Trung ương đã chặt chẽ, rõ ràng chưa và cần giải đáp hay hướng dẫn bổ sung gì thêm không?
- Nhóm nội dung liên quan đến công tác tuyển dụng, vị trí việc làm, sử dụng và quản lý công chức, viên chức: Tình hình và khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác tuyển dụng, tổ chức thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; xây dựng vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; đánh giá, kỷ luật, thôi việc…đối với công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua. Đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
- Nhóm nội dung tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: (1) Tình hình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua - những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân. (2) Nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới như các vấn đề liên quan đến xác định và giao chỉ tiêu biên chế; việc giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ nghỉ hưu trước tuổi; việc mở rộng thêm tiêu chí, đối tượng tinh giản biên chế…
Các đại biểu dự Hội nghị đã phát biểu, chia sẻ thêm những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, những mô hình hay và những bài học kinh nghiệm của địa phương, cơ quan, đơn vị để Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ nghiên cứu nhân rộng điển hình trong cả hệ thống chính trị.
Hội nghị đã nhận được gần 300 ý kiến, đề xuất của 50 tỉnh, thành phố và 14 ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương. Hội nghị đã trực tiếp nghe 17 ý kiến, thảo luận sôi nổi, đóng góp có chất lượng, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí đại biểu tại các điểm cầu địa phương và Trung ương. Về cơ bản các ý kiến trao đổi, giải đáp của đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của hai cơ quan Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã phần nào giải đáp, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý đội ngũ công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị sau Hội nghị này các vụ, đơn vị chức năng của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh các văn bản của Hội nghị; đồng thời, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản hiện hành thuộc thẩm quyền tham mưu của hai cơ quan nhằm giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị có căn cứ, cơ sở để thực hiện thuận lợi, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; dồng thời tập trung triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục tham mưu cụ thể hóa Nghị quyết đại hội XII của Đảng để thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; theo dõi, tham mưu thực hiện tốt Kế hoạch số 04 ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng với 14 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, thường xuyên theo nguyên tắc kết hợp giữa xây và chống và mọi lúc, mọi nơi, mọi người đều tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nghiên cứu xây dựng quy định về rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi đảng và hướng dẫn khung nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Hai là, những bất cập, vướng mắc trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác quản lý công chức, viên chức có căn nguyên sâu xa từ việc thực hiện phương thức lãnh đạo của đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên từ hiện trạng của bộ máy hệ thống chính trị, năng lực, phẩm chất, đội ngũ cán bộ các cấp. Vì vậy, cần chung tay góp sức, tham mưu, hiến kế đẩy nhanh tiến độ và xây dựng có chất lượng các đề án mà Trung ương đã giao cho các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt, là đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, xây dựng tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII vào tháng 10/2017 và đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược” đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Ba là, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ mới ban hành về công tác tổ chức, cán bộ, quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 4 hóa trong cải cách hành chính - “Hạt nhân hóa lãnh đạo, chuẩn hóa các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tự động hóa về tổ chức thực hiện”.
Năm là, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ, quản lý công chức, viên chức các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hoàn thành thẩm định và triển khai áp dụng về Đề án vị trí việc làm, quy định cụ thể chức trách, nhiệm vụ từng chức danh cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân. Xây dựng hình ảnh người làm công tác tổ chức, cán bộ, quản lý công chức, viên chức thực sự trong sáng, gương mẫu và tinh thông.
Sáu là, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, tăng cường hợp tác quốc tế tranh thủ các nguồn lực phục vụ công tác tổ chức, cán bộ, quản lý công chức, viên chức. Tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương