Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Bộ Tài chính đã sắp xếp dành một khoảng ngân sách 38.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân bày tỏ phấn khởi về bức tranh kinh tế xã hội năm 2019 rất đẹp và gam màu rất sáng. Trong đó, nhiều lĩnh vực lập được kỷ lục mới.
Tranh thủ làm sớm
Bộ trưởng chia sẻ “rất mừng là Bộ trưởng Tài chính đã có thông tin sẽ dành một phần ngân sách 38.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương năm 2021".
“Đã có tiền rồi mà thực hiện không xong thể chế thì cũng không cải cách tiền lương được. Cho nên chúng ta phải cố gắng xây dựng, hoàn thiện các quy định cho xong”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Ông cho biết, Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách tiền lương, BHXH do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban đã có kết luận.
“Tôi đề nghị các bộ ngành, địa phương tranh thủ làm sớm để trình Ban Bí thư cho ý kiến vào quý 1/2020 này. Sau khi Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho ý kiến, UB Thường vụ QH ra nghị quyết, Chính phủ ra nghị định, các bộ mới có thông tư hướng dẫn. Cố gắng đến năm 2021 phải xong thể chế để thực hiện cải cách tiền lương”, Bộ trưởng Tân lưu ý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc, năm nay chuẩn bị toàn diện cho cải cách tiền lương nên một núi công việc cần phải làm.
Còn một số đề án lớn đang xin ý kiến Bộ Chính trị, đó là đề án chức danh và chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Ban Tổ chức TƯ chủ trì, Chính phủ phối hợp để xây dựng cùng với đề án vị trí việc làm.
“Từ việc chuyển thang bảng lương cũ sang bảng lương mới còn rất nhiều việc, nếu không quyết liệt, khó mà cải cách tiền lương được vào 2021”, Phó Thủ tướng đốc thúc.
Trả nợ 2 nghị định mà các địa phương mong ngóng
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, năm 2019, Bộ tham mưu cho Chính phủ toàn diện và đồng bộ hàng loạt các văn bản. Trong đó, có nghị định 34 về công chức xã, bình quân mỗi xã giảm 2 người; còn những người hoạt động không chuyên trách xã giảm từ 8-10 người. Tính cả nước số lượng này giảm hàng ngàn người trong năm 2020. Bộ trưởng đề nghị các xã tổ chức triển khai ngay nghị định này.
Về sắp xếp xã, huyện, Bộ trưởng Nội vụ cho biết đã cơ bản hoàn thành trong năm 2019. “Đến giờ Bộ nhận được 41/45 đề án của các tỉnh tỉnh sắp xếp lại huyện, xã; UB Thường vụ QH thông qua 21 tỉnh. Kỳ họp UB Thường vụ QH tới đây trình 20 tỉnh còn lại”, ông Tân nói.
Sau khi nghị quyết của UB Thường vụ QH có hiệu lực, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị trong 60 ngày các địa phương chỉ đạo quyết liệt sắp xếp bộ máy.
Ông cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm tham mưu Thủ tướng thông qua nghị định sửa đổi nghị định 24 và 37 về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện (sở ngành, phòng ban).
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện thể chế.
Trong đó riêng Bộ Nội vụ được giao 13 nghị định tiếp tục sửa đổi bổ sung và triển khai một số đề án QH thông qua. Đây là những việc quan trọng phải làm kịp thời để tháng 7/2020 triển khai các luật, nghị định của Chính phủ.
“Đề nghị các bộ ngành, địa phương góp ý, tạo điều kiện thuận lợi để sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản này”, Bộ trưởng Nội vụ nói.