Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ.
Bắt đầu từ chiều ngày 03/11, Quốc hội dành 2 ngày rưỡi để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra.
Trước thềm phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm nhằm làm rõ các vấn đề đại biểu đặt ra.
Đặc biệt, phải chỉ rõ được trách nhiệm thuộc về ai trong những vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc hoặc thực tiễn đang vướng mắc cần được tháo gỡ nhanh và hiệu quả hơn.
Làm rõ nguyên nhân để tháo gỡ vấn đề tiền lương; công chức, viên chức bỏ việc, thôi việc
Theo Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang), chính sách tiền lương, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, chuyển việc đang là một trong những vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trả lời và đưa ra một số giải pháp.
Vấn đề quan trọng nhất là phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ Nội vụ đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội.
Tất nhiên có nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Nam kỳ vọng, qua chất vấn sẽ giúp Chính phủ, Bộ Nội vụ và cả Quốc hội nhìn nhận rõ hơn những vấn đề căn cốt để có những giải pháp đồng bộ, khả thi với vấn đề này.
Với sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự chung tay, chung sức của toàn xã hội, đại biểu tin rằng sẽ sớm tháo gỡ được vấn đề mà lâu nay chúng ta rất băn khoăn.
Đại biểu Quốc hội kỳ vọng, qua chất vấn sẽ giúp Chính phủ, Bộ Nội vụ và cả Quốc hội nhìn nhận rõ hơn những vấn đề căn cốt để có những giải pháp đồng bộ, khả thi với vấn đề công chức, viên chức thôi việc.
Tinh giản biên chế phải gắn với cải cách tiền lương
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cử tri và người dân đang quan tâm đến việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc tăng lương; tạo điều kiện để cho đội ngũ cán bộ yên tâm trong thực hiện nhiệm vụ ở bối cảnh đất nước vừa trải qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Trong đó có vấn đề về việc tăng biên chế cho ngành giáo dục, y tế... đều rất cấp thiết mà các địa phương đang gặp khó khăn trong tuyển dụng, cũng như sử dụng biên chế hiện có không bảo đảm yêu cầu thực tiễn của công việc.
Cũng như cử tri cả nước, nhiều cử tri tỉnh Hòa Bình gửi đến Đoàn ĐBQH mong muốn có những giải pháp căn cơ, phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số đạt chất lượng, hiệu quả.
Thời gian qua, cử tri và Nhân dân thấy rõ quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản sau các vụ án tham nhũng, tiêu cực hiện còn gặp khó khăn.
Cử tri, đại biểu Quốc hội mong muốn Thanh tra Chính phủ, một số bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng phương thức, cách thức phù hợp, bảo đảm tất cả những tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có đều phải được thu hồi về cho ngân sách nhà nước...
Liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) mong rằng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà sẽ phân tích rõ nguyên nhân sâu xa và thực chất dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong thời gian vừa qua.
Qua đó, tìm giải pháp căn cơ để phát huy cho được nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết tình trạng cán bộ, công chức viên chức nghỉ việc do những khó khăn trong môi trường làm việc, hay chính sách tiền lương chưa thỏa đáng để khuyến khích giữ người tài ở lại khu vực công.
Nguồn: baochinhphu.vn