BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


"Thư khen" tạo động lực cho người được trao tặng

28/05/2022 08:26

"Thư khen" là hình thức khen thưởng nhanh, thủ tục đơn giản, hiệu quả khích lệ lớn, được sử dụng tại nhiều nước để động viên kịp thời cho các em học sinh, tạo động lực lớn cho người được trao tặng.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) đề xuất  tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), ngày 27/5.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Tranh luận làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Điều 9 của dự thảo Luật đã quy định rõ về hình thức khen thưởng, bao gồm Huân chương, Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen.

Cần thường xuyên sử dụng hình thức “thư khen”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị bổ sung thêm hình thức "Thư khen", vì đây là hình thức khen thưởng nhanh, thủ tục đơn giản, hiệu quả khích lệ rất lớn, được sử dụng tại nhiều nước, đặc biệt để động viên kịp thời cho các em học sinh, tạo động lực lớn cho người được trao tặng.

“Ngay tại Quốc hội, nếu trong một kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp nhiều trí tuệ hoặc là đưa ra những sáng kiến hiệu quả mà được Chủ tịch Quốc hội gửi thư khen sẽ là một điều rất trân trọng. Do đó, tôi đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực và thường xuyên sử dụng hình thức khen thưởng này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM).

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhất trí đối với phương án mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) như các đại biểu Quốc hội trước đã phát biểu với những phân tích rất xác đáng.

Liên quan đến hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang quy định tại Khoản 2, Điều 96 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí đồng tình với việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang vào trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đồng tình về quy định về "Thư khen của Thủ tướng, Thư khen của Chủ tịch nước, Thư khen của Chủ tịch Quốc hội" theo ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân và cho rằng, Thư khen của các đồng chí lãnh đạo hết sức cao quý, sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn cho các đối tượng được khen tặng, do vậy nên được bổ sung vào trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật vừa kế thừa, vừa đổi mới

Phát biểu tranh luận, trao đổi lại với ý kiến của một số đại biểu còn băn khoăn về khen thưởng, tổng kết thành tích kháng chiến, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chỉ rõ, tại khoản 2, Điều 96 dự thảo Luật đã quy định rõ thực hiện tặng và truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang đối với thâm niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, có thời gian tại ngũ liên tục 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng”, đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình cũng đề nghị phải bổ sung thêm nội dung trong điều khoản này: “thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Giải trình, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bám sát nguyên tắc, yêu cầu sửa đổi, vừa kế thừa, vừa đổi mới để đảm bảo được tính bao quát toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khoa đại chúng, đúng với tính chất đặc thù của Luật Thi đua, khen thưởng của nước ta.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam).

Đối với một số vấn đề mới nổi lên được đại biểu Quốc hội nêu tại Hội nghị đại biểu chuyên trách và văn bản đề nghị của Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật cũng như các tổ chức thành viên gửi các cơ quan liên quan của Chính phủ và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội về bổ sung đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang tập trung hướng tới đối tượng là biểu diễn và trình bày tác phẩm, mà chưa có đối tượng sáng tác từ năm 1984 đến Luật Thi đua khen thưởng từ năm 2003 đến nay.

Với một tinh thần cầu thị, trách nhiệm, nghiêm túc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng và trân trọng ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua khen thưởng theo hai phương án và Quốc hội đã thảo luận. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu lấy phiếu để đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể.

 

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Tìm kiếm