BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đổi mới phương thức điều hành của Chính phủ trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo

08/04/2020 19:30

Trí tuệ nhân tạo là hệ thống máy móc có khả năng nhận thức, suy đoán và mô phỏng kinh nghiệm ở mức độ cao, có thể giải quyết những công việc phức tạp của con người. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ cũng như quản lý trở thành xu hướng tất yếu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên trọng thể Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 (AI4VN Summit 2019) diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nguồn: egov.chinhphu.vn

1. Khái niệm trí tuệ nhân tạo

Hiện nay, khái niệm “trí tuệ nhân tạo” chưa có sự thống nhất trong các nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cụ thể là: Trong khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo hay AI (Artificial Intelligence) đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên được con người thể hiện. Thông thường, thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” thường được sử dụng để mô tả các máy móc (hoặc máy tính) bắt chước các chức năng “nhận thức” mà con người liên kết với tâm trí con người, như “học tập” và “giải quyết vấn đề”(1).

Có quan niệm cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo là nói đến khả năng của máy móc khi thực hiện các công việc mà con người thường phải xử lý”(2).

Trí tuệ nhân tạo là một hệ thống điều khiển chương trình máy tính nhân tạo phức tạp (bao gồm điện tử ảo, cơ điện tử, điện tử sinh học - cơ học hoặc lai tạp) với kiến trúc chức năng nhận thức và khả năng tính toán của riêng nó hoặc có liên quan (kèm theo) dung lượng và tốc độ cần thiết, sở hữu: 1) Khả năng nhận thức ở mức độ cao; 2) Khả năng cải tiến, hoàn thiện; 3) Khả năng tự thích ứng, tích lũy và tái tạo, mô phỏng kinh nghiệm (trong đó có kinh nghiệm của con người)(3).

Dù được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng bản chất của khái niệm “trí tuệ nhân tạo” là đề cập đến hệ thống máy móc vận hành dựa trên những thuật toán được lập trình, có khả năng nhận thức, suy đoán và mô phỏng kinh nghiệm ở mức độ cao, có thể giải quyết những công việc phức tạp thay con người.

Khái niệm trí tuệ nhân tạo khi được ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ tạo nên một khái niệm mới trong khoa học hành chính, đó là “Chính phủ trí tuệ nhân tạo” (AI-Government). Khái niệm này được công bố lần đầu tiên vào tháng 6/2018 bởi Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (MDI), được phác thảo với những thiết kế cơ bản về cấu trúc, lĩnh vực tác động, nhiệm vụ cũng như một số lưu ý đặc thù. Theo đó, có thể hiểu “Chính phủ trí tuệ nhân tạo, về mặt bản chất, đó là một chính phủ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản trị, điều hành, phát triển đất nước. Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ việc ra quyết định của chính phủ ở các cấp, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công thông minh và tự động hoá để phục vụ tốt cho công dân”(4). Đây là bước phát triển mới, tiên tiến và hiện đại hơn so với khái niệm chính phủ điện tử đã ra đời cách đây khá lâu. Chính phủ điện tử (E-Government) với chức năng chính là sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm cải thiện hiệu quả của các cơ quan thuộc lĩnh vực công. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự “bùng nổ” của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, một chính phủ trí tuệ nhân tạo sẽ còn ưu việt hơn chính phủ điện tử bằng cách áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định đối với các hoạt động chính yếu của khu vực công, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ công, thực hiện nghĩa vụ công dân hay đánh giá cán bộ, công chức.

2. Những lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đổi mới phương thức điều hành của Chính phủ

2.1. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý nội bộ nền hành chính

Một là, trong quản lý thể chế hành chính nhà nước.Trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước, trí tuệ nhân tạo có thể đem lại nhiều lợi ích đối với quá trình điều hành của Chính phủ, bao gồm:

- Tính toán, dự báo khả năng, xác suất và chi phí thực thi liên quan đến các phương án chính sách, các quyết định quản lý.

Mỗi chính sách hay quyết định quản lý được ban hành đều phải dựa trên cơ sở đo lường cụ thể mức độ ảnh hưởng và giải quyết vấn đề thông qua báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Trí tuệ nhân tạo có thể dựa trên các thuật toán để đưa ra những dữ liệu định lượng, từ đó tính toán và dự báo được khả năng, xác suất liên quan đến các phương án chính sách, các quyết định quản lý. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng có thể đo lường được chi phí thực thi, từ đó đánh giá được mức độ hiệu quả của từng phương án đối với xã hội. Trên cơ sở những thông tin này, nhà quản lý có thể đưa ra lựa chọn phương án chính sách và quyết định quản lý một cách tối ưu và khách quan nhất.

- Xây dựng công nghệ nền tảng (Platform) trong lĩnh vực pháp lý.

Platform là công nghệ dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo nên giá trị giữa một bên là người cung ứng (người bán) với một bên là người có nhu cầu (người mua). Mục đích tổng thể của platform là hướng tới sự tương thích hoàn toàn giữa các bên tham gia trong việc kết nối, trao đổi thông tin, hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả các bên tham gia.

Trong quá trình xây dựng thể chế hành chính nhà nước, cụ thể là xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cần sử dụng sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý đối với các lĩnh vực liên quan để đảm bảo cơ sở khoa học cho việc ban hành các văn bản có chứa quy phạm pháp luật. Cùng với tính năng kết nối, trí tuệ nhân tạo sử dụng trong platform của lĩnh vực pháp lý này còn có thể hỗ trợ các bên tham gia lựa chọn đối tác phù hợp một cách nhanh chóng, tọa đàm và trao đổi thông tin học thuật trên môi trường mạng.

- Lưu trữ, hệ thống hóa và pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Trí tuệ nhân tạo có khả năng lưu trữ không giới hạn khối dữ liệu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sắp xếp theo trường chủ đề một cách thông minh và linh hoạt, phục vụ mục đích tìm kiếm và tra cứu ngày càng cao của người sử dụng. Chỉ một thao tác tìm kiếm đơn giản, trí tuệ nhân tạo có thể nhận diện được mục đích, dự đoán được nhu cầu tìm kiếm, sàng lọc và cung cấp cho họ một hệ thống các văn bản và quy định phù hợp.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo còn có khả năng nhận diện được những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, những quy định đã hết hiệu lực thi hành, là cơ sở giúp cơ quan soạn thảo tiến hành tập hợp hóa và pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật một cách hiệu quả. Nói cách khác, có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo trong trợ giúp công tác xây dựng pháp luật, lập trình tạo nên mục tiêu, giúp Chính phủ trí tuệ nhân tạo có khả năng tự động hóa các hành vi thông minh, biết suy nghĩ, lập luận để giải quyết các vấn đề, phát hiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có các điều khoản không tương thích với hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật đã ban hành trước đó. Điều này giúp khắc phục tình trạng văn bản vi hiến, trái luật, từ đó hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế hành chính, xây dựng khung pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý nhà nước nói chung.

Hai là, trong quản lý tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra các bản thiết kế mô hình cấu trúc bộ máy phù hợp dựa trên nguồn lực và dữ liệu đầu vào được cung cấp. Ứng dụng này cho phép Chính phủ lựa chọn và xây dựng được cấu trúc bộ máy của một cơ quan nói riêng và của cả hệ thống hành chính nhà nước nói chung một cách phù hợp và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải có thông tin và dữ liệu đầu vào đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp, nguồn lực của các bộ phận cấu thành.

Bên cạnh đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng hữu ích trong việc thiết kế và phân tích công việc, từ đó tạo nền tảng để xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực phù hợp cho các cơ quan của Chính phủ. Bằng các công cụ và thuật toán lập trình, trí tuệ nhân tạo có thể so sánh, đối chiếu, đánh giá những mô hình tổ chức bộ máy đã có, nhận diện được những điểm chồng chéo, bất hợp lý về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các bộ phận cấu thành - việc mà con người có thể phải mất nhiều thời gian vận hành thử nghiệm mới chỉ ra được. Vì vậy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp  tiết kiệm được nguồn lực vật chất, con người và thời gian cho việc thí điểm các mô hình tổ chức bộ máy trong hệ thống của Chính phủ.

Ba là, trong quản lý nguồn nhân lực khu vực công.

Với những thay đổi công nghệ nhanh chóng diễn ra trong ngành, chức năng quản lý nguồn nhân lực (HR - Human Resources) đã chuyển từ trạng thái bị động, là sản phẩm điều hướng theo chiều dọc trong một tổ chức sang trạng thái chủ động và dần dần điều khiển quá trình. Qua quá trình vận hành, tương tự như các bộ phận khác trong một tổ chức, tự động hóa và các công cụ dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được tích hợp vào chức năng quản lý nguồn nhân lực để mang lại hiệu quả quản lý. Những công cụ này cho phép các nhà quản lý nguồn nhân lực sàng lọc, tuyển dụng, có cơ sở dữ liệu nhân viên tập trung, xác định, lấp đầy khoảng trống đào tạo và phát triển.

Những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại trong chức năng quản lý nguồn nhân lực khu vực công thể hiện qua chuỗi giai đoạn như:

- Tuyển dụng: trí tuệ nhân tạo có thể tổng hợp ngân hàng dữ liệu về những ứng viên đủ tiêu chuẩn tham gia ứng tuyển vào các vị trí việc làm cần tuyển dụng, từ đó cung cấp cho tổ chức tuyển dụng thông tin cơ bản và sơ bộ, sàng lọc tự động bước đầu đối với danh sách các ứng viên dự tuyển. Giải đáp thắc mắc qua công cụ chatbot dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo: ứng dụng này cung cấp tự động các thông tin cần thiết cho các ứng viên (về tổ chức tuyển dụng, yêu cầu khung năng lực của vị trí việc làm, thời hạn và kiểu dạng hợp đồng, mức lương...). Công cụ chatbot còn có thể tiếp nhận các hồ sơ xin việc, sàng lọc ngay tức thời và giới thiệu các vị trí công việc phù hợp với quá trình làm việc và kinh nghiệm của người xin việc. Một số phiên bản chatbot còn biết đặt câu hỏi với ứng viên về kinh nghiệm nghề nghiệp, các phẩm chất của ứng viên và thậm chí còn thực hiện được cả bài trắc nghiệm về tính cách. Dựa trên các bài trắc nghiệm đó, chatbot sẽ chấm điểm ứng viên để các bộ phận tiếp theo có cơ sở tính toán và đưa ra sự chọn lựa.

Thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ nhân sự và thủ tục tuyển chọn, giảm bớt gánh nặng cho tổ chức tuyển dụng. Các giải pháp trí tuệ nhân tạo sẽ đảm nhận các nhiệm vụ thủ công mang tính chất đơn giản, lặp lại, từ đó cho phép bộ phận nhân sự hoạt động hiệu quả hơn, có thời gian nghiên cứu xây dựng các chính sách và quy định, thay vì phải sàng lọc thủ công hồ sơ ứng viên.

- Sử dụng: dựa trên dữ liệu đã có về ứng viên được tuyển dụng, trí tuệ nhân tạo có thể đối chiếu với yêu cầu khung năng lực của từng vị trí việc làm, để đưa ra những gợi ý về bố trí, sử dụng nhân sự sao cho phù hợp và hiệu quả.

- Đánh giá: việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp loại bỏ sự thiên vị trong các khâu liên quan đến nhân sự, đặc biệt là khâu đánh giá. Vì con người đều có những thành kiến vô thức, điều này có thể trở thành một điểm yếu trong việc xác định và đánh giá năng lực. Các công cụ trí tuệ nhân tạo có khả năng loại bỏ những yếu tố thành kiến, thiên vị, giúp đánh giá khách quan trên cơ sở những dữ liệu và thông số cụ thể.

- Đào tạo, phát triển: giải pháp trí tuệ nhân tạo có thể phân tích dữ liệu về quá trình, hành vi học tập, kiến thức của người học trong quá trình đào tạo, để đề xuất lộ trình học tập phù hợp với năng lực và vị trí việc làm của từng người.

Bên cạnh đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể phát triển các chức năng quản lý hoạt động dạy và học cho các cơ sở đào tạo, đổi mới phương thức học tập sang hình thức trực truyến, học từ xa phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người học.

Bốn là, trong quản lý tài chính công.

Trong lĩnh vực quản lý tài chính công, trí tuệ nhân tạo có thể được ứng dụng một cách phổ biến nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động: tổng hợp, phân tích thông tin tài chính; giải đáp chính sách tài chính; phân tích rủi ro và dự báo biến động tài chính; đánh giá đề xuất tài chính hồ sơ dự thầu; kê khai thuế tự động và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý thuế.

Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý tài chính, Chính phủ đã bước đầu ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của cách mạng công nghiệp lần thứ tư gồm: công nghệ di động (mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (analytics), công nghệ điện toán đám mây (cloud) và công nghệ bảo mật (security) trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị công. Đây cũng là giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận.

2.2. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý xã hội

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ trí tuệ nhân tạo là hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và người dân. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo đang trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng quản lý trên mọi lĩnh vực.

Một là, trong lĩnh vực quản lý giao thông đô thị: việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng mang lại nhiều kết quả khả quan trong công tác đổi mới điều hành. Điển hình như Trung tâm điều hành giao thông thông minh ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, việc sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo trong quản lý đáp ứng được bốn chức năng chính là: giám sát giao thông; điều khiển đèn tín hiệu; cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm. Việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu hệ thống camera giám sát giao thông giúp các đơn vị chức năng chủ động xử lý các vấn đề liên quan đến giao thông trên địa bàn thành phố. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo quản lý, điều hành trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông, thông qua việc thu thập đầy đủ các dữ kiện giao thông, phân tích các hành vi giao thông, dự báo các sự kiện giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp. Ngoài mạng lưới camera, hệ thống đo đếm lưu lượng cũng được lắp đặt tại 118 vị trí, có thể tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ phương tiện và tự động đưa ra những cảnh báo. Hiện tại, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông, góp phần định hướng xây dựng các chính sách cũng như kế hoạch quản lý(5).

Một số địa phương cũng đang thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý phí đỗ xe ô tô, thông qua giám sát và xác định thông tin các xe đang đỗ một cách tự động tại khu vực bãi đỗ xe thí điểm. Hệ thống camera giám sát ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp xây dựng giải pháp giám sát và xác định thông tin về các xe đang đỗ, các ô đỗ còn trống một cách tự động ở khu vực bãi đỗ xe thí điểm; đồng thời còn giả lập về hệ thống tính toán thời gian đỗ xe, trừ tiền đỗ xe vào tài khoản giả định của khách hàng.

Hai là, trong lĩnh vực quản lý dân cư: giải pháp trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trên nền tảng dữ liệu lớn (big data) nhằm xây dựng hệ thống mã số định danh đối với mỗi công dân, làm cơ sở để chấm điểm tín nhiệm xã hội. Trong đó, mọi hành động của con người được ghi lại và tính điểm, giúp định vị mỗi người là ai trong xã hội. Mọi dữ liệu hành vi đều được quan sát và đánh giá, tạo ra cảm giác tất cả đều đang hướng đến sự minh bạch. Ở Trung Quốc, hệ thống đánh giá tín nhiệm công dân đã được triển khai thí điểm tại nhiều đô thị lớn. Hai trăm triệu camera công cộng được triển khai để giám sát hơn 1,4 tỉ dân. Hành vi của mỗi người được chấm trên thang điểm 950 điểm, cho biết mức độ tín nhiệm của mỗi người trong xã hội. Mọi sở thích, thái độ, hành vi mua sắm, kể cả những thông tin cá nhân được ghi lại, phân tích và cung cấp cho Chính phủ, trên cơ sở đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo tiến hành tổng hợp và đánh giá điểm tín nhiệm công dân. Bên cạnh việc nhận diện khuôn mặt, các ứng dụng trên điện thoại di động cũng được sử dụng để thu thập dữ liệu và hành vi trực tuyến của người dân, làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá, nhận diện vị trí và chấm điểm tín nhiệm của công dân trong xã hội. Những người có điểm tín nhiệm xã hội cao được ưu tiên trong việc tiếp nhận những đãi ngộ tốt về dịch vụ thương mại, dịch vụ công cũng như phúc lợi xã hội. Ngược lại, những người có điểm tín nhiệm thấp sẽ bị kiểm soát về mặt an ninh hoặc hạn chế trong việc tiếp cận phúc lợi và chính sách xã hội.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Trung tâm quốc gia giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng. Trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc nhận diện thông tin, Trung tâm này có thể đọc và tiếp nhận, phân tích, đánh giá, phân loại khoảng 100 triệu tin mỗi ngày, từ đó tạo nền tảng dữ liệu để định vị, nhận biết sớm các luồng thông tin, dư luận xã hội cơ bản, làm cơ sở cho việc kết nối, tạo sự đồng thuận giữa Chính phủ với người dân và là cơ sở cho việc quản lý xã hội một cách hiệu quả.

Ba là, trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ hành chính công: đóng vai trò đầu não của Chính phủ trí tuệ nhân tạo là Trung tâm dữ liệu và ra quyết định quốc gia (National Decision making and Data Center - NDMD), nơi thu thập, lưu trữ, phân tích và áp dụng một lượng lớn dữ liệu liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ công và đánh giá những chương trình công hay cán bộ, công chức. “Trung tâm này không thay thế cho quyền quản trị hay quy trình ra quyết định của con người, NDMD chỉ hướng dẫn và đưa ra thông báo, đồng thời đưa ra cơ sở khách quan trên nền tảng các thông tin định lượng cho việc cung cấp và đánh giá dịch vụ công. NDMD liên kết và thu thập dữ liệu từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, cơ sở giáo dục, y tế và các đơn vị sự nghiệp khác. Nói cách khác, NDMD được sử dụng như một cơ sở cho những chức năng dịch vụ công tự động, là một hệ thống hỗ trợ dựa trên nền tảng rộng rãi đối với việc đưa ra quyết định trong khu vực công. Theo khuyến nghị của MDI, NDMD được đặt tại văn phòng của tổng thống, chủ tịch nước hoặc thủ tướng, tùy vào chế độ chính trị và đặc thù quản lý của từng quốc gia”(6).

3. Một số rào cản đối với việc đổi mới phương thức điều hành của Chính phủ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo

3.1. Về vấn đề đạo đức xã hội

Con người sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý lượng dữ liệu vô cùng lớn và đưa ra kết quả hợp logic nhất. Xã hội luôn hướng đến nền sản xuất chính xác, phức tạp hơn và luôn mơ ước hiện thực hóa cuộc sống theo hướng tự động, tự vận hành, tiết kiệm tối đa thời gian và sức lực.

Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Việc máy móc có thể mô phỏng được trí thông minh và xử lý công việc với hiệu quả tương đương hoặc hơn con người tạo nên những tranh luận gay gắt. Giá trị nhân quyền, đạo đức, cơ hội việc làm của con người có thể bị đe dọa.

Theo S.M.Omundro: “Ngay cả trí tuệ nhân tạo chỉ với khả năng chơi cờ cũng có thể nguy hiểm nếu không đúng khi thiết kế nó. Trí tuệ nhân tạo được thiết kế mà không có bất kỳ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào, có thể bắt đầu chống lại sự tắt máy của chính nó và cố gắng thâm nhập vào các hệ thống công nghệ khác để tạo ra một bản sao của chính nó. Trí tuệ nhân tạo được thiết kế không đúng có thể cố gắng giành quyền kiểm soát tài nguyên mà không cần xem xét sự an toàn của người khác để đạt được mục tiêu mà nó được thiết kế”(7).

Năm 2018, một robot trí tuệ nhân tạo có tên Sophia đã được công nhận là công dân chính thức của Saudi Arabia. Sophia tỏ ra vượt trội khi có thể giao tiếp, đưa ra các quan điểm, liên tục phát triển trí thông minh. Vì vậy, có nhiều lo ngại cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể đe dọa tương lai loài người khi đạt đến mức độ phát triển nào đó. Khi đó, con người khó có thể dự đoán được mục tiêu cũng như kiểm soát được chúng(8).

3.2. Về phương diện pháp luật

“Việc thiếu sự quan tâm của nhà nước đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo như một công nghệ mới đang phát triển nhanh chóng có thể dẫn đến sự xuất hiện của các tranh chấp lớn, các sự cố kỹ thuật quan trọng và thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn”(9). Việc sử dụng và phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra các tình huống gây tranh cãi về mặt pháp lý trong nhiều lĩnh vực, như: xác định tư cách pháp lý của một hệ thống trí tuệ nhân tạo trong những tình huống nó có thể đóng vai trò trung gian của một cá nhân hoặc pháp nhân, tham gia giao dịch và ký kết hợp đồng; trách nhiệm pháp lý (dân sự và hình sự) của các bên tham gia, đặc biệt trong trường hợp có những hành vi gây hậu quả, thiệt hại. Ví dụ, khi sử dụng trí tuệ nhân tạo để phẫu thuật trong y học sẽ đặt ra một câu hỏi là: trong trường hợp mắc lỗi và xảy ra hậu quả, ai sẽ phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại do hành động của trí tuệ nhân tạo gây ra (công ty sản xuất, nhà quản lý bệnh viện, bác sĩ hay trí tuệ nhân tạo…), và mức độ bác sĩ có thể ủy thác các nhiệm vụ liên quan đến chẩn đoán y tế cho hệ thống trí tuệ nhân tạo mà không phải chịu rủi ro gia tăng trách nhiệm nếu hệ thống mắc lỗi; đảm bảo tính bảo mật của thông tin cá nhân (vì dữ liệu cá nhân của một người có khả năng có thể được tiết lộ thông qua các hành vi và quyết định của trí tuệ nhân tạo); cấp phép, chứng nhận chất lượng của hệ thống trí tuệ nhân tạo khi sử dụng chúng để thực hiện các hoạt động.

3.3. Về nguồn nhân lực

Ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang gặp phải những khó khăn liên quan đến nhân lực chất lượng cao. Do đặc thù ngành nghề, ngành công nghiệp này đòi hỏi nguồn lao động có tri thức cao, được đào tạo và tiếp cận công nghệ hiện đại. Vì vậy, tình trạng khan hiếm nhân lực, thiếu chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, thiếu nhà hoạch định chiến lược kinh tế trí tuệ nhân tạo diễn ra ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Có thể nhận thấy thực trạng nhu cầu nhân lực về AI của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tăng cao nhưng số lượng đào tạo chưa đáp ứng được. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động tìm đến các trường đại học để phối hợp đào tạo và tìm nguồn nhân lực.

3.4. Về giải pháp công nghệ

Trí tuệ nhân tạo có thể giúp đẩy nhanh tiến trình tổng hợp, cung cấp thông tin cũng như thay thế con người thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, lặp lại, nhưng cũng cần lưu ý mặt trái của công nghệ, đó là sự thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo, sự cứng nhắc của máy móc trong quá trình giải quyết công việc.

Ví dụ, trí tuệ nhân tạo sử dụng trong lĩnh vực tuyển dụng công chức có thể giúp cơ quan nhà nước sàng lọc hồ sơ ứng viên và giải đáp thắc mắc một cách tự động. Nhưng nó có thể dẫn đến tình trạng thiếu tính đa dạng trong các mẫu ứng viên do sàng lọc theo khuôn mẫu định sẵn, thậm chí dẫn đến tình trạng thiên lệch trong tổng thể ứng viên được chọn. Các thuật toán định khuôn dựa trên những kết hợp ưu việt của trí tuệ nhân tạo có thể để lọt lưới “những viên ngọc quý”, những người có cá tính trong khâu tuyển dụng mà người ta chỉ có thể phát hiện nếu trao đổi trực tiếp giữa người với người.

Mặt khác, sự lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình điều hành và quản lý của Chính phủ cũng có thể dẫn đến sự cứng nhắc, thiếu tính nhân văn, thiếu sự đồng cảm, chia sẻ giữa Chính phủ và người dân. Mối quan hệ hữu ích, tích cực giữa Chính phủ và người dân chỉ có được khi hai bên đồng thuận và có sự tiếp xúc trực tiếp, thấu hiểu. Điều này không thể có được nếu như tất cả các giao dịch đều dựa trên nền tảng máy móc, công nghệ và trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, sự đổi mới và phát triển liên tục của công nghệ có thể vô hình chung sẽ khiến cho trí tuệ nhân tạo nhanh chóng trở thành lạc hậu nếu không có khả năng tự nâng cấp, phát triển.

3.5. Về trình độ dân trí

Để Chính phủ trí tuệ nhân tạo có thể được xây dựng và vận hành, thì một trong những điều kiện tiên quyết là trình độ dân trí phải được cải thiện. Người dân phải được định hướng, chỉ dẫn cụ thể để họ có thể nắm bắt, thích nghi trong một xã hội với tốc độ phát triển khoa học công nghệ như vũ bão như hiện nay, đặc biệt với những nhóm người yếu thế trong xã hội (người cao tuổi, người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo…).

4. Giải pháp đổi mới phương thức điều hành của Chính phủ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo 

4.1. Nhóm giải pháp về thể chế

Một là, xây dựng hệ thống thể chế, hành lang pháp lý liên quan đến việc sản xuất, mua bán, sử dụng, phát triển trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của xã hội nói chung và trong quá trình quản lý, điều hành của Chính phủ nói riêng.

Hai là, từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực, đảm bảo chứng nhận chất lượng cho hệ thống trí tuệ nhân tạo, tạo cơ chế quản lý để hạn chế những thiệt hại do trí tuệ nhân tạo gây ra.

Ba là, áp dụng các cơ chế chịu trách nhiệm liên đới đối với việc sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo không được chứng nhận; xây dựng, thiết lập quy trình phê duyệt hệ thống trí tuệ nhân tạo của cơ quan chuyên ngành có liên quan, quy trình này phải trải qua một số giai đoạn thử nghiệm kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn.

Bốn là, ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai và các ưu đãi khác để khuyến khích thu hút các thành phần tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hoàn thiện chặt chẽ quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.  

4.2. Nhóm giải pháp về nhận thức

Thứ nhất, đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền nhằm tạo khát vọng, nỗ lực cho mọi người Việt Nam cùng xây dựng Chính phủ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó, trọng tâm là nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, đặc điểm của trí tuệ nhân tạo đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ hai, Đảng và Nhà nước cần có chính sách, pháp luật mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm đổi mới phương thức điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý, hướng đến phục vụ người dân, phục vụ xã hội.

Thứ ba, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ để định hướng nguồn lao động chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi về kết cấu việc làm của xã hội trong tương lai, vì khi trí tuệ nhân tạo phát triển, một bộ phận không nhỏ các vị trí việc làm trong xã hội truyền thống sẽ được thay thế bằng những công việc mới đòi hỏi trình độ công nghệ cao.

4.3. Nhóm giải pháp về công nghệ, đào tạo

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các ứng dụng công nghệ và giải pháp về trí tuệ nhân tạo nói chung, trí tuệ nhân tạo sử dụng trong quản lý nhà nước nói riêng.

Hai là, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, áp dụng các mô hình hợp tác công tư (PPP) và các mô hình khác để đầu tư chiều sâu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, hiện đại hóa thiết bị các phòng thí nghiệm, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất trí tuệ nhân tạo.

Ba là, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ về sản xuất, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo, tạo cơ hội “đi tắt đón đầu” những thành tựu về trí tuệ nhân tạo để ứng dụng vào quản lý và điều hành Chính phủ.

Bốn là, khuyến khích mở rộng các ngành, nghề đào tạo về trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học. Xây dựng cơ chế liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để thúc đẩy đào tạo mang tính chất thực tiễn, ứng dụng và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Xây dựng một xã hội học tập thông minh, biết tiếp cận và nắm bắt tri thức để có thể sử dụng những thành tựu của trí tuệ nhân tạo mang lại cho cuộc sống./. 

TS. Đặng Xuân Hoan, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia
TS. Nguyễn Quỳnh Nga, Học viện Hành chính Quốc gia


Nguồn: tcnn.vn


----------------------------------------------

Ghi chú:

(1) “Trí tuệ nhân tạo”, Wikipedia, truy cập ngày 15/10/2019, từ https://vi.wikipedia.org/wiki.
(2) Phạm Thọ Hoàn và Phạm Thị Anh Lê, Giáo trình Trí tuệ nhân tạo, Đại học Sư phạm, H.2011, tr.5.
(3) Ponkin I.V. và Redkina A.I. (2018), “Trí tuệ nhân tạo nhìn từ quan điểm luật pháp”, Bản tin của Đại học Hữu nghị quốc tế Liên bang Nga, số 1, tr. 91-109.
(4), (6) Jason Furman và Nguyễn Anh Tuấn (2018), Chiến lược đột phá kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam, truy cập ngày 13/02/2020, từ https://thoidaiai.net/wp-content/uploads/2018/07/Chien-luoc-dot-pha-AI-cho-Viet-Nam_VN-version.pdf.
(5) Thu Dịu (2019), Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ người dân, truy cập ngày 20/12/2019, từ https://haiquanonline.com.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-phuc-vu-nguoi-dan.
(7) Omohundro, S. M. (2008), The Basic AI Drives, In: Proceedings of the 2008 conference on Artificial General Intelligence 2008, Amsterdam, IOS Press, tr.483-492.
(8) Hoa Hạ (2017), Saudi Arabia - quốc gia đầu tiên trao quyền công dân cho robot, truy cập ngày 20/01/2020, từ https://news.zing.vn/saudi-arabia-quoc-gia-dau-tien-trao-quyen-cong-dan-cho-robot.
(9) Ponkin I.V. và Redkina A.I. (2018), “Trí tuệ nhân tạo nhìn từ quan điểm luật pháp”, Bản tin của Đại học Hữu nghị quốc tế Liên bang Nga, số 1, tr. 91-109.

 

Tìm kiếm