Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo triển khai kế hoạch thực hiện đề án văn hóa công vụ, ngày 19/3/2019. Ảnh minh họa.
Công vụ là hoạt động do đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện trên cơ sở quy định pháp luật nhằm đảm bảo mục tiêu vì lợi ích chung của xã hội và Nhân dân, trong đó Nhà nước đại diện quyền lực của Nhân dân, là chủ thể giữ vai trò có tính quyết định. Đại diện quyền lực nhà nước trong thực thi công vụ là cán bộ, công chức (CBCC) làm việc trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Để đảm bảo thành công, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ CBCC phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đạo đức công vụ là yếu tố đặc biệt quan trọng. Thực tiễn cho thấy, để nâng cao đạo đức công vụ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
1. Đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức
Cần tiếp tục nghiên cứu lý luận về các giá trị đạo đức, đạo đức xã hội, trên cơ sở đó xây dựng khung lý thuyết về đạo đức xã hội, về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các giá trị đó cho đội ngũ CBCC. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trình độ dân trí được nâng cao, cần đa dạng hóa hình thức và nội dung giáo dục đạo đức công vụ cho CBCC; đa chiều về tiếp cận thông tin trên cơ sở định hướng trong nhận thức, thái độ và hành động tích cực. Đề cao vai trò và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ. Trong các khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đạo đức, bên cạnh những kiến thức cơ bản, cần tuyên truyền, giáo dục về những tấm gương yêu nước, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại; kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, rèn luyện kỹ năng. Đồng thời, tích cực tham khảo kinh nghiệm xây dựng đạo đức của các nền công vụ trên thế giới.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
2. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ
Giáo dục đạo đức công vụ cho CBCC được phản ánh trong việc quán triệt quy định của Đảng và Nhà nước làm cơ sở đảm bảo đúng quan điểm, đường lối và căn cứ pháp lý trong thực hành đạo đức công vụ. Hoàn thiện pháp luật về đạo đức công vụ theo hướng nghiên cứu, xem xét để ban hành Luật Đạo đức công vụ. Cụ thể, CBCC khi thực thi công vụ phải tuân thủ các chuẩn mực vừa mang tính đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp vừa phải tuân thủ những quy định pháp luật của Nhà nước trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, trên cơ sở hài hòa giữa quyền, lợi ích của Nhà nước và công dân. Do đó, nguyên tắc pháp luật về đạo đức công vụ phải được xây dựng trên nguyên lý: pháp luật bắt buộc - nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp - nguyên tắc đạo đức xã hội (các quy tắc ứng xử của CBCC trong thực thi công vụ, thể hiện văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng, nêu gương trong ứng xử, giao tiếp xã hội). Trên cơ sở quy chế công vụ và các văn bản quy phạm pháp luật để quán triệt tới CBCC trong thực hành đạo đức công vụ; trước hết cần cụ thể hóa những giá trị đạo đức như cần, kiệm, liêm, chính cho CBCC thành những chuẩn mực cụ thể trong thực thi công vụ. Phát huy dân chủ trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật; có cơ chế tạo điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của đội ngũ CBCC trong bộ máy nhà nước. Trên cơ sở thực tiễn thực thi đạo đức công vụ, từng bước xây dựng hoàn thiện quy chế đánh giá CBCC (quy trình, nội dung đánh giá) sát thực hơn với thực tế theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, có sự tham gia của dư luận xã hội và công dân.
Nghiên cứu, tham khảo mô hình ở một số quốc gia trên thế giới về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại. Tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính nhà nước, từng bước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng nền công vụ phục vụ, lấy thước đo sự hài lòng của người dân làm công cụ, tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ. Triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; rà soát bổ sung, sửa đổi các quy định về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân, doanh nghiệp; kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết, công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về trình tự, thủ tục hành chính nhằm ngăn ngừa một bộ phận CBCC lợi dụng kẽ hở từ những quy định của pháp luật để tiêu cực, sách nhiễu.
3. Đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời, xứng đáng với những cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ
Cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng phù hợp, kịp thời là một trong các yếu tố tạo động lực cho đội ngũ CBCC thực thi công vụ hiệu quả. Thước đo đánh giá đạo đức công vụ là thái độ trong giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa CBCC với lợi ích tập thể, xã hội. Đạo đức công vụ được thể hiện ở một hệ thống các chuẩn mực có vai trò định hướng giá trị trong thực thi công vụ. Hệ thống này cần đảm bảo tính nhất quán giữa các tiêu chuẩn của nền công vụ và chức trách, nhiệm vụ của CBCC. Mặt khác, đạo đức công vụ phải phù hợp với các giá trị đạo đức của dân tộc và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần cải cách chế độ, chính sách tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo trả đúng sức lao động và giá trị cống hiến, tạo động lực thực hiện công vụ nhằm khuyến khích sự tận tâm đối với công việc của CBCC; khen thưởng xứng đáng đối với những CBCC luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tận tụy, trách nhiệm với người dân và với công việc được giao.
Mặt khác, lấy kết quả hoạt động thực thi công vụ làm cơ sở đánh giá năng lực, phẩm chất của CBCC. Trên cơ sở đánh giá đúng năng lực, phẩm chất kết hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo của CBCC để bố trí, sắp xếp công việc, giao nhiệm vụ phù hợp. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, từng cá nhân CBCC, loại bỏ những cơ chế, thủ tục có thể dẫn tới tiêu cực, sách nhiễu Nhân dân nhằm tạo điều kiện cho CBCC có điều kiện cống hiến, phát huy năng lực phục vụ đất nước và Nhân dân. Quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chủ trì và trách nhiệm của các cơ quan phối hợp.
4. Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với cán bộ, công chức về thực hành đạo đức công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của người dân trong công tác giám sát và phản biện xã hội một cách thiết thực đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và đối với CBCC trong thực thi công vụ. Đảm bảo quyền dân chủ cơ sở để Nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và làm rõ thẩm quyền quản lý đối với CBCC ở các cơ quan, đơn vị; xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động công vụ. Đề cao vai trò nêu gương và chịu trách nhiệm đối với lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những CBCC có hành vi vi phạm đạo đức công vụ. Thực hiện công khai hóa quá trình tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đánh giá CBCC, đưa các yếu tố về đạo đức công vụ vào nội dung tuyển dụng và đánh giá kết quả hoạt động. Quy định rõ hơn nữa, cụ thể hơn nữa các hành vi CBCC được làm và không được làm, công khai các lợi ích của họ, đồng thời có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm đạo đức công vụ của CBCC.
5. Thường xuyên giáo dục và nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức
Nội dung giáo dục đạo đức công vụ cần đặt trong mối quan hệ với các hình thái ý thức xã hội có liên quan như giáo dục các giá trị về văn hóa, xã hội, tính nhân văn và phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm đạo đức. Mỗi CBCC cần nêu cao tinh thần tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình trong các cơ quan hành chính nhà nước, qua đó đề cao giá trị đạo đức; ngăn ngừa, hạn chế suy thoái phẩm chất đạo đức và nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ CBCC.
Đạo đức công vụ là những quy tắc trong hoạt động công vụ, có được chuẩn mực đạo đức công vụ sẽ định hướng cho mỗi CBCC cách ứng xử với bản thân, với công việc, với cộng đồng, thông qua việc nhận thức và thực hiện nhiệm vụ được giao. Chuẩn mực đạo đức công vụ là thước đo trách nhiệm của CBCC trong thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, để đảm bảo các nguyên tắc về chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ của CBCC và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện công vụ được giao đúng quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh rà soát quy định hiện hành và nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, góp phần xây dựng đội ngũ CBCC có đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay./.
TS. Dương Thị Thục Anh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nguồn: tcnn.vn