BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tháo gỡ những khó khăn liên quan đến việc vận hành chính quyền đô thị

24/06/2022 14:39

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với UBND TPHCM chiều ngày 23/6. Buổi làm việc có sự tham dự của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao TPHCM trong 6 tháng vừa qua, dù vừa trải qua đại dịch khốc liệt, nặng nề nhưng đã tập trung khôi phục kinh tế-xã hội với tinh thần 'thần tốc'. Điều mà Bộ trưởng ấn tượng số doanh nghiệp thành lập mới rất cao với trên 27.000 doanh nghiệp để thấy dấu hiệu trong việc khôi phục kinh tế-xã hội của Thành phố là rất rõ.

Điều đáng quý hơn, theo Bộ trưởng, là Thành phố đã tham mưu, đề xuất với Quốc hội để thông qua những dự án mang tính chiến lược, không chỉ mang lại lợi ích cho riêng Thành phố mà còn cho toàn vùng, cho cả nước.

Ngoài ra, trên lĩnh vực của ngành, Bộ trưởng biểu dương Thành phố đã rất nỗ lực triển khai một cách trách nhiệm, nghiêm túc, hết sức cụ thể để thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ 1/7/2021. Mô hình "đô thị trong đô thị" của Thủ Đức từ 1/1/2021 vận hành đến thời điểm này cơ bản là thông suốt.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Thành phố trong việc thực hiện tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, thực hiện việc giảm biên chế, tuy chưa đạt được mục tiêu nhưng đã giảm được một số đầu mối hành chính, một số đơn vị hành chính…

Thành phố đã có hướng để thu hút, trọng dụng cán bộ có năng lực, đảm bảo nhu cầu nên để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh; lấy nền tảng là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nhanh công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Anh Thơ

TPHCM cần có báo cáo đánh giá sơ kết một năm thực hiện chính quyền đô thị

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nêu một số vấn đề mà Thành phố cần lưu ý. Thứ nhất, việc quán triệt và tổ chức thực hiện tinh thần của Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Thành phố chưa thực sự đồng bộ, quyết liệt nên kết quả đạt được chưa tốt.

Quản lý về biên chế của Thành phố cũng chưa thật sự chặt chẽ, một mặt nào đó có sự buông lỏng, dẫn đến có một số biên chế không đúng thẩm quyền, không đúng cơ quan thẩm quyền giao nên có việc chênh số lượng công chức (do Thủ tướng Chính phủ giao) và viên chức (do Bộ Nội vụ thẩm định). Đây đang là vấn đề phải bàn rất kỹ.

Trong quá trình Thành phố thực hiện tham mưu của cơ quan chuyên môn đối với cấp ủy và chính quyền trên lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế cũng như lĩnh vực nội vụ, có mặt chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, chưa đạt yêu cầu mong muốn.

"Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nói chung, Thành phố cần quan tâm một cách sát sao, kỹ lưỡng, chặt chẽ, đặc biệt là phải bám sát quy định của pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật để triển khai công việc đồng bộ toàn diện, hiệu lực, hiệu quả hơn, trước hết là các nội dung có liên quan đến tinh thần Nghị quyết 18", bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thành phố bằng mọi cách phải tháo gỡ những khó khăn liên quan đến việc vận hành chính quyền đô thị. Ngay sau cuộc họp, TPHCM có báo cáo đánh giá sơ kết một năm những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc kèm theo tờ trình báo cáo Chính phủ và báo cáo bộ, ngành có liên quan, trước hết là Bộ Nội vụ những vấn đề đề xuất để cùng nhau giải quyết. Trong đó, vấn đề vướng mắc nhất là phân cấp và phân quyền, liên quan đến vấn đề tài chính, đầu tư, quản lý đất đai và tài nguyên môi trường, tổ chức bộ máy.

Về vấn đề biên chế, công chức, Bộ trưởng đề nghị Thành phố có báo cáo giải trình thật kỹ để gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị, gửi Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ để báo cáo một cách thật cụ thể để giải trình về số biên chế công chức dôi dư so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ tính đến thời điểm năm 2021 và so với số viên chức mà Bộ Nội vụ thẩm định tính đến năm 2021. Từ đó, Thành phố đề xuất phương án, căn cứ thực tiễn để giải quyết.

Thành phố cố tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng để chuyển đổi số gắn mới đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả của cải cách hành chính. "TPHCM không thể đi sau các địa phương về cải cách hành chính mà phải là đầu tàu, đây chính là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương", Bộ trưởng cho hay.

Trong thời gian tới, Thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ, bám sát quy định chung để đẩy mạnh phân cấp phân quyền trên tinh thần Nghị quyết 04 của Chính phủ. Tập trung gấp rút phân cấp, phân quyền cho TP. Thủ Đức, ủy quyền cho các địa phương. Riêng đối với TP. Thủ Đức, phải cố gắng đảm bảo nguyên tắc và vừa bao hàm được những vấn đề cơ bản để phân cấp cho Thủ Đức, để có động lực thúc đẩy phát triển TP. Thủ Đức, là điều kiện kích hoạt sự phát triển không chỉ của riêng TPHCM mà cho các tỉnh phía nam.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn, trên tinh thần rà soát lại để thực hiện đồng bộ và hiệu quả trong thời gian tới.

Về nội dung xây dựng chính quyền đô thị, ông Phan Văn Mãi cho biết, trước đây, TPHCM có 7 năm thực hiện thí điểm nhưng bối cảnh và sự chuẩn bị lúc đó khác. Lần này, Thành phố cũng có sự chuẩn bị nhưng đến thời điểm thực hiện là tháng 7/2021 thì hoàn cảnh lúc đó quá khó khăn, phải tập trung chống dịch cho nên sự chuẩn bị để triển khai chưa được chu đáo. Ngoài ra, việc thành lập TP. Thủ Đức nhưng sự chuẩn bị cơ chế cho hoạt động của thành phố này cũng chưa đầy đủ.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết, ngay đầu năm nay, đã có những bất cập khi thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND ở quận, phường. UBND Thành phố đã tháo gỡ một số việc nhưng khi chủ trương sơ kết một năm thực hiện thì thấy có quá nhiều vấn đề, vậy nên Thành phố phải tập trung nghiên cứu sâu hơn để báo cáo Thành ủy, để Thành ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc này. Hiện Thành phố đang tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố và Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TPHCM. Những vấn đề nảy sinh, bất cấp này sẽ được đưa vào những nghị quyết thay Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54 để có được định hướng chính trị, có khung pháp lý rộng hơn cho Thành phố.

Về vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy biên chế, theo Chủ tịch UBND Thành phố, tinh thần của Thành phố là xin những cơ chế để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Còn về biên chế dôi dư, thì trong tháng 7, Thành phố sẽ đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có những đề xuất để làm sao Thành phố có đủ nhân lục để tổ chức thực hiện nghiệm vụ. Ngoài ra sẽ thực hiện nghiêm các nghị quyết, văn bản liên quan; sẽ phát huy tính tự chủ cũng như cơ chế xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách.

Cuối cùng, về cải cách hành chính, Thành phố xác định để đáp ứng yêu cầu phát triển và đạt được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa. "Hiện đã có chuyển biến nhưng thực sự chúng tôi chưa hài lòng với kết quả của mình và sẽ tập trung cải thiện". Đầu tháng 7, Thành phố sẽ tổ chức hội nghị phân tích để tìm giải pháp cải thiện các chỉ số CPI, PAPI… Thành phố cũng sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công trực tuyến, tăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức mức độ 3, 4.

Một thông tin quan trọng mà ông Mãi đưa ra, đó là Thành phố cũng đang xây dựng và triển khai một nền tảng điều hành kinh tế-xã hội; giao diện giám sát công việc và nền tảng giám sát việc xử lý kiến nghị, đề xuất của người dân và doanh nghiệp. "Chắc chắn những điều này sẽ làm cho công việc thông suốt, hiệu quả hơn, từ dó chỉ số cải cách hành chính sẽ được cải thiện", Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết.

 

Nguồn: tphcm.chinhphu.vn

Tìm kiếm