Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Chiều nay 7/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân được đông đảo cử tri là công chức, viên chức tại tỉnh Tiền Giang quan tâm.
Nhiều cử tri cho rằng, gần đây việc triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta có nhiều tiến bộ và đang hoàn thiện. Tuy nhiên, ở cơ sở, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập.
Bà Trần Thị Lệ, một cử tri là công chức tại tỉnh Tiền Giang nhận định, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời rất hay, làm rõ nhiều vấn đề về lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên hiện nay, theo bà Lệ nhận thấy còn nhiều cán bộ, công chức được đào tạo nhưng khi thực hiện công vụ chưa đúng chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí chỗ thiếu, chỗ thừa cán bộ. Đặc biệt đối với cán bộ cấp xã, phường, thị trấn(ngoài định biên) chế độ lương, trợ cấp không đủ sống nên chưa thiết tha với công việc.
“Đối với biên chế và chế độ cho cán bộ, giáo viên ở ngành y tế, giáo dục cũng còn hạn chế. Tại nhiều trường học ở Tiền Giang hiện nay, giáo viên ngoài việc đứng lớp về đêm còn phải trực bảo vệ tài sản của nhà trường rất khó khăn. Một số bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện, tỉnh, bác sĩ phải khám đến cả 100 bệnh nhân/ngày, dẫn đến chất lượng điều trị không cao”- Bà Trần Thị Lệ nói.
Theo dõi phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cử tri Phạm Thị Thìn ở phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La bày tỏ đồng tình với câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng đã đi vào trọng tâm vấn đề. Là một cử tri ở tỉnh miền núi, cử tri Thìn thấy nhiều cán bộ ở vùng sâu vùng xa không cần thiết phải có bằng cấp ngoại ngữ vì họ đã có tiếng dân tộc của mình. Vì vậy, cử tri này mong Đảng và Nhà nước có những biện pháp làm sao mà phù hợp với từng nơi, từng vùng miền.
Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ông Trần Huy Vũ ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho rằng, Bộ trưởng đã thẳng thắn nêu lên những bất cập trong những lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ.
Đối với vấn đề yêu cầu các loại văn bằng, chứng chỉ trong thi nâng ngạch của công chức, viên chức, ông Vũ nhận xét, cách làm hiện nay rõ ràng đã không còn phù hợp, vừa rườm rà, rắc rối, vừa không đánh giá đúng năng lực của cán bộ:
“Tôi hoan nghênh việc Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận những bất cập kéo dài hàng chục năm trời về việc đòi hỏi văn bằng, chứng chỉ. Bây giờ văn bằng chứng chỉ người ta có hàng chục cái nhưng có thực chất hay không thì khó mà biết được. Năng lực của người cán bộ không thể chỉ dựa vào đó. Thế nên tôi thấy Bộ trưởng hứa năm 2020 việc đánh giá năng lực cán bộ sẽ đi vào thực chất, bỏ văn bằng chứng chỉ, đánh giá trực tiếp bằng năng lực làm việc thì rất là đáng mừng, mong Bộ trưởng sẽ giữ đúng lới hứa”- Cử tri Trần Huy Vũ nói.
Còn cử tri Hà Trung Thành, quận Bình Thạnh, TPHCM cho rằng, Bộ trưởng đã thẳng thắn khi nhìn nhận việc đánh giá tình hình thực thi công vụ của công chức, viên chức hiện nay còn chung chung, còn nể nang, cảm tính. Ông Thành cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ công chức với tiêu chí hết sức cụ thể để có kết quả sát với thực tế.
Theo cử tri Thành, khi Bộ trưởng nói con số 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì tôi nghĩ rất nhiều người ngỡ ngàng. Nếu thẳng thắn đánh giá con số này không chính xác thì lấy cơ sở nào? Bởi vì các cơ sở đều hoàn thành nhiệm vụ, rất ít nơi có người không hoàn thành nhiệm vụ.
“Chính vì vậy, theo tôi, việc đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức cần có bộ tiêu chí hết sức cụ thể, không định tính nhiều, mà phải định lượng. Lúc đó tôi hy vọng rằng sẽ có những con số sát với thực tiễn hơn. Đồng thời phải dựa vào sự hài lòng của người dân. Khi chúng ta đánh giá một cách rõ ràng thì đó mới là động lực thực sự thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt hơn”- cử tri Hà Trung Thành nói./.