BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Luật Thanh niên năm 2020 - Một đổi mới của pháp luật về vấn đề thanh niên

14/07/2020 11:13

Thanh niên là lực lượng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tới nay đã có 142/196 quốc gia có chính sách riêng về thanh niên và 43/196 quốc gia đã ban hành Luật Thanh niên(1). Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2005 Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật Thanh niên với tư cách là văn bản luật chuyên biệt, quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và thực hiện các chính sách cho thanh niên phát triển.

Hiến pháp năm 2013, ngoài các quyền và nghĩa vụ của thanh niên Việt Nam được xác định với tư cách là công dân, còn nhấn mạnh: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”(2). Việc quy định như vậy cho thấy Nhà nước rất coi trọng vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguyên tắc hiến định, có ý nghĩa nền tảng để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên.  

Qua gần 15 năm thi hành, Luật Thanh niên năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với tình hình nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tại Phiên họp ngày 16/6/2020, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên năm 2020 thay thế Luật Thanh niên năm 2005 với tỷ lệ số phiếu đạt 91,3% và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

1. Đổi mới về tư tưởng trong xây dựng pháp luật về thanh niên

Luật Thanh niên năm 2005 được ban hành trong quá trình thực hiện cho tới nay có nhiều bất cập, chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN, cách mạng công nghiệp 4.0, cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, phong trào khởi nghiệp, hội nhập quốc tế sâu rộng,...

Bên cạnh đó, Luật Thanh niên năm 2005 vẫn còn nhiều quy định chung chung, nặng về “hô khẩu hiệu”, “hình thức”; nhiều quy định chưa tạo điều kiện mạnh mẽ cho thanh niên phát triển; chưa có các chế tài để bảo đảm thực hiện luật; quyền và nghĩa vụ của thanh niên chưa cụ thể, rõ ràng...Đặc biệt, Luật chỉ tập trung vào quy định kêu gọi và khuyến khích trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội, mà không  đề cập đến trách nhiệm, bổn phận của thanh niên đối với bản thân mình, đối với quốc gia, dân tộc. Điều đó cho thấy Luật Thanh niên năm 2005 chưa thể hiện được đầy đủ nhận thức coi thanh niên là rường cột của nước nhà, là mùa xuân của dân tộc, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, xuất phát từ thực trạng của pháp luật về thanh niên và yêu cầu, bối cảnh chung hiện nay, tư tưởng chỉ đạo trong Luật Thanh niên năm 2020 thể hiện ở những điểm sau:  

Một là, Luật Thanh niên năm 2020 không chỉ dừng ở các chính sách của Nhà nước; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên mà còn phải quy định rõ trách nhiệm của thanh niên đối với sự tu dưỡng, rèn luyện và học tập, lập thân, lập nghiệp, đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc. Như Bác Hồ đã từng nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”. Tổng thống Mỹ John F.Kennedy cũng đã nói với thanh niên vào ngày 20/1/1961: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc”.

Hai là, luật hóa vị trí và vai trò tổ chức nòng cốt của thanh niên đã được Hiến pháp năm 2013 quy định, đó là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, là vai trò và trách nhiệm của các tổ chức thanh niên khác trong sự nghiệp phát triển thanh niên. 

Ba là, để đáp ứng yêu cầu phát triển thanh niên trong giai đoạn hiện nay, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên, Luật Thanh niên năm 2020 cần được sửa đổi toàn diện để thay thế cho Luật Thanh niên năm 2005. Đồng thời, quy định rõ các nội dung về quản lý nhà nước đối với thanh niên và trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức, cơ quan trong thực hiện chính sách về thanh niên và phát triển thanh niên.  

2. Những nội dung mới của Luật Thanh niên năm 2020  

Luật Thanh niên năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thanh niên năm 2005 và được kết cấu gồm 7 chương, 41 điều, trong đó:

Chương I - Những quy định chung, gồm 11 điều quy định về: thanh niên; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; hợp tác quốc tế về thanh niên; Tháng Thanh niên; đối thoại với thanh niên và áp dụng điều ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Chương II - Trách nhiệm của thanh niên, gồm 04 điều quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc; đối với Nhà nước và xã hội; đối với gia đình và đối với bản thân thanh niên.

Chương III - Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, gồm 11 điều quy định 11 nhóm chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trong đó có 06 điều quy định chính sách theo lĩnh vực gồm: chính sách về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc và 05 điều quy định chính sách đối với một số nhóm đối tượng thanh niên, gồm: chính sách đối với thanh niên xung phong; chính sách đối với thanh niên tình nguyện; chính sách đối với thanh niên có tài năng; chính sách đối với thanh niên dân tộc thiểu số và chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Chương IV - Tổ chức thanh niên, gồm 04 điều quy định về trách nhiệm tổ chức thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và về chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên.

Chương V - Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình.

Chương VI - Quản lý nhà nước về thanh niên, gồm 5 điều quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính  phủ; trách nhiệm của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chương VII - Điều khoản thi hành.

Với kết cấu như vậy, Luật Thanh niên năm 2020 có những nội dung mới, cơ bản như sau:  

Thứ nhất, quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.

Không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên vì thanh niên cũng là công dân Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp quy định.

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, với tư cách là một công dân, thanh niên có các quyền và nghĩa vụ như một công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Luật Thanh niên năm 2005 có 01 chương quy định 8 quyền, nghĩa vụ cơ bản của thanh niên nhưng thể hiện theo cách quyền và nghĩa vụ đi liền với nhau, vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ, các điều khoản thì chưa rõ ràng, còn chung chung. Để sửa chữa và khắc phục nhược điểm đó, Luật Thanh niên năm 2020 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên, mà quy định 01 điều bao quát chung quy định về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên (Điều 4); đồng thời dành riêng Chương II để quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân thanh niên để làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân thanh niên như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”(3); “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”(4).

Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.

Tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật về thanh niên của một số quốc gia trên thế giới, cũng như một số luật của Việt Nam như Bộ luật Dân sự(5), Luật Bình đẳng giới(6), Luật Hôn nhân và Gia đình(7) cho thấy, các luật đều có quy định mang tính nguyên tắc trong tổ chức, thực hiện pháp luật nói chung. Luật Thanh niên năm 2020 đã dành riêng 01 điều quy định mang tính nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Trong đó, quy định các nguyên tắc nhằm bảo đảm sự bình đẳng của thanh niên về quyền, nghĩa vụ; không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, gia đình trong việc tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; bảo đảm sự tham gia của thanh niên, tôn trọng thanh niên, lắng nghe thanh niên trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật đối với thanh niên với mục tiêu phát triển thanh niên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Thứ ba, quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.

Nghiên cứu Luật Thanh niên một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho thấy có một số quốc gia quy định trong Luật Thanh niên nguồn lực quốc gia dành cho việc thực hiện chính sách thanh niên, như: Luật Thanh niên của Cộng hòa Serbia dành hẳn 01 chương quy định về kinh phí và nguồn nhân lực cho các chương trình và dự án vì lợi ích công đối với thanh niên; Luật Thanh niên của Bungaria quy định các nguyên tắc quản lý, cung cấp tài chính cho các hoạt động nhằm thực hiện chính sách thanh niên nhà nước; Luật Thanh niên của Latvia quy định việc cung cấp tài chính từ ngân sách nhà nước được cung cấp cho các sáng kiến của thanh niên, các tổ chức thanh niên. Luật Thanh niên năm 2005 không quy định nguồn lực thực hiện chính sách nhà nước đối với thanh niên. Tiếp thu kinh nghiệm thế giới, Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên gồm ngân sách nhà nước; các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ và khoản đóng góp hợp pháp khác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong thời gian tới.

Thứ tư, quy định Tháng Thanh niên và trách nhiệm đối thoại với thanh niên.

Từ năm 2003, Đảng và Nhà nước ta đã quy định lấy tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bồi dưỡng lực lượng thanh niên - nguồn nhân lực trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 điều để quy định tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. Việc tổ chức Tháng Thanh niên nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh quan trọng của thanh niên, trách nhiệm của toàn xã hội đối với thanh niên và trách nhiệm của thanh niên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đây cũng là tháng để thanh niên cả nước hăng hái thi đua, triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, xung kích, tình nguyện, thực hiện các chương trình, phần việc thanh niên, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào hoạt động của thanh niên trong năm. Đồng thời, đây cũng là dịp Đảng và Nhà nước tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương điển hình, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã quy định chính quyền các cấp định kỳ gặp gỡ, đối thoại với thanh niên. Trong những năm qua, lãnh đạo các bộ, ngành, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với thanh niên để giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên. Luật Thanh niên năm 2020 dành riêng 01 điều để quy định việc đối thoại với thanh niên là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 25-NQ/TW của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra nhằm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên thông qua những hoạt động đối thoại với thanh niên.

Thứ năm, về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.

Luật Thanh niên năm 2005 đã quy định các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên nhưng lại gắn với trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên; do vậy nhiều chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được triển khai có hiệu quả. Để chính sách, pháp luật đối với thanh niên đi vào cuộc sống, Luật Thanh niên năm 2020 đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng để không chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành. Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên; trong đó, quy định nguyên tắc định hướng để thực hiện các chính sách làm cơ sở cho việc bảo đảm cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực và địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách về lao động, việc làm; chính sách về khởi nghiệp; chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, đối với một số đối tượng thanh niên có tính “đặc thù”, Luật Thanh niên năm 2020 đã quy định một số chính sách cụ thể với các nhóm đối tượng là thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện; thanh niên có tài năng; thanh niên là người dân tộc thiểu số; thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhóm yếu thế phát triển và phát huy nhóm thanh niên tích cực, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng thanh niên.

Thứ sáu, về trách nhiệm của tổ chức thanh niên.

Kế thừa Luật Thanh niên năm 2005, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 chương quy định về tổ chức thanh niên, trong đó quy định vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên, mà chủ đạo là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên đối với thanh niên, đặc biệt là đã có 01 điều quy định chính sách của Nhà nước đối với tổ chức thanh niên để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các tổ chức thanh niên hoạt động. Những quy định này đã cụ thể hóa tinh thần Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” để khẳng định vị thế và nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên đối với thanh niên.

Thứ bảy, về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên; trong khi đó những tổ chức này có vị trí, vai trò và sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đến thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên năm 2020 đã dành 01 chương quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên với mục đích tạo nền tảng pháp lý quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành lập nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Bên cạch đó, các quy định của Luật Thanh niên năm 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, của gia đình trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng; được giáo dục, rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.

Thứ tám, quản lý nhà nước về thanh niên.

Luật Thanh niên năm 2005 không quy định cụ thể cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; đồng thời cũng không quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, không quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Đây cũng là một hạn chế để triển khai thực thi các chính sách, pháp luật đối với thanh niên. Khắc phục hạn chế này, Luật Thanh niên năm 2020 quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 08 nhiệm vụ cụ thể. Giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn. Quy định 08 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên. Quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo ngành và lĩnh vực. Quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và việc tổ chức triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên tại địa phương.

3. Một số giải pháp để triển khai thực hiện Luật Thanh niên  

Để đưa Luật Thanh niên năm 2020 và các chính sách, pháp luật đối với thanh niên vào cuộc sống, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành  kế hoạch tổ chức triển khai Luật Thanh niên, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc tổ chức triển khai Luật Thanh niên; nhất là việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên một cách kịp thời nhằm bảo đảm các chính sách được tổ chức thực thi có hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức thi hành luật.

Hai là, tổ chức quán triệt Luật Thanh niên tới lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tới cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm nâng cao nhận thức trong việc tổ chức triển khai và đưa Luật Thanh niên vào cuộc sống; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức ở tất cả các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở và trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Luật Thanh niên; về vị trí, vai trò của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong việc chăm lo, bồi dưỡng, phát triển thanh niên.

Ba là, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên tương xứng với nhiệm vụ được giao; từ đó bố trí đủ cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên ở các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương, nhất là ở Bộ Nội vụ để có đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thanh niên và tổ chức triển khai các chính sách đã được quy định trong Luật Thanh niên. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thanh niên và các chính sách, pháp luật về thanh niên.

Năm là, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành trong việc thực hiện cơ chế, chính sách và pháp luật đối với thanh niên; tổ chức triển khai Luật Thanh niên. Kiện toàn Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam với đúng tính chất là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên theo đúng quy định của pháp luật.

Sáu là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về thanh niên; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế quản lý nhà nước về thanh niên, trao đổi kinh nghiệm xây dựng, thực hiện chính sách đối với thanh niên; tranh thủ nguồn lực của các tổ chức quốc tế cho phát triển thanh niên. Tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các tổ chức thanh niên trong khu vực và thế giới.  

Bảy là, đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Thanh niên tới các tầng lớp thanh niên để thanh niên thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Luật Thanh niên, thấy rõ những chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho thanh niên. Đặc biệt về vị trí, vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai, đưa các chính sách trong Luật Thanh niên đi vào cuộc sống./. 

TS. Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Nguồn: tcnn.vn

--------------------------

Ghi chú:  

(1) http://www.youthpolicy.org/factsheets/.

(2) Khoản 2, Điều 37, Hiến pháp năm 2013.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập (CD-ROM), tập 13, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.471.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập (CD-ROM), tập 9, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.265.

(5) Điều 3, Bộ luật Dân sự năm 2015.

(6) Điều 6, Luật Bình đẳng giới năm 2006.

(7) Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.  

Tài liệu tham khảo:  

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

3. Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính tr? về việc đẩy mạnh thực hiện Ngh? quyết Hội ngh? Trung ương lần thứ 7 khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

4. Luật Thanh niên của nước CHXHCN Việt Nam.

5. Luật Thanh niên của nước Cộng hòa Serbia.  

6. Luật Thanh niên của nước Cộng hòa Bungaria.


Tìm kiếm