BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bài viết nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ: Chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lựa chọn, sử dụng nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ thời kỳ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc

19/08/2020 17:27

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ, trong bài viết này, dưới góc độ khoa học chính sách, xin trình bày chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lựa chọn, sử dụng nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ thời kỳ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc. 

1. Quan niệm, mục tiêu, giải pháp chính sách trọng dụng, sử dụng  nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

a. Quan niệm

Chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thái độ, là quan điểm, phương sách, quyết sách chính trị của Người về nhân tài với mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm trọng dụng, sử dụng, phát triển nhân tài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, kháng chiến kiến quốc vì độc lâp, tự do của Tổ quốc, của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. 

Là người sáng lập ra chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để xây dựng và kiến thiết đất nước vừa thoát ra khỏi ách thống trị của bọn thực dân phong kiến cần phải có nhân tài. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của nhân tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc, Người đặc biệt quan tâm đến sử dụng, trọng dụng nhân tài. Theo Người, “việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”. 

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 04/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu Quốc. Trong bài viết này, Người chỉ rõ: “Muốn giữ vững nền độc lập, chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Quan điểm, chính sách trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được nhấn mạnh trong bài viết “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc ngày 20/11/1946. Người khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân, khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. 

Các bài viết “Nhân tài và kiến quốc” và “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh như các “chiếu cầu hiền” của các bậc minh vương các triều đại phong kiến tiến bộ của nước ta trong lịch sử. Nhờ có quan điểm, phương sách, quyết sách trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trọng dụng, sử dụng đúng nhân tài là vấn đề cực kỳ quan trọng trong phương sách, chính sách dùng người. Người chỉ rõ “nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc”, “nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”. Người phê phán “thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người” và chỉ rõ tác dụng to lớn của việc bố trí, sử dụng, trọng dụng đúng nhân tài “phải biết dụng nhân như dụng mộc”, “Nếu biết tùy tài mà dùng người” sẽ thành công, “lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hóa thành tài to, lãnh đạo không khéo thì tài ro cũng hóa ra tài nhỏ”, “phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Đó chính là quan điểm, chính sách, phương sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến cứu quốc. 

b. Mục tiêu chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Mục tiêu chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và để kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập của dân tộc và kiến thiết xây dựng đất nước vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của Nhân dân. Chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhằm mục tiêu phát triển, động viên khuyến khích nhân tài mang hết tài năng, trí tuệ và sức lực của họ phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Ngoài ra, chính sách trọng dụng, sủ dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhằm mục tiêu trọng dụng, sử dụng đúng, sử dụng có hiệu quả nhân tài vì không trọng dụng, sử dụng đúng, sử dụng có hiệu quả nhân tài là một sự lãng phí lớn. Đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất. Chính sách trọng dụng, sử dụng đúng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để cho nhân tài phát triển, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân tài mang hết tài năng, trí tuệ và sức lực của mình cống hiến phụng sự tổ quốc, phung sự Nhân dân.  

c. Giải pháp cụ thể chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong tất cả các chính sách công – chính sách của Nhà nước, việc xác định đúng mục tiêu là vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn là xác định đúng các giải pháp chính sách. Xác định mục tiêu đúng nhưng không có các giải pháp đúng để thực hiện thì chính sách cũng không thể thành công, không thể thực hiện được. Giải pháp chính sách công chính là chủ thể ban hành chính sách sử dụng để can thiệp, tác động đến đối tượng chính sách để đạt được mục tiêu chính sách. Giải pháp chính sách công thường được sử dụng là can thiệp, tác động thông qua lợi ích kinh tế; can thiệp, tác động thông qua quan hệ cộng đồng; can thiệp, tác động thông qua giá trị xã hội, v.v, lựa chọn giải pháp công cụ nào tùy thuộc vào đặc điểm, năng lực, khả năng của chủ thể chính sách, của Chính phủ, cũng như điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm, tính chất của mỗi nhóm đối tượng cụ thể.

Giải pháp, công cụ chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cách thức, phương thức, phương sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Người, đó là các giải pháp quan trọng sau: 

- Giải pháp tìm kiếm, phát hiện nhân tài, dân tộc nào, quốc gia nào cũng đều sản sinh ra nhân tài, cái khác nhau và hơn nhau là quốc gia, dân tộc nào biết tìm kiếm, phát hiện, chăm sóc, bồi dưỡng nhân tài thì quốc gia, dân tộc đó phát triển nhanh và bền vững. 

- Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nhân tài thường có những năng lực đặt biệt và phẩm chất ưu việt bẩm sinh, nếu sớm được phát hiện, được đào tạo, bồi dưỡng theo quy trình khoa học, sử dụng hợp lý, được rèn luyện, được tạo điều  kiện thuận lợi sẽ trở thành những nhân tài hữu dụng và công hiến nhiều hơn. 

- Giải pháp quy tụ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vì đại nghĩa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, không phân biệt đảng phái, giai cấp, giàu nghèo, tôn giáo, hễ là người Việt Nam – “con Rồng, cháu Tiên” đều phải mang hết tài năng, sức lực, của cải, tính mạng của mình bảo vệ tự do, độc lập của dân tộc. 

- Giải pháp đánh thức lòng tự trọng, tự tôn, tự hào dân tộc và trách nhiệm của nhân tài và trí thức đối với quốc gia, dân tộc. 

- Giải pháp bằng sự tin tưởng tuyệt đối, sẵn sàng giao cho nhân tài những công việc quốc gia đại sự. 

- Giải pháp đánh giá, trọng dụng, sử dụng đúng nhân tài, bố trí đúng việc và tạo mọi điều kiện để nhân tài phát huy hết tài năng của họ, phải biết “dụng nhân như dụng mộc” trong sử dụng, trọng dụng nhân tài. 

- Giải pháp bằng “sự độ lượng vĩ đại”, không thành kiến, không mặc cảm  đối với những sai lầm của nhân tài. 

- Giải pháp bằng sự cảm hóa, thuyết phục, gương mẫu, đồng cam cộng khổ, chia sẻ với nhân tài, trí thức. Khắc phục các hạn chế của vua chúa phong kiến ngày xưa như: “lúc hàn vi khó khăn thì vua tôi ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu, khi thắng lợi vua ngồi trên ngai vàng, đất nước thái bình, thịnh vượng thì vua tôi không thể ăn cùng mâm, không thể ngủ cùng chiếu”. 

- Giải pháp tôn vinh, đề cao vị trí xã hội của nhân tài, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho họ.

- Giải pháp dành cho nhân tài những ưu đãi vật chất đặc biệt, cần thiết đối với nhân tài hay nói một cách khác phải có chính sách chiêu hiền, đãi sĩ.

Có thể thấy đa số các giải pháp chính sách trọng, dụng sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là giải pháp đòn bẩy kinh tế vì đối với nhân tài, trí thức, cái họ cần ở Người, ở Chính phủ không phải là “lầu cao, gác tía, bổng lộc, chức vị”, cái họ cần hơn cả là Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đánh giá, trọng dụng, sử dụng đúng họ, tạo mọi điều kiện để họ thi thố, thử thách và phát triển tài năng, trí tuệ và sức lực của họ.

Giải pháp Người sử dụng chủ yếu là thông qua các gia trị xã hội tác động đến nhân tài, tạo nên niềm tin và hệ các giá trị họ tôn trọng và theo đuổi. Đó là bí quyết thành công của chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

2. Chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn lựa chọn, sử dụng nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ thời kỳ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc

Bộ Nội vụ là một trong 13 Bộ của Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 28/8/1945. Ngay từ ngày đầu thành lập, Bộ Nội vụ đã có vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu Chính phủ, được giao quản lý các lĩnh vực quan trọng có tính chất nội trị quốc gia. Do vị trí đặc biệt quan trọng của Bộ Nội vụ trong cơ cấu Chính phủ  nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm lựa chọn nhân sự cao cấp bố trí và vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên là đồng chí Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 28/8/1911 trong gia đình một nhà nho đức độ ở xã Lộc Thủy – Lệ Thủy – Quảng Bình, lớn lên học ở Quốc học Huế, sau đó ra Hà Nội học ở Trường Albert Sarraut, tốt nghiệp nhận bằng cử nhân luật, là giáo sư sử học Trường Tư thục Thăng Long. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928, bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế năm 1930, sau đó được trả tự do. Từ năm 1936 đến năm 1939, ông tham gia tích cực phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương. Năm 1940 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, ông cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cao Bằng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám. 

Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời được thành lập, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh “chọn mặt gửi vàng”, tin cậy giao trọng trách giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông là người duy nhất trong Chính phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thay mặt Chính phủ ký một loạt sắc lệnh quan trọng trong buổi đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Chỉ trong 6 tháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ nội vụ, với tài năng đức độ của mình, ông đã tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo đập tan bộ máy, giải tán các tổ chức chính trị phản động, xóa bỏ các chế độ, chính sách của chính quyền thực dân phong kiến; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự trị an, bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân. Đặc biệt, ông đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng trình Chính phủ ban hành một loạt các sắc lệnh quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ và quản lý điều hành đất nước theo chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chỉ trong vòng 6 tháng, ông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 100 sắc lệnh, trong đó có 30 sắc lệnh ông thay mặt Chính phủ ký ban hành. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thứ hai là nhân sỹ, đại khoa bảng Huỳnh Thúc Kháng. Theo thỏa thuận ngày 23/2/1945 giữa Việt Minh và các đảng đối lập cùng tham gia xây dựng Chính phủ kháng chiến thì người đứng đầu hai bộ quan trọng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng phải là nhân sĩ trung lập. Với nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, khôn khéo và nhạy cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mời cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Trung Bộ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ra từ đất Quảng Nam giàu tinh thần yêu nước, đã từ bỏ chốn quan trường phong kiến hủ bại, sớm tham gia phong trào yêu nước của thế kỷ 20. Cụ là một trong những người sáng lập ra phong trào Duy Tân. Sau cao trào 1908, cụ bị thực dân Pháp giam cầm 13 năm trong nhà tù Côn Đảo. Ra tù, cụ đã nhanh chóng tham gia vào cuộc đấu tranh cho độc lập, dân chủ, là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1926 – 1928), chủ bút báo “Tiếng dân”. 

Cách mạng tháng Tám thành công, với tài năng, đức độ, học rộng, hiểu sâu và tinh thần vì nước, thương dân, cụ đã nhanh chóng đứng về phía cách mạng tháng Tám, ủng hộ Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ. Tháng 3 năm 1946, nhận lời mời của Chủ Tịch hồ Chí Minh, cụ tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, giữ chức Bộ trưởng Bộ nội vụ thay đồng chí Võ Nguyên Giáp đi nhận nhiệm vụ khác. “Việc cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ giúp Chính phủ có thêm một nhân sỹ tài năng, đức độ, do đó, củng cố thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng Nhân dân và uy tín của Chính phủ được tăng thêm”. 

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã không quản tuổi cao, cống hiến hết sức mình cho dân, cho nước, tích cực tham gia vào các hoạt động quan trọng của Chính phủ. Từ ngày 29/5/1946 đến ngày 21/10/1946, cụ được Chủ tịch Hồ chí Minh tin cậy giao ký các công văn thường ngày và Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Đặc biệt, ngày 21/5/1946, khi Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang thăm Pháp và dự cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp tại Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng thành kính nói với cụ: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự nhờ cậy ở cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong cụ dĩ bất biên ứng vạn biến”. Như vậy, trong lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc, cụ Huỳnh Thúc Kháng ngoài cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trọng trách Quyền Chủ tịch nước, trực tiếp giải quyết các công việc quốc gia đại sự. 

Cuối năm 1946, cụ được cử thay mặt Chính phủ đi kinh lý ở Miền Trung để  kêu gọi đồng bào, chiến sĩ ủng hộ Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, không may cụ bị ốm nặng và tạ thế ngày 29/4/1947. Sự ra đi của cụ là tổn thất lớn lao của Chính phủ, của Bộ, ngành Nội vụ. Trong lịch sử Chính phủ, lịch sử nền công vụ nước nhà, sự kiện nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ truởng Bộ Nội vụ là một minh chứng điển hình về quan điểm, chính sách, nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thứ ba là nhà lão thành cách mạng Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20/8/1888 tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An giang. Năm 1906, ông ra Sài Gòn học việc làm thợ. Năm 1912, ông tham gia tổ chức công nhân bãi công đòi quyền lợi, vì vậy, bị xa thải. Năm 1913, ông sang Pháp làm công nhân ở Toulon. Năm 1914, được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của đế quốc Pháp vào nước Nga Xô- viết tại Hắc Hải (ngày 20/4/2019), treo cờ trên một thiết giáp hạm của Pháp để ủng hộ cách mạng Nga. Năm 1920, bị trục xuất khỏi nước Pháp,về Sài Gòn thành lập công hội bí mật, lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son, tháng 8/1925. Năm 1927, được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Kỳ bộ Nam kỳ. Cuối năm, bị thực dân Pháp bắt trong vụ án tại đường Barbier, bị kết án 20 năm khổ sai, đầy ra Côn Đảo. 

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông trở về đất liền tham gia Ủy ban kháng chiến miền Nam. Năm 1946, được bầu là Đại biểu Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Ngày 30/4/1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ đã quyết định bổ nhiệm ông Tôn Đức Thắng, một cán bộ lão thành cách mạng có uy tín rất lớn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến cuối năm 1947, ông được cử giữ chức Thanh tra đặc biệt toàn quốc. Trong thời gian hơn 6 tháng giữ chức Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ hoàn thành xuất sắc các chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thứ tư là nhân sĩ, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, sinh năm 1889 trong một gia đình quan lại, lớn lên ra Hà Nội học trong trường Tây, từ năm 1911 đến năm 1914 được chính quyền bảo hộ Pháp trao học bổng du học tại Trường Hành chính thuộc địa Paris. Thời gian này, ông may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý tưởng học để giúp dân, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí minh đã ảnh hưởng lớn đến con đường học hành và sự nghiệp của ông sau này. Năm 1914 về nước, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng đốc nhiều tỉnh, được Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm giữ chức “Khâm sai đại thần” Bắc Kỳ. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông xin từ chức “Khâm sai đại thần”, từ bỏ quan trường, bổng lộc, ủng hộ Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Ngày 09/11/1947, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ nhất trí cử ông Phan Kế Toại giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Bội vụ. 

Bộ Nội vụ lúc này là một trong các Bộ quan trọng của Chính phủ, được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tin tưởng giao quản lý nhiều lĩnh vực có tính chất nội vu, nội trị quốc gia. Trên cương vị Bộ trưởng,  Bộ trưởng Phan Kế Toại đã nhanh chóng đề ra các giải pháp quan trọng, cải tiến, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Bộ, nhờ đó Bộ Nội vụ đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Chính phủ và Hồ Chủ tịch giao. 

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Phan Kế Toại, Bộ Nội vụ đã tổ chức thành công cuộc “di tản, di chuyển chiến lược” các cơ quan Trung ương từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Trung ương trong chiến khu Việt Bắc, giữ gìn và duy trì tốt cơ sở vật chất tối quan trọng cho toàn bộ cuộc kháng chiến. Trên lĩnh vực an ninh chính trị và trật tự trị an, Bộ trưởng Phan Kế Toại đã tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng lực lượng công an cách mạng vững mạnh, đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến cực kỳ khó khăn, gian khổ, Bộ Nội vụ đứng đầu là Bộ trưởng Phan Kế Toại đã tham mưu đắc lực cho Chính phủ kiện toàn bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đề xuất các giải pháp quan trọng củng cố chính quyền cách mạng, giữ vững ổn định chính trị xây dựng hậu phương kháng chiến vững mạnh. Trong lĩnh vực công chức, công vụ, Bộ trưởng Phan Kế Toại đã chỉ đạo nghiên cứu trình Hồ Chủ tịch ký ban hành Sắc lệnh số 188/SL ngày 25/9/1948 quy định Chế độ công chức mới và đặt một thang lương chung cho các ngạch lương và các hạng công chức Việt Nam; Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam và một loạt các văn bản quan trọng khác, đặt nền móng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau này, chính Bộ trưởng Phan Kế Toại đã trực tiếp chỉ đạo thành lập và xây dựng Trường Hành chính Trung ương, tiền thân của Học viện Hành chính Quốc gia ngày nay. 

Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện tốt các nhiệm vụ do Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, Bộ trưởng Phan Kế Toại còn tích cực tham gia trong Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Có thể khẳng định trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 11/1947 đến kháng chiến chống Pháp thành công, Bộ trưởng Phan Kế Toại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ, ngành Nội vụ ngày một vững mạnh, xứng đáng là một trụ cột trong cơ cấu Chính phủ, tham mưu giúp Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng có tính chất nội trị của quốc gia.

Sau hòa bình lập lại, ngày 20/9/1955, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa I, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kiện toàn Chính phủ, Bộ trưởng Phan Kế Toại được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ giữ trọng trách này cho đến tháng 4/1964. 

Trong nhân sự cao cấp giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ còn có giáo sư, đại tri thức Hoàng Minh Giám. Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4/11/1904 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, trong một gia đình nhiều người đỗ khoa bảng. Năm 1926, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Đông Dương khóa II. Ông tham gia Đảng xã hội Việt Nam, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng xã hội. Ông được bổ nhiệm giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ đầu tiên theo sắc lệnh số 01/SL ngày 30/8/1945 do Bộ tưởng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ ký. Đến ngày 22/02/1946, cũng theo đề nghị của Bộ Nội vụ, ông được Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ, giáo sư Hoàng Minh Giám trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán với Sainteny – đại diện Chính phủ Pháp, dẫn đến việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946. Từ tháng 6 đến tháng 8/1946, ông tham gia phái đoàn của Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Fontainebleau, đến tháng 11/1946, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Người thay Đổng lý Văn phòng Hoàng Minh Giám là luật sư Phạm Khắc Hòe. Ông Phạm Khắc Hòe sinh năm 1901 ở Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh trong một gia đình khoa bảng. Thời nhỏ ông học tiểu học Pháp - Việt, năm 1919 – 1922 học ở Trường Quốc học Huế, năm 1922 – 1925 học ở Trường Cao đẳng Pháp luật và Hành chính Hà Nội. Năm 1925, ông tốt nghiệp và được phân công làm tham tá toàn sứ làm việc ở Huế và Quy Nhơn. Năm 1944 – 1945, làm ngự tiền Văn phòng Đổng lý, hàm thượng thư của vua Bảo Đại. Ông là người soạn thảo chiếu thoái vị của vua Bảo Đại ngày 22/8/1945. Ông đã phối hợp với lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Việt Minh tại Huế vận động gây sức ép, buộc Bảo Đại thoái vị, góp phần làm sụp đổ chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha pháp chính, đến ngày 22/3/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 31/SL bổ nhiệm giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. 

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Giám đốc Nha pháp chính và Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, ông còn tham gia các cuộc đàm phán Việt - Pháp ở Đà Lạt và ở Fontainebleau với tư cách là cố vấn kiêm Tổng thư ký Đoàn đại biểu Việt Nam. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy, trên cương vị Giám đốc Nha Pháp chế - Hành chính, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, ông đã mang hết khả năng, trình độ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của mình cùng với lãnh đạo Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ thực hiện tốt công tác pháp chế - hành chính. Trong lịch sử nền hành chính nước nhà, việc sử dụng ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý Văn phòng Hoàng Đế Bảo Đại vào cơ cấu cán bộ chủ chốt của Bộ Nội vụ là ví dụ điển hình về chính sách và tài năng thu phục những công chức – trí thức của chính quyền cũ vào làm việc cho chính quyền cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chánh Văn phòng đầu tiên của Bộ Nội vụ là ông Hoàng Hữu Nam, tên thật là Phan Bôi. Ông sinh năm 1911 trong một gia đình nổi tiếng về hiếu học, yêu nước và cách mạng. Khi 15, 16 tuổi, ông học Trường Quốc học Huế. Ông sớm tham gia hoạt động cách. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng trong năm này, ông bị thực dân Pháp bắt đưa ra xét xử trong vụ án “Đông Dương Cộng sản”, ông bị kết án 20 năm tù và đầy ra Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Hà Nội. Năm 1941, ông lại bị thực dân Pháp bắt đưa đi an trí tại Bắc Mê, Hà Giang, nhà lao Ninh Bình, sau đó bị đầy đi Madagasca (Châu Phi). Tháng 6/1943, ông được phóng thích khỏi Madagasca và được đưa sang Ấn Độ, được sự đồng ý của tổ chức Đảng trong nước, ông nhận làm tình báo cho Anh. Cuối năm 1944, sau khi dự huấn luyện nghề tình báo, ông được quân đội Anh đưa về Việt Nam, nhảy dù xuống Cao Bằng, ông bắt nối với cơ sở của ta và được đưa về công tác ở cơ quan Trung ương Đảng. 

Tháng 01/1946, ông được bổ nhiệm  giữ chức Chánh văn phòng Bộ Nội vụ. Cũng trong năm này, ông được bầu là Đại biểu Quốc hội. Tháng 3/1946, ông Hoàng Hữu Nam được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông còn được giao nhiệm vụ là Trưởng ban Liên kiểm Việt - Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, ông cùng Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục công tác trong Hội đồng Chính phủ. Ông là một lãnh đạo ưu tú của Bộ Nội vụ, là người cộng tác đắc lực cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 24/4/1947, ông bị mất trên đường công tác tại Tuyên Quang. Sự ra đi của ông là một tổn thất lớn lao của Chính phủ và của Bộ, ngành Nội vụ. 

Chánh Văn phòng thứ hai của Bộ Nội vụ là ông Đặng Việt Châu, tên thật là Đặng Hữu Rạng, sinh năm 1914 ở Bách Tính  Nam Hồng - Nam Trực - Nam Định trong một gia đình nhà nho khí tiết. Sau khi học xong tiểu học, năm 1929, ông vào học ở trường Thành Chung, Nam Định. Tháng 3/1931, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1937, ông tham gia xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách khu C gồm 4 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình. Năm 1939, ông bị mật thám Pháp bắt giam cầm ở nhà lao Bắc Mê, Hà Giang, đầu tháng 8/1942 mới được thả, nhưng bị quản thúc. Cuối năm 1944, ông tham gia phái đoàn ngoại giao do Hoàng Quốc Việt lãnh đạo từ Hải Phòng sang Quảng Tây, Trung Quốc. Tháng 5/1945 về nước, ông được Xứ ủy giao nhiệm vụ giúp Ban cán sự Vĩnh Yên lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền và được cử làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Vĩnh Yên. Ngày 30/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 cử ông giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, sau đó được cử làm đặc phái viên của Bộ Nội vụ ở Ninh Bình và Thanh Hóa.

Trong nhân sự cấp cao của Bộ đầu năm 1946, còn có ông Tôn Quang Phiệt được giao phụ trách Nha Thanh tra. Ông Tôn Quang Phiệt sinh năm 1900 trong một gia đình nhà nho tại Võ Liệt, Thanh Trương, Nghệ An. Thời nhỏ học ở Trường Thành Chung tại Quốc học Vinh. Năm 1923, học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1925, ông cùng Đặng Thai Mai, Phạm Thiều sáng lập ra tổ chức Việt Nam nghĩa đoàn, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu. Năm 1927, tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, ra nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1930, ông bị bắt, bị kết án 7 năm tù, bị đầy đi Buôn Mê Thuột. Năm 1934, ông ra tù, bị quản thúc, dạy học ở trường tư thục Vinh, sau đó vào Huế mở trường tư thục Thuận Hóa. Từ năm 1936 – 1945, tham gia Mặt trận dân chủ, phong trào Đông Dương đại hội. Sau cách mạng tháng Tám, ông là Chủ tịch UBND cách mạng và Ủy ban kháng chiến đầu tiên của Thừa Thiên Huế. Năm 1946, ông là Đại biểu Quốc hội khóa I, được Chính phủ giao phụ trách Nha thanh tra thuộc Bô Nội vụ vv...     
    
Như vậy, việc lựa chọn nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ thời kỳ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc là minh chứng điển hình về chính sách trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều nhân tài, trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh lưa chọn bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ sau này trở thành các cán bộ lãnh đạo kiệt xuất và uy tín của Đảng và Nhà nước. 

Bộ trưởng Tôn Đức Thắng sau trở thành Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp sau trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt nam, nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam, là một trong những vị tướng tài giỏi nhất trên thế giới, giữ chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Người được suy tôn là anh hùng của Nhân dân. 

Nhân sỹ - Khâm sai đại thần Phan Kế Toại trở thành Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Giáo sư Hoàng Minh Giám, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ sau trở thành Thứ trưởng Bộ Nội vụ,Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa VI, Ủy viên Đoàn Chủ Tịch UBTW MTTQ Việt Nam, nhà ngoại giao, nhà văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. 

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Đặng Việt Châu sau trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Khu IV, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Phụ trách Thanh tra Bộ Nội vụ Tôn Quang Phiệt sau trở thành Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Khóa I, Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội Khóa III và IV, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam v.v.

Có thể khẳng định, chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh rõ quan điểm, phương sách và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là kết tinh truyền thống dùng người của cha ông ta trong lịch sử, là đỉnh cao của “nghệ thuật” ,“phương sách”, quốc sách dùng người, bí quyết thành công của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhờ có chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài đúng đắn, sáng suốt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đã quy tụ, tập hợp được các nhân tài xuất sắc cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng và bảo vệ chính thể Việt Nam Dân chủ công hòa.

Cũng nhờ chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài đúng đắn và sáng suốt đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo, dẫn dắt đưa con thuyền cách mạng nước ta đến bến bờ thắng lợi. Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đang chỉ đạo đầu tư xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách phát triển nhân tài. Nếu chúng ta biết kế thừa và áp dụng sáng tạo các giải pháp, chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất định chúng ta sẽ xây dựng được chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách phát triển nhân tài có chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./. 
                                             
PGS.TS. Văn Tất Thu 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ


Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh - “Thiếu óc tổ chức một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”. Hồ Chí Minh toàn tập, T4, NXB CTQG, Hà Nội, 2002, tr 38-39.
2. Hồ Chí Minh - “Nhân tài và kiến quốc”. Hồ Chí Minh toàn tập, T4, NXB CTQG, Hà Nội 2002. tr 99. 
3. Hồ Chí Minh - “Tìm người tài đức”. Hồ Chí Minh toàn tập, T4. NXB CTQG, Hà Nội 2002. tr 451. 
4. Hồ Chí Minh - “Sửa đổi lối làm việc”. Hồ Chí Minh toàn tập, T5, NXB CTQG, Hà Nội, tr 229 – 306.
5. Lịch sử Chính phủ Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội, 2006, T1 (1945 – 1955).
6. Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB CTQG, Hà Nội, 2005.
7. Biên niên Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2007. 
8. Văn Tất Thu - Cống hiến to lớn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong những ngày tháng đầu tiên xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 8/2010. 
9. Văn Tất Thu - Cống hiến to lớn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 4/2012.
10. Văn Tất Thu - Cống hiến to lớn của Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 8/2013.
11. Văn Tất Thu - Quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Tạp chí tổ chức nhà nước, số 5/2010./.

Tìm kiếm